Sự kiện hot
7 năm trước

Đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2: Cán bộ BIDV không tư lợi, nhưng có thiếu sót

Liên quan đến “đại án” Phạm Công Danh giai đoạn 2, cơ quan điều tra nhận xét các lãnh đạo, cán bộ BIDV khi cho vay 4.700 tỷ đồng đã thực hiện đúng thẩm quyền được phân công theo quy định, quy trình của BIDV, không tư lợi gì nhưng quá trình thực hiện có thiếu sót.

Vay BIDV để tăng vốn điều lệ cho VNCB

Theo Bản Kết luận điều tra đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, căn cứ vào kết quả điều tra, có đủ căn cứ để xác định Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã cố tình dùng tiền gửi huy động của VNCB đem gửi liên ngân hàng tại BIDV rồi bảo lãnh cho các công ty của Danh vay tiền.

Theo lời khai của bị can Phạm Công Danh, tháng 9/2013, Phạm Công Danh chủ động đến gặp lãnh đạo BIDV là ông Đoàn Ánh Sáng, Phó tổng giám đốc, ông Trần Lục Lang, Phó tổng giám đốc đề nghị giới thiệu sang BIDV một số công ty cần vay vốn theo đề án gói 4 nhà.

Trước đó, BIDV và VNCB đã ký thỏa thuận hợp tác tham gia chuỗi liên kết 4 nhà, trong đó VNCB tham gia với tư cách là ngân hàng của người bán.

Do VNCB đang tái cơ cấu chưa được tăng trưởng tín dụng, nên ông Danh giới thiệu các công ty sang BIDV để xem xét cho vay vốn đối với một số công ty kinh doanh vật liệu xây dựng.

BIDV hội sở chính đã thống nhất chủ trương về việc xem xét cho vay và giao 4 chi nhánh gồm chi nhánh Bến Tre, chi nhánh Gia Định, chi nhánh Nam Sài Gòn, chi nhánh Sở Giao dịch 2 thực hiện cho vay, thu nợ.

Các chi nhánh thực hiện tiếp nhận nhu cầu vay vốn, xem xét hồ sơ, thẩm định đánh giá, họp Hội đồng tín dụng cơ sở, ra quyết định cấp tín dụng, ký kết hợp đồng tín dụng, ký hợp đồng cầm cố tài sản bảo đảm, kiểm tra vốn đối ứng và giải ngân 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty do Danh thành lập, điều hành.

Tài sản bảo đảm là 4 lô đất ở Dự án Khu D Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và các hợp đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV.

Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung, hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa..., nhưng các Công ty không cung cấp với lý do chưa tiến hành giao nhận hàng hóa, nên BIDV đã thu nợ trước hạn bằng các xử lý tiền gửi của VNCB.

Tài sản bảo đảm là 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV đã được xử lý.

Số tiền 4.700 tỷ đồng BIDV giải ngân được chuyển đến tài khoản nhiều cá nhân mở tại các ngân hàng VCB, ACB, BIDV, MSB. Các cá nhân này đều là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh.

Tiếp đó, các cá nhân này lại chuyển tiền vào tài khoản 3 công ty Phong Hiệp, Quốc Thắng, Đại Long và được sử dụng vào việc tăng vốn điều lệ của VNCB dưới danh nghĩa cổ đông góp vốn mua cổ phần tăng thêm. Ngoài ra, còn một số khoản sử dụng để trả nợ, trả lãi khoản vay tại BIDV.

Cán bộ BIDV không tư lợi, nhưng có thiếu sót

Cơ quan điều tra xác định, Phạm Công Danh biết rõ 12 công ty đều do mình thành lập, điều hành, bản thân Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB, nên không thuộc đối tượng được vay vốn tại VNCB. Do đó, Phạm Công Danh cố tình dùng tiền huy động từ thị trường 1 của VNCB để ký hợp đồng tiền gửi liên ngân hàng tại BIDV và dùng các hợp đồng tiền gửi này bảo lãnh cho các khoản vay của 12 công ty nói trên.

Hành vi này vi phạm Khoản 18 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, vi phạm Thông tư số 01/2013 gây thiệt hại cho VNCB số tiền là 2.550,9 tỷ đồng.

Đối với việc cho vay của BIDV, các lãnh đạo, cán bộ liên quan khẳng định không biết, không quan hệ, gặp gỡ với giám đốc 12 công ty vay tiền, chỉ biết các công ty này là khách hàng của VNCB và VNCB có văn bản giới thiệu gửi BIDV.

Căn cứ vào chủ trương cho vay của BIDV hội sở chính và xét thấy hồ sơ khách hàng đầy đủ thủ tục, tải sản đảm bảo 100% dư nợ có lãnh của VNCB nên các chi nhánh đã cấp tín dụng.

Quá trình tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và cho vay BIDV thực hiện đúng các quy định của BIDV về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số cán bộ thừa nhận không tiến hành trực tiếp tiếp xúc và thẩm định khách hàng, không yêu cầu khách hàng trả lời các câu hỏi theo mẫu do BIDV xây dựng theo quy trình cho vay của ngân hàng.

Quá trình thẩm định không phát hiện hồ sơ vay vốn thiếu báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc báo cáo thuế…

Cơ quan điều tra đã làm rõ các sai phạm tại BIDV, gồm không tiến hành kiểm tra, thẩm định đối với khách hàng, không kiểm tra thẩm định đối với các Công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào để Phạm Công Danh sử dụng tiền giải ngân vào mục đích riêng, không kinh doanh như mục đích tron ghồ sơ vay.

BIDV không yêu cầu khách hàng cung cấp báo cáo tài chính đã được kiểm toán, báo cáo quyết toán thuế và không lập Phiếu điều tra khách hàng về tình hình tài chính như quy định cảu BIDV.

Cán bộ BIDV chỉ kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính khả thi và hiệu quả phương án kinh doanh trên bộ hồ sơ lập khống. Thực tế, các công ty đều không hoạt động mua bán vật liệu xây dựng, các Công ty vay vốn không cung cấp được hóa đơn.

Tuy các cá nhân liên quan tại BIDV có sai phạm như đã nêu ở trên, nhưng kết quả giám định của Đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước xác định không có thiệt hại ở BIDV, nên các cá nhân liên quan tại BIDV không phạm tội Vi phạm quy định cho vay.

Kết quả điều tra đến nay chưa đủ căn cứ xác định vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh vì không có tài liệu, chứng cứ, lời khai nào về việc các đối tượng liên quan này biết các công ty vay vốn tại BIDV là do Phạm Công Danh thành lập, điều hành.

Bùi Trang – Đỗ Mến
Theo Đầu tư Chứng khoán

Từ khóa: