Sự kiện hot
13 năm trước

Chỉ tiêu lạm phát 17% và cuộc rượt đuổi giá cả

Chính phủ vừa kiến nghị Quốc hội cho nới chỉ tiêu lạm phát năm 2011 lên 17%. Con số này thể hiện việc thẳng thắn nhìn nhận sự thật giá cả tăng mạnh trong cả năm 2011. Nhưng mặt khác, nó như một tín hiệu bật đèn xanh cho một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu tăng thêm vì vẫn còn dư địa.

Chính phủ vừa kiến nghị Quốc hội cho nới chỉ tiêu lạm phát năm 2011 lên 17%. Con số này thể hiện việc thẳng thắn nhìn nhận sự thật giá cả tăng mạnh trong cả năm 2011. Nhưng mặt khác, nó như một tín hiệu bật đèn xanh cho một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu tăng thêm vì vẫn còn dư địa.

Mệt mỏi vì rượt theo lạm phát

Điểm lại từ đầu năm đến nay, mục tiêu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục phải điều chỉnh. Kế hoạch Chính phủ đặt ra ban đầu đầy lạc quan, lạm phát năm 2011 sẽ ở mức 7%.

Nhưng chỉ 2 tháng đầu năm, tỷ giá USD vọt lên 9,3%, kế sau đó, giá điện lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử tăng giá với mức tăng 15,28%. Tháng 3, giá xăng tăng tới 30%. Tháng 4, giá than sau khi tăng 5%, đã tiếp tục leo thêm 20-40%.

Nghị quyết 11 được ban hành rất sớm, chỉ 13 ngày sau khi tăng tỷ giá, ngày 24/2. Thông điệp điều hành kinh tế đầy cứng rắn: ổn định kinh tế vĩ mô là số 1, kiềm chế lạm phát là ưu tiên.

Tháng 3, giá xăng tăng tới 30%

Vậy mà, sau khi được ban hành 1 tháng, Chính phủ đã phải "xin" điều chỉnh lạm phát lên mức 11,75%. Rồi chẳng được bao lâu, tháng 5, con số mới được đề xuất: 15%. Và nay, chỉ tiêu này đã được nới rộng lên 17%.

Tuy nhiên, 17% chỉ là đề nghị chính thức trong văn bản Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bên lề phiên họp thường vụ, Bộ trưởng bộ Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc còn không ngần ngại nói rằng, giữ được 18% cũng là thành công.

Diễn biến trên giống như việc lạm phát đang được Chính phủ cập nhật trước Quốc hội. Việc xin nới rộng chỉ tiêu chỉ mang tính hình thức nhằm kéo gần khoảng cách giữa kế hoạch trên giấy và tính thực thi bên ngoài cũng như đảm bảo kết quả điều hành kinh tế sau này là sát thực.

Một bên, kiềm chế lạm phát tưởng rằng sẽ là CPI ở mức thấp hoặc trung bình, mức chịu đựng được của đời sống kinh tế. Nhưng một bên, Chính phủ lại luôn xin tăng chỉ số nhạy cảm này!

Suốt từ đầu năm đến nay, các nhà hoạch định chính sách đang phải "rượt" theo lạm phát. Điều này càng khiến người ta tin rằng, khả năng dự báo của các nhà quản lý là "chưa như ý" và càng khiến công chúng mơ hồ nghĩ rằng, đợt xin điều chỉnh tăng 17% mới đây có lẽ không phải là quá tam ba bận.

Bật đèn xanh cho giá tăng

Nghị quyết 11 vẫn được coi như một "thánh chỉ" cho cuộc chiến chống lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô. Những gói thuốc thuộc vào dạng "biệt dược" cho kinh tế Việt Nam năm nay vẫn đang được áp dụng một cách triệt để như thắt chặt tiền tệ và tài khóa, giảm đầu cư công, giảm bội chi ngân sách, co lại cung tiền, kiên quyết kéo đà tăng trưởng tín dụng xuống thấp.

Song, có hàng loạt phát ngôn từ chính các lãnh đạo bộ ngành thật đáng lưu tâm. Đó là khả năng phải tăng giá điện ít nhất 1 lần trong năm nay, do giá điện vừa qua chỉ tăng bằng 1/3 mức phải tăng, do Tập đoàn điện lực Việt Nam đang nợ đầm đìa các nơi. Đó là khả năng giá xăng dầu sẽ không hạ nhiệt trên thị trường thế giới. Đó là việc Tập đoàn Than - Khoáng sản liên tục "nhắc khéo" việc giá than cho điện phải điều chỉnh đúng lộ trình.

Cách nói gần, nói xa đó khiến ai nấy đều lo ngại. Thực tế, nếu chỉ xét theo hướng tiệm cận thị trường hóa thì dư địa của giá điện, xăng dầu, than là rất thênh thang rộng mở.

Ngoài ra, 4 tháng cuối năm nay, thật khó mà mơ đến một kỳ giảm giá như hồi năm 2008 vì ngoài kia, nền kinh tế thế giới đang hồi phục với giá nguyên nhiên vật liệu, giá đầu vào nói chung tăng cao. Quí 4 năm nay cũng sẽ như năm 2007, 2009 và 2010, là thời "hoàng kim" của chu kỳ giá cả trong năm, nhu cầu mua hàng cao, nhu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình, rồi giải ngân, quyết toán các đơn hàng... sẽ khiến cho giá cả tiếp tục leo thang.

6 tháng đầu năm, CPI đã là 13,29% mà tổng phương tiện thanh toán mới tăng 2,45% trong khi mục tiêu 2011 Chính phủ cho phép tăng 15-16%. Tăng trưởng tín dụng mới tăng 7,13% trong khi mức cho phép là dưới 20%. Nghĩa là, dư địa để tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng hãy còn lớn.

Nay, chỉ tiêu lạm phát được đẩy lên khiến người ta không khỏi lo ngại đây là tín hiệu bật đèn xanh cho một đợt các đề xuất tăng giá theo lộ trình thị trường hóa sắp tới của các ngành hàng.

Trong một cơn xáo trộn bất ổn này, các doanh nghiệp lao đao, thậm chí, phải thu hẹp sản xuất, chi phí đầu vào, lãi suất tăng cao trong bài toán duy trì hiệu quả kinh doanh. Còn người dân cũng chóng mặt với mức độ tăng giá các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Còn 5 tháng nữa, chưa biết lạm phát cuối năm sẽ dừng ở mức nào, song người dân cần một thông điệp của Chính phủ vững chắc và đi vào thực chất hơn, dẫu biết rằng, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là kim chỉ nam  năm nay và các năm tiếp theo. Nói cách khác, kiềm chế lạm phát cần phải định nghĩa lại theo một cách thẳng và thật hơn, đúng với tình hình năm 2011. Vì một bức tranh thật sẽ giúp cho chính nhà hoạch định chính sách, làm tốt hơn việc của mình, cộng đồng doanh nghiệp và người dân sẽ có sự chủ động ứng phó hơn để cùng vượt khó với Chính phủ.

Dư địa tổng phương tiện thanh toán tăng lớn của những năm trước: năm 2006 tăng 33,59%, 2007: 43,67%, 2008: 20,34%, 2009: 27,54% và 2010: 25%, dư nợ tín dụng năm 2010 tăng 27%.

Theo tính toán ước lượng, ảnh hưởng của cả 2 lần tăng giá xăng dầu và tăng giá điện sau 3 - 6 tháng, CPI tăng khoảng trên dưới 4%.

8 ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi yếu tố tăng giá xăng, dầu và điện là khai thác thuỷ sản tăng 12,77%. sản xuất xi măng tăng 10,75%; vận tải đường bộ tăng 12,3%; vận tải đường thuỷ tăng 12,5%; vận tải hàng không tăng 10,5%; thuỷ tinh và sản phẩm từ thuỷ tinh tăng 8,7%; chế biến thuỷ sản tăng 4,62; hoá chất cơ bản tăng 4,2%.

Phạm Huyền
Theo VEF

Từ khóa: