Sự kiện hot
10 năm trước

Còn nhiều sai phạm trong quản lý an toàn thực phẩm

Những sai phạm trong lĩnh vực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, nhất là lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và phân bón là “tâm điểm” các ý kiến tại cuộc họp đánh giá quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, tổ chức ngày 5/3, tại Hà Nội.


Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì ba đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra chất lượng, vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm tại sáu tỉnh, thành phố gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Long An, An Giang.

Thực tế kiểm tra cho thấy tình trạng sai phạm vẫn còn nhiều, chiếm hơn 50% số lượng. Cụ thể, trong tổng số 20 cơ sở kiểm tra, phát hiện 13 cơ sở vi phạm.

Nội dung vi phạm chủ yếu về ghi nhãn thực phẩm, trong đó có 30% cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh cơ sở, chất lượng sản phẩm thực phẩm và công bố tiêu chuẩn sản phẩm.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết Cục đang nghiên cứu đề xuất Chương trình thí điểm công khai kết quả xếp loại tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và thí điểm cấp giấy chứng nhận sản phẩm được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

Theo ông Tiệp trên thực tế chưa thể triển khai trên diện rộng nhưng làm thí điểm ở diện nhỏ là điều có thể thực hiện và vấn đề làm thế nào để người tiêu dùng biết những cơ sở, sản phẩm đảm bảo để lựa chọn trong tiêu dùng. Ngoài ra, Cục cũng đang thí điểm việc chứng nhận những sản phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng.

Theo báo cáo, việc triển khai Thông tư 14 về kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản cho thấy đa số các địa phương chưa kiểm tra đánh giá định kỳ những cơ sở xếp loại A, B, C; một số loại hình kinh doanh mặc dù được chú trọng kiểm tra nhưng tỷ lệ xếp loại C còn cao, chủ yếu là các cơ sở s ở chế thủy sản, rau quả, chế biến động vật và sản phẩm động vật, cơ sở thu gom, kinh doanh nguyên liệu thủy sản...

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do năng lực thanh tra chuyên ngành ở cơ sở còn hạn chế, cán bộ chưa được đào tạo nhiều về quy chế phối hợp liên ngành ở địa phương, nhiều nơi thanh tra phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực.

Một số nơi việc xử lý mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính chứ chưa truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chất lượng của hàng hóa vi phạm. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở còn chậm cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh...

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh các đơn vị trực thuộc Bộ cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho địa phương và người dân nâng cao nhận thức về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Đặc biệt, nhiều cán bộ địa phương vẫn làm sai, chưa nắm được về các hoạt động lấy mẫu, xử lý các vi phạm.

Thực tế, địa phương là đơn vị phụ trách chính về chỉ đạo việc triển khai Thông tư 14 nhưng về ngành dọc, thanh tra chuyên ngành phải kiểm tra vì các đoàn kiểm tra của Trung ương đi kiểm tra mỗi năm vài lần cũng không thể phát hiện hết được vi phạm.

Thu Hà
theo TTXVN

Từ khóa: