Sự kiện hot
10 năm trước

Chuyện bí hiểm về những nhà bùa: Chiêm bao thành “nhà bùa” lừng lẫy

Dantin - “Trong vô khối những thầy bùa xứ Mường, thì người làm bùa có tiếng cao thủ nhất xứ là Quách Văn Tản. Ông ấy trở thành “nhà bùa” lại càng là kỳ duyên: Nằm mơ mà nên!”, ông Bùi Văn Hải, Phó Chủ tịch, phụ trách văn hóa xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nói.


Chân dung nhà bùa Quách Văn Tản.

Từ giấc mơ thành “nhà bùa”

Trong lúc vui chuyện, ông Hải nói với PV báo Đời Sống & Tiêu Dùng: “Cái nhà ông Tản trên xóm Thung ấy, cũng là chỗ thông gia với tôi. Cả làng cả xã này người ta vẫn bảo ông ấy là nhà bùa tài nhất. Chả biết có phải không nhưng hiện giờ ông ấy đang sống với vợ hai kém tới hơn 20 tuổi trên đỉnh núi Thung. Người ta bảo là do ông ấy đặt cái quần của mình lên quần của bà ấy rồi bà ta cứ thế theo về đấy. Ở khắp huyện Lạc Sơn này, vợ chồng ai sống với nhau có trục trặc cũng đến nhờ thầy hàn gắn, hay trai gái chưa ưng nhau, nhờ thầy làm bùa “mần” vào nắm muối, củ gừng, cái lược là quấn quít không rời. Người đang yêu chết mê chết mệt cũng chỉ cần “mần” là “ai đi đường nấy ngay”. Thậm chí, người ở cách xa hàng nghìn cây số thầy chỉ cần lẩm bẩm vài câu chú là tức tốc trở về…”

Con đường lên núi dẫn đến nhà thầy bùa Tản là một dải đất nhỏ quanh co, ôm lấy sườn núi. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu hun hút, đi phải vịn lấy những tảng đá hai bên đường hay tóm lấy đám cỏ dại, phải nhấc chân từng bước một. Đi đến 4km mới thấy một ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn núi. Một người đàn ông thấy khách liền bước ra. Thân hình rắn rỏi, nước da trắng và mái tóc cũng chỉ điểm vài sợi bạc. Nếu chính ông Tản không nói đã 60 tuổi thì hẳn không ai dám nghĩ càng không ai dám đoán đó là một “nhà bùa” lừng lẫy.

Nhà bùa Tản nghiện thuốc lào. Ông cầm cái ống điếu dài vượt mặt rít 3, 4 hơi dài nhả khói, lim dim kể: “Bố mẹ, ông bà tôi chưa có ai là thầy bùa cả. Trước đây tôi cũng là người bình thường. Đến năm khoảng hơn 40 tuổi, thằng con trai thứ khi ấy ốm liệt giường, chạy chữa thuốc thang mãi chưa khỏi. Một đêm đang ngủ thì nằm mơ thấy một người già hiện lên bảo: Phải làm một bàn thờ, sau người phù hộ cho gia đình êm ấm, con cái khỏe mạnh”.

Tỉnh dậy ông Tản kể cho vợ nghe nhưng vốn trước đó chưa từng tin vào những chuyện ma quái, bùa ngải, thần thánh nên ông chỉ xem đấy như một giấc mơ bình thường. Tuy nhiên, càng ngày thì giọng nói của người trong mơ càng nhiều. Ngay cả những lúc thiu thiu ngủ, hay thậm chí nằm chợp mắt buổi trưa ông Tản cũng nghe văng vẳng lời truyền bên tai.

“Đến lúc này sợ quá mới lập bàn thờ ở góc nhà theo như lời chỉ dạy của người già. Sau đó thì con trai khỏi bệnh, bản thân tôi cũng nghe rõ hơn, không bị cứng hàm nữa mà người cũng khỏe khoắn hẳn ra. Những bài khấn làm bùa về sau này cũng là do người già đọc cho, tỉnh dậy cứ thế mà khấn lâu dần thành quen. Có người biết thế nhờ giúp tác thành cho đôi lứa. Một đôi, hai đôi thành công. Rồi hàng chục đôi tìm đến, tôi trở thành thầy bùa lúc nào không hay”, nhà bùa lừng lẫy kể về cái duyên với chuyện làm bùa.

Làm bùa để hàn gắn tình duyên

Theo ông Tản, người đến xin bùa làm mâm cơm (tiền đặt lễ, chai rượu, đĩa xôi, con gà hoặc thịt lợn) thành tâm quỳ trước bàn thờ, thầy sẽ khấn rồi “mần” vào củ gừng, nắm muối, cái khăn… Tùy theo mức độ khó dễ mà người xin bùa phải lên nhờ giúp nhiều hay ít lần.

Sau đó, người xin bùa khi đến gặp người mình muốn “bỏ bùa” cứ mang theo bên mình là được. Người nào theo đuổi mãi cô gái không đồng ý, dắt bùa theo người là cô gái kia phải yêu mê mệt. Người nào chán chồng, người nào muốn bỏ vợ cũng nhờ đến thầy, thầy mần cho là đường ai nấy đi…

Theo lời ông Hải, Phó Chủ tịch xã Yên Phú, chẳng biết thế nào nhưng chỉ tính riêng trong xã, thầy Tản cũng đã hàn gắn cả trăm gia đình. Những người ở tỉnh xa như Hà Nội, Hà Nam, Hà Tây (cũ), thậm chí cả Đắk Lắk, TP. HCM… cũng tìm về nhờ thầy giúp. Tuy nhiên, theo thầy Tản: “Không phải ai cũng làm bùa thành công. Người nào không hợp mệnh thì khó lòng mà thành được, nhưng 10 người cũng chỉ được đến 8, 9”.

Tôi hỏi đùa: “Có phải thầy cũng dùng bùa để làm bà hai mê không. Bà ấy vừa trẻ vừa đẹp lại kém thầy tới 20 tuổi…”. Thầy Tản nhấp thêm chén rượu, cười khà khà, còn bà Hai ngồi bên cạnh thì đỏ mặt cười ỏn ẻn: “Ừ đấy, ông ý bỏ bùa mê tôi đấy…”. Lúc bà Hai vừa đi khuất ông Tản thì thầm nói chỉ đủ cho chúng tôi nghe: “Bà ấy thì chẳng phải bỏ bùa đâu, thương nhau thì đến với nhau thôi. Nhưng cũng còn 2, 3 bà nữa, phải giấu chứ, các bà ấy mà biết là ghen ầm ầm…”.

Trên đường công tác, chúng tôi có dừng chân tại UBND xã Bình Chân, Lạc Sơn, Hòa Bình. Kể câu chuyện về ông Tản với ông Bùi Văn Sen Chủ tịch xã thì ông tỏ ý khó tin. Ông bảo: "Bây giờ, người dân cũng ít tin về bùa chú rồi. Bệnh “tê tê say say” ở xã tôi hoành hành dân bản từ bấy đến nay có ông thầy, bà mế nào giải được đâu..."

Thuận Thắng – Vĩnh Trinh

Từ khóa: