Sự kiện hot
10 năm trước

Đậu phụ chứa nhiều chất cấm: Người tiêu dùng hoang mang

Đậu phụ một thực phẩm được sử dụng hằng ngày chế biến các món ăn vẫn được mọi người ca ngợi là lành và mát bởi nó được làm từ đậu tương rất tốt cho sức khỏe. Nhưng gần đây thì đậu phụ lại là nỗi lo sợ của nhiều người bởi, trong đậu phụ còn chứa nhiều hóa chất dùng trong công nghiệp và bị nghiêm cấm dùng trong chế biến thực phẩm.


Lực lượng chức năng lập biên bản và tạm giữ nhiều hoá chất tại cơ sở sản xuất tàu hũ Bình Minh

Đậu phụ đã bẩn lại không rõ nguồn gốc

Năm 2013, có thời gian Hà Nội rộ lên việc, các cơ sở sản xuất đậu phụ đã sử dụng thạch cao để chế biến, làm người tiêu dùng hoang mang, nhưng sau đó lại dần lắng xuống. Năm nay, tiếp tục người tiêu dùng lại được cảnh báo đậu phụ ngâm hóa chất.

Hiện, không chỉ có làng Mai Động ( Hà Nội) là nơi chuyên cung cấp đậu phụ, mà đã có rất nhiều nơi, kể cả các tỉnh lân cận Hà Nội như : Hưng Yên, Bắc Ninh... cũng làm đậu phụ và mang về tiêu thụ tại các chợ của Hà Nội.

Theo quan sát của Pv Báo Đời sống& Tiêu dùng, tại các của hàng làm đậu phụ trên địa bàn Hà Nội, dường như mặt hàng này khi bày bán, các chủ hàng đều ngâm đậu trong các thùng nhựa ngập nước, để giữ cho đậu được trắng mềm, không chua và để được lâu.

Tìm hiểu tại chợ đầu mối thực phẩm dịch vọng, là nơi chuyên cung cấp thực phẩm lớn. Theo chị Hạnh, người bán hàng lâu năm ở chợ cho biết: “ Làm nghề đậu đã lâu nên chúng tôi có kinh nghiệm trong việc giữ đậu và làm cho đậu trắng mềm mà không qua hóa chất. Hằng ngày tôi làm 60- 70 kg đỗ tương, vậy mà bán hết luôn trong ngày. Nhưng gần đây, có thông tin đậu phụ ngâm hóa chất, đã làm ảnh hưởng tới nguồn tiêu thụ. Tuy nhiên 1 số nhà mới làm, ít kinh nghiệm thì cũng không tránh khỏi được việc ngâm hóa chất. ”.

Bên cạnh những cơ sở sản xuất đậu không dùng các loại hóa chất, thì vẫn còn một số cơ sở khi chế biến đậu, đã dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Tại một số cửa hàng, đậu phụ ngày hôm trước không tiêu thụ hết, chủ hàng đã “vô tư” để hôm sau bán cho người tiêu dùng.

Được biết, đậu phụ rất dễ hỏng. Vị chua của đậu phụ rất dễ bị nhiễm nấm, khuẩn trong quá trình chế biến và bảo quản. Nấm có thể sinh sôi rất nhanh trên những khay ép không được vệ sinh kỹ (qua tay người làm và cả trong quá trình bày bán), như vậy rất nguy hiểm tới người tiêu dùng.

Chúng tôi đã đến một cơ sở sản xuất đậu phụ - một căn nhà cấp 4 xập xệ, ngay bên trong chợ Diễn. Căn nhà này vừa dùng để ở, vừa làm nơi sản xuất. “Phân xưởng” được bố trí một máy xay, hai lò nấu, một giàn khung ép đậu, một bể nhỏ dự trữ nước và hơn chục thùng, xô, chậu lớn nhỏ bày tứ tung trên nền xi măng ướt, rêu mốc loang lổ. Mùi chua nồng, hôi hám của bã đậu để lâu lên men, của nền nhà ẩm ướt…bốc lên nồng nặc.

Chị Vân ( Cầu giấy- Hà Nội) chia sẻ: “Đậu phụ là món ăn phổ biến trong bữa cơm của gia đình. Trước đây, đã có thông tin đậu chứa thạch cao, giờ đến đậu có nhiều hóa chất cấm, làm người tiêu dùng rất hoang mang. Nay đi chợ, chúng tôi không dám mua đậu nữa’

Có nhiều chất cấm trong đậu phụ

Hầu hết sinh viên, đặc biệt là sinh viên tỉnh lẻ trọ học ở Hà Nội và các thành phố lớn đều đã quá quen thuộc với món ăn dân dã, đạm bạc này. Thế nên, khi các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên thông tin “đậu phụ chứa chất cấm”, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nhiều bạn không khỏi giật mình, lo lắng.

“Bún đậu mắm tôm, cơm bình dân giá rẻ mà mình hay ăn đều sử dụng đậu phụ. Đó là chưa kể, mỗi lần đi chợ, với số tiền chỉ chừng 20.000 đồng cho hai người ăn, giờ nếu phải loại bỏ món đậu phụ thì chẳng biết mua gì” - Nhung (sinh viên năm thứ nhất trường sư phạm) chia sẻ.

Đắn đo là thế nhưng rốt cuộc, Nhung lại tạt vào hàng đậu phụ quen thuộc. Cô bạn còn tự trấn an bằng cách: “Mình nghe nói thạch cao tuy không tốt, nhưng nó cũng không gây nguy hiểm như các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp, bảo quản thịt hay rau quả. Mà dù có độc cũng đành phải liều, không thì chẳng lẽ ăn cơm trắng với rau!”.

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan tâm lớn, thường trực hàng ngày của mỗi người dân. Việc phòng chống ngộ độc thực phẩm, không chỉ từ việc tuân thủ các quy định về ATVSTP của nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, mà còn rất cần sự vào cuộc quyết liệt và xử lý nghiêm khắc của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với vụ việc tại Cần Thơ, theo kết luận của cơ quan kiểm định, ngoài nguyên liệu chính là đậu nành, cơ quan chức năng đã lập biên bản, lấy mẫu và tạm giữ nhiều hóa chất như: food ADDITIVES BZ 168 với số lượng 179kg; MYUC STD với số lượng 5kg; PhosAn là gia phụ phẩm; CarFosel 14kg; Pearl po9 11kg; Hydro Sulfite 39kg. Đây là những hóa chất được dùng trong công nghiệp, bị nghiêm cấm dùng trong chế biến thực phẩm. Ngoài lấy những mẫu hóa chất để kiểm định, cơ quan chức năng còn lấy mẫu nước sản xuất, mẫu nước thải, khí thải để kiểm định. Theo đó, trong những hóa chất mà cơ sở Bình Minh sử dụng có hydro sulfite - một hóa chất tẩy trắng. Hợp chất này có công thức hóa học Na2S2O4. Đây là hóa chất được sử dụng nhiều trong ngành dệt nhuộm, tẩy trắng bột giấy... Trong chế biến thực phẩm, hóa chất này tuyệt nhiên bị cấm.

TS. Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội đã chia sẻ về cách nhận biết đậu phụ có chứa thạch cao hay sử dụng hóa chất: Bằng cảm quan, mắt thường khó phân biệt được, chỉ qua xét nghiệm, phân tích mới biết chính xác điều này. Nguyên nhân chính là do xuất phát từ chỗ thiếu hiểu biết của các cơ sở sản xuất về các chất phụ gia và an toàn thực phẩm. Do đó, các cơ quan liên quan cần phối hợp kiểm soát và có thể triệu tập người sản xuất để tập huấn, tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất nâng cao hiểu biết, nhằm giúp họ tạo ra thực phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng.

Thanh Lương

Từ khóa: