Sự kiện hot
10 năm trước

Chính phủ Ai Cập lập ủy ban điều tra các vụ bạo lực

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 17/12, Chính phủ Ai Cập đã thành lập một ủy ban tìm hiểu sự thật về các vụ bạo lực sau làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ hôm 30/6 dẫn tới việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.


Sinh viên ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo xung đột với cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình bên ngoài Trường đại học Cairo ngày 11/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tư pháp lâm thời Ai Cập Mohamed Amin al-Mahdy đã giao nhiệm vụ cho ủy ban nói trên điều tra về các vụ bạo lực sau sự kiện 30/6 song hiện vẫn chưa rõ liệu cuộc điều tra này có được tiến hành đối với chiến dịch giải tán hai địa điểm biểu tình ngồi của những người ủng hộ ông Morsi tại Cairo và tỉnh Giza vào ngày 14/8 vừa qua khiến hơn 650 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương hay không.

Trong khi đó, ông Mahdy đã lên tiếng cáo buộc các nhóm chính trị Hồi giáo, nhất là tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), đã không thực hiện cam kết đối với "luật chơi dân chủ," gây cản trở các cuộc đối thoại hiệu quả nhằm tạo ra hòa giải thực sự.

Ông Mahdy cũng cho rằng MB phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực trên đường phố đồng thời nhấn mạnh rằng việc phong trào này cho đến nay không chịu công nhận ý nguyện của nhân dân là bằng chứng cho thấy họ "không trung thành với đất nước."

Cùng ngày 17/12, hàng chục sinh viên ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi đã bị thương trong các cuộc biểu tình chống lại chính quyền lâm thời tại nhiều trường đại học của Ai Cập.

Theo nhật báo Al Ahram do nhà nước quản lý, tại Đại học Tanta ở tỉnh miền Bắc Gharbiya, 15 sinh viên biểu tình đã bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng bảo vệ. Hiệu trưởng của trường này đã buộc phải cầu viện lực lượng an ninh để giải tán bạo lực.

Hãng thông tấn chính thức MENA cho biết sinh viên Đại học Al-Azhar, cơ sở thuộc nhà thờ cùng tên có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập, đã tổ chức tuần hành đến quảng trường Rabaa Al-Adawiya ở Đông Bắc Cairo, hô khẩu hiệu phản đối quân đội và cảnh sát, đồng thời phong tỏa một tuyến giao thông trong khu vực.

Đụng độ cũng nổ ra giữa các sinh viên ủng hộ MB và lực lượng an ninh tại các khu vực Thượng Ai Cập. Những người biểu tình đã phóng hỏa đốt cháy một bốt gác, giữ và dùng gạch đá tấn công lực lượng an ninh, phong tỏa giao thông, đòi phóng thích các bạn đồng môn và giương các biểu ngũ phản đối quân đội, cảnh sát và bản dự thảo hiến pháp sắp được đưa ra trưng cầu ý dân.

Trước đó, hôm 16/12, Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL), lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo dẫn dầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Morsi, đã phát động cuộc biểu tình "triệu người" vào ngày 17/12 với các hoạt động leo thang kéo dài một tuần trên khắp cả nước nhằm phản đối các hành động của lực lượng an ninh đối với sinh viên.

Bất chấp các hành động xử lý mạnh tay của chính quyền lâm thời, làn sóng biểu tình của sinh viên bùng phát từ giữa tháng Chín vừa qua hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và trở thành điểm nóng bất ổn mới tại Ai Cập.

Trong một diễn biến khác, ngày 17/12, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi hiến pháp Ai Cập Amr Moussa đã công khai ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah El-Sisi ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào giữa năm 2014.

Phát biểu với báo giới, ông Moussa cho rằng Tướng Sisi là người đặc biệt có uy tín và đa số cử tri Ai Cập đang mong muốn bỏ phiếu bầu ông này làm tổng thống. Về phần mình, ông Mahmoud Bader, người sáng lập phong trào Tamarod (Nổi dậy), lực lượng đứng sau làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ hôm 30/6 vừa qua, cho biết phong trào này ủng hộ ông Sisi ra tranh cử tổng thống.

Tuy nhiên, trong trường hợp ông này từ chối không tham gia tranh cử, Tamarod sẽ ủng hộ ứng cử viên Hamdeen Sabahy, lãnh đạo của liên minh chính trị Al-Tayar Al-Shaaby.

Từ khóa: