Sự kiện hot
12 năm trước

Châu Âu quyết định giám sát các ngân hàng

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) tối 18-10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thỏa thuận về một cơ chế giám sát đối với toàn bộ ngân hàng khối đồng euro.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) tối 18-10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thỏa thuận về một cơ chế giám sát đối với toàn bộ ngân hàng khối đồng euro.


Người biểu tình Hi Lạp ném bom xăng vào cảnh sát trong cuộc bạo động ở Athens - Ảnh: Reuters

Một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Olivier Bailly cho biết cơ chế giám sát này sẽ được thực thi “từng bước” trong năm 2013.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nêu rõ EU sẽ thông qua cơ chế pháp lý mới này vào cuối năm 2012 để bắt đầu có hiệu lực vào năm 2013. Ban đầu Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ chỉ giám sát các ngân hàng đã nhận cứu trợ, sau đó là các tổ chức tài chính lớn. Đến năm 2014, ECB sẽ giám sát toàn bộ 6.000 ngân hàng trong khối đồng euro.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế và các nhà kinh tế khẳng định việc thành lập một “liên minh ngân hàng” sẽ giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ đã kéo dài ba năm qua. Với cơ chế này, ECB có thể trực tiếp rót vốn vào các ngân hàng ở các nước khủng hoảng nợ như Tây Ban Nha mà không cần thông qua chính quyền quốc gia đó, qua đó tránh tình trạng nợ của nước đó gia tăng.

Báo chí Anh nhận định cơ chế giám sát ngân hàng của EU có rất nhiều điểm rắc rối về pháp lý, bởi nó trao nhiều quyền lực cho ECB trong khi lại làm suy yếu ngân hàng trung ương của các nước thành viên. Có khả năng cơ chế này cũng sẽ buộc châu Âu phải thay đổi một số hiệp ước. Anh và chín nước EU nằm ngoài khối đồng euro cũng lo ngại về việc bị “phân biệt đối xử” so với các nước thuộc khối đồng euro.

“Giai đoạn tồi tệ nhất đã qua”?

“ECB sẽ có thể can thiệp vào bất cứ ngân hàng nào trong khối đồng euro” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso nhấn mạnh. Theo các chuyên gia kinh tế, ý nghĩa của cơ chế giám sát này là chuyển giao gánh nặng giải cứu các ngân hàng yếu kém ở mỗi nước từ chính quyền quốc gia đó sang khối đồng euro, thông qua Quỹ giải cứu cơ chế ổn định châu Âu (ESM).

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho biết đây là bước quan trọng trong những biện pháp chống lại khủng hoảng nợ. “Tối nay tôi khẳng định giai đoạn tồi tệ nhất (của cuộc khủng hoảng nợ) đã trôi qua. Chúng ta đang trên đường giải quyết những vấn đề đã làm tê liệt khối đồng euro” - ông Hollande nhấn mạnh.

Theo ông, nếu hội nghị thượng đỉnh EU tháng 12-2012 thông qua quyết định hôm nay, nếu Hi Lạp tìm ra một giải pháp dài hạn, nếu Tây Ban Nha tìm lại được cơ chế gây quỹ thì châu Âu có thể vượt qua cuộc khủng hoảng. Nguồn tin từ Chính phủ Pháp cho biết ESM có thể bắt đầu rót vốn cho các ngân hàng yếu kém trong khối đồng euro từ quý 1-2013. Tuy nhiên, phía Đức cho rằng thời điểm đó là quá sớm.

Theo Reuters, trước và tại hội nghị EU ở Brussels, Đức và Pháp vẫn luôn có khoảng cách trong nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề tăng cường liên minh ngân sách. Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn EU kiểm soát ngân sách của các nước thành viên khối đồng euro. Điều này có nghĩa là EC phụ trách các vấn đề kinh tế có quyền phủ quyết đối với ngân sách quốc gia của các nước thành viên. Ông Francois Hollande lại bác bỏ điều này khi nhấn mạnh quyết định duy nhất mà hội nghị đã đưa ra là thành lập “liên minh ngân hàng” chứ không phải là “liên minh ngân sách”.

Nhiều khả năng cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề kiểm soát ngân sách của các nước thành viên sẽ tiếp tục bùng nổ giữa Pháp và Đức.

Hai điểm nóng

Hội nghị thượng đỉnh EU lần này diễn ra trong thời điểm các thị trường ổn định hơn sau khi ECB cam kết sẵn sàng mua trái phiếu của các quốc gia bất ổn trong khối đồng euro. Tuy nhiên, Hi Lạp và Tây Ban Nha vẫn đang là những điểm nóng đáng lo ngại.

Ngày 18-10 hàng chục ngàn người Hi Lạp đã xuống đường phản đối việc chính phủ tiếp tục cắt giảm ngân sách ngặt nghèo. Reuters cho biết hệ thống giao thông Hi Lạp bị ngưng trệ. Tại thủ đô Athens, cảnh sát bắn hơi cay vào các đám đông biểu tình. Một người biểu tình 65 tuổi đã chết vì lên cơn đau tim. Hi Lạp đang trải qua năm suy thoái thứ năm và tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt lên mức 25%.

Trong khi đó tại Tây Ban Nha, dù lãi suất trái phiếu chính phủ đã hạ nhưng Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s vẫn dự báo sớm muộn gì Chính phủ Tây Ban Nha cũng sẽ phải ngửa tay xin EU cứu trợ.

Sơn Hà
theo TTO

Từ khóa: