Sự kiện hot
10 năm trước

Đại hội cổ đông Công ty CP thuốc Thú y trung ương: Chủ tịch bị đề nghị miễn nhiệm chỉ vì bỏ phiếu “ngược ý” cấp trên

Vừa Đại hội đồng cổ đông xong thì đơn vị sở hữu vốn nhà nước bất ngờ thay đổi người đại diện. Lý do mà Bộ NN&PTNT đưa ra là người đại diện này đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ. Liền sau đó, Bộ thay thế người đại diện vốn sở hữu, yêu cầu đại hội cổ đông bất thường để bầu HĐQT theo đúng chỉ đạo.

“Lùm xùm” từ việc đại hội cổ đông

Xí nghiệp Thuốc thú y trung ương (Vetvaco) được thành lập từ năm 1956, chuyên sản xuất, kinh doanh thuốc thú y phục vụ cho phát triển ngành chăn nuôi của cả nước, có trụ sở chính tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Xí nghiệp là doanh nghiệp (DN) nhà nước trực thuộc Viện Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (N&PTNT).

Trước khi tiến hành cổ phần hóa, Ban lãnh đạo Vetvaco gồm: Bà Nguyễn Thị Minh Ước - Giám đốc và hai phó giám đốc là ông Nguyễn Hồng Minh và ông Nguyễn Tuấn Hùng.

Từ đầu năm 2012, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Vetvaco cổ phần hóa. Theo đó, vốn điều lệ Vetvaco là 36 tỷ đồng, trong đó Nhà nước giữ 65% giao cho 3 người đại diện nắm giữ, cổ đông chiến lược 10%, người lao động và tổ chức công đoàn 14,81%, bán đấu giá 10,19%.

Ngày 19/12/2013, Bộ có Quyết định cử người đại diện phần vốn nhà nước nắm giữ 2.340.000 cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ tại Vetvaco. Cụ thể là ông Nguyễn Hồng Minh chịu trách nhiệm quản lý 50% phần vốn nhà nước, ông Nguyễn Tuấn Hùng quản lý 30% và ông Phạm Thanh Long - hiện là Trưởng phòng Cung tiêu giữ 20%.

Ngày 6/1, Vetvaco đã tổ chức ĐHĐCĐ lần thứ nhất với sự tham gia đầy đủ của người lao động, công nhân viên chức, đại diện của Viện Thú y và Bộ NN&PTNT. Các nội dung, chương trình, nghị quyết của đại hội với tỷ lệ biểu quyết tán thành: 100%; dưới sự chứng kiến của đại diện Viện Thú y, Bộ NN&PTNT.

Trên cơ sở đó, ngày 25/1, Vetvaco được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, chính thức có đầy đủ tư cách pháp nhân một công ty cổ phần hoạt động đầy đủ theo Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Điều đáng nói là sau khi công ty tổ chức ĐHCĐ được 7 ngày, Bộ NN&PTNT đã ra 2 quyết định gồm Quyết định miễn nhiệm người đại diện quản lý phần vốn nhà nước đối với ông Nguyễn Hồng Minh và Quyết định cử ông Lại Hữu Ước, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp nắm giữ phần vốn mà trước đó Bộ đã có quyết định giao cho ông Minh.

Ngày 16/1, Bộ NN&PTNT có văn bản số 273/BNN-QLDN chỉ đạo Vetvaco phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào 9h ngày 22/1 để miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Hồng Minh.

Xét thấy việc này không đủ cơ sở pháp lý nên Xí nghiệp Thuốc thú y đã có văn bản đề nghị Bộ nghiên cứu và hướng dẫn xí nghiệp thực hiện cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Đến ngày 19/3, một số người đại diện phần vốn nhà nước là thành viên HĐQT có văn bản yêu cầu họp HĐQT bất thường để "Thảo luận tổ chức ĐHĐCĐ bất thường" nhằm bãi nhiệm vị trí thành viên HĐQT rồi đến chức Chủ tịch HĐQT của ông Minh - vừa được ĐHĐCĐ bầu ngày 6/1.

“Trên bảo dưới không nghe”

Trao đổi với phóng viên về vụ việc, ông Lại Hữu Ước, Vụ phó Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ NN&PTNT cho biết, sở dĩ có việc Bộ ban hành văn bản miễn nhiệm đại diện vốn nhà nước đối với ông Nguyễn Hồng Minh là do ông này làm trái chỉ đạo của Bộ.

Theo ông Ước, trước ngày 25/1/2014, Vetvaco vẫn là xí nghiệp có 100% vốn nhà nước, trong quá trình chuẩn bị đại hội cổ đông, công ty có trình các phương án tổ chức, nhân sự.

Để cổ phần hóa doanh nghiệp này, Bộ cử 3 người làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với phương án nhân sự gồm ông Nguyễn Hồng Minh, tổ trưởng tổ đại diện vốn nhà nước là thành viên HĐQT và giữ chức danh Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Tuấn Hùng, thành viên HĐQT giữ chức danh Tổng giám đốc. Bộ chỉ đạo những người này phải thực hiện việc đó. Căn cứ vào chỉ đạo, ngày 6/1, công ty tổ chức đại hội.

Tuy nhiên, sau khi đại hội diễn ra, Bộ yêu cầu ông Minh, tổ trưởng tổ đại diện vốn nhà nước báo cáo kết quả tổ chức đại hội, báo cáo việc sử dụng vốn cổ phần đã giao để thực hiện quyền bỏ phiếu và các chức danh nhưng ông Minh không báo cáo kịp thời.

Tình thế trên, Bộ giao Thanh tra Bộ triệu tập ông Minh lên báo cáo. Lúc này, ông Minh thừa nhận, tại đại hội cổ đông đã dùng vốn nhà nước giao bầu cho bà Ước (người không được đại diện phần vốn nhà nước), tức là dùng phần cổ phần của nhà nước để bầu cho người khác mà không theo chỉ đạo của Bộ.

“Theo quy định, người đại diện phải xin ý kiến chủ sở hữu khi đưa ra ý kiến tại các cuộc họp cổ đông về bầu, miễn nhiệm thành viên HĐQT, thành viên ban giám đốc. Nhưng ở đây ông Minh không thực hiện chỉ đạo của Bộ và cũng không xin ý kiến của Bộ về quyết định của mình, như vậy là làm trái chỉ đạo nên Bộ ra quyết định miễn nhiệm người đại diện vốn đối với ông Nguyễn Hồng Minh và yêu cầu tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để bầu lại” – Vụ phó vụ quản lý doanh nghiệp nói.

Cũng theo ông Ước, sau ngày 25/1, Vetvaco hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nên Bộ không có văn bản chỉ đạo trực tiếp doanh nghiệp nữa, việc còn việc ban hành văn bản chỉ đạo người đại diện vốn chỉ là sự chỉ đạo nội bộ.

“Có nhiều vi phạm”

Theo nhận định Văn phòng luật sư Toàn Cầu việc ban hành các văn bản liên quan đến việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất có nhiều vi phạm. Bởi, căn cứ Luật doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, căn cứ vào Điều lệ doanh nghiệp đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 06/01 /2014 và Đăng ký kinh doanh ngày 25/01/2014 thì trong trường hợp này không có căn cứ, lý do triệu tập họp bất thường quy định tại Khoản 3 Điều 97 Luật doanh nghiệp.

Mặt khác, trong Điều lệ Vetvaco đã quy định rất rõ và đầy đủ về việc triệu tập Đại đồng cổ đông bất thường tại Khoản 3 Điều 22.

Sau khi tiến hành cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 4/4/2014 Chủ tịch HĐQT Công ty đã đưa ra kết luận cần trưng cầu ý kiến chuyên gia pháp lý và cho rằng chưa có cơ sở, căn cứ để triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường nhưng các thành viên HĐQT khác 3/5 thành viên vẫn tiến hành họp để biểu quyết triệu tập Đại hội đồng cổ đông là trái quy định của pháp luật quy định tại khoản 8 Điều 112 Luật doanh nghiệp: Cuộc họp HĐQT hợp lệ khi có từ ¾ tổng số thành viên trở lên dự họp.Đồng thời việc họp HĐQT không có chủ tọa là chủ tịch HĐQT là trái pháp luật nghiêm trọng.

Sau khi có Biên bản cuộc họp không hợp lệ, trái pháp luật Ông Nguyễn Tuấn Hùng là thành viên HĐQT đã ban hành Thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông bất thường là trái với Điều lệ doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp về thẩm quyền Mời họp Đại hội đồng cổ đông vì chỉ khi có ủy quyền của Chủ tịch HĐQT hoặc HĐQT thì Ông Nguyễn Tuấn Hùng mới được ban hành “Thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông bất thường”.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc.

Văn Dũng

Từ khóa: