Sự kiện hot
10 năm trước

Chọn quán karaoke nào để tránh "bà hỏa"?

Theo nhiều chuyên gia về phòng cháy chữa cháy (PCCC), hiện nay phần lớn các quán bar hay quán karaoke đều không có cầu thang thoát hiểm, hệ thống điện không đảm bảo an toàn, nhân viên phục vụ không có kiến thức PCCC... Cũng chính vì điều này, nhiều khi chỉ cần xảy ra một vụ cháy nhỏ cũng khiến người trong cuộc lúng túng và hậu quả xảy ra luôn rất đau lòng.


Toàn bộ tầng 1 quán karaoke Nhật Thực bị "bà hỏa" thiêu rụi

Cháy nhiều nhưng kinh nghiệm chẳng có bao nhiêu

Có thể thấy, trong những vụ hỏa hoạn xảy ra đối với các quán bar hay các quán karaoke gần đây đều có một số điểm chung là việc tiếp cận hiện trường các vụ cháy thường rất khó khăn. Phần lớn những quán này là nhà của người dân được thuê lại nên nó thường xây dạng hình ống, không có giếng trời nên rất khó thoát khói khi hỏa hoạn xảy ra.

Một điểm chung nữa là những ngôi nhà này thường không có hệ thống thoát nạn an toàn mà thường chỉ có một cầu thang và lối ra, vào duy nhất. Chính vì vậy, khi xảy ra cháy, nhiều nạn nhân đành phải đứng chịu trận hoặc chấp nhận chạy qua biển lửa để thoát thân.

Mới đây nhất là vụ cháy xảy ra vào ngày 3/5/2014 tại quán karaoke Nhật Thực (ngõ 43, phường Giảng Võ, Hà Nội) đã gây ra cái chết thương tâm của 5 nạn nhân. Theo đó, nguyên nhân đám cháy được cho là do chập điện, lửa bốc cháy từ tầng 1, sau đó lan rộng lên các tầng tiếp theo. Rõ ràng, trước khi lửa có thể bén đến các tầng trên, các nạn nhân còn có rất nhiều thời gian tìm đường thoát cho mình khỏi bị chết ngạt. Tuy nhiên, do quán chỉ có một cầu thang lên, xuống nên khi cháy từ tầng một hắt lên, nhiều nạn nhân không dám chạy qua “biển lửa” nên đành chịu chết.

Vụ cháy quán karaoke Nhật Thực không phải là duy nhất gây ra những hậu quả đau lòng về người và của. Tại Hà Nội đã từng xảy ra rất nhiều vụ cháy tương tự và đã cướp đi mạng sống của nhiều người. Đáng chú ý, tháng 1/2010, tại nhà hàng Điểm hẹn ca nhạc đêm Tây Hồ (ngõ 614 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội) một đám cháy bùng phát dữ dội trong gần một giờ đồng hồ khiến một người chết, một người bị thương, thiêu rụi khoảng 560 mét vuông nhà hàng.

Tháng 11/2013, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã bùng phát tại quán bar nằm ở tầng 1, nhà A (số 9 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khiến 6 người chết ngạt. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn được nhận định là do công nhân hàn cắt kim loại bất cẩn, không che chắn để tia lửa bắn vào vật liệu cách âm, cách nhiệt. Cũng như nhiều vụ cháy khác, vụ hỏa hoạn ở số 9 Trần Thánh Tông không phải là có nghiêm trọng nhưng do chỉ có một lối ra vào duy nhất nên các nạn nhân đã không thể chạy thoát nên đành chấp nhận chết ngạt.


Những giọt nước mắt tiếc thương các nạn nhân

Bài học đắt giá

Trở lại vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán karaoke Nhật Thực vào 12 giờ ngày 3/5/2014, theo quan sát của chúng tôi đây là một ngôi nhà 5 tầng, nằm trên diện tích đất khoảng 100m2; cách mặt đường Giảng Võ khoảng 10m; ngõ nhỏ, xe PCCC phải đậu từ xa nên đã gây không ít khó khăn để các xe chuyên dụng tiếp cận khu vực cháy. Để cứu người gặp nạn, lực lượng cứu hỏa đã đập vỡ kính các tầng nhà để khói thoát ra bên ngoài. Các chiến sĩ cứu hỏa phải đeo mặt nạ chống độc để tìm cách tiếp cận bên trong căn nhà.

Phải mất gần 2 tiếng đám cháy mới được khống chế, nhưng nó đã kịp thiêu rụi toàn bộ quầy bar cùng tầng 1 của ngôi nhà. Đau lòng hơn, chủ quán và 4 nhân viên đã không kịp chạy thoát khỏi biển lửa nên đã tử vong. Đây là một bài học đắt giá cho việc quản lý chất lượng cũng như phòng cháy chữa cháy tại các quán karaoke. Rõ ràng, nếu hôm xảy ra cháy, quán này đông khách thì hậu quả đau lòng còn xảy ra hơn nữa.

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có rất nhiều địa điểm kinh doanh quán bar và karaoke, phần lớn đều không có lối thoát hiểm, chỉ có một con đường. Như thế, khi xảy ra cháy, khách chỉ còn cách trèo qua tầng thượng, chạy qua biển lửa, hoặc nhảy qua cửa sổ từ tầng cao xuống đất mới mong khỏi chết ngạt. Thế nhưng, các giải pháp trên cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm đến tính mạng của khách hàng.

Từ các vụ cháy trên có thể thấy, việc tiếp cận hiện trường các vụ cháy quán bar, karaoke thường rất khó khăn, do nhà thuê lại của người dân thường xây dạng hình ống, khó thoát khí độc khi hỏa hoạn xảy ra. Bên cạnh đó, đặc trưng của nhà dân là không có hệ thống thoát nạn an toàn (lối thoát thứ 2) nên khi cháy xảy ra rất khó cho việc hiểm do lối đi duy nhất đã bị “bà hỏa” bịt lối. Để đảm bảo an toàn khi đến các địa điểm này, khách hàng không nên đến những địa điểm có công tác PCCC kém; những quán chỉ có một đường lên xuống duy nhất...

Bình Minh
theo GĐ&XH

Từ khóa: