Sự kiện hot
10 năm trước

Đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa dịch vụ công chứng

Chiều 28/5, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trước khi hoàn chỉnh lần cuối chính thức thông qua trong kỳ họp này.

Trong số 21 ý kiến phát biểu, đa số đại biểu đều ủng hộ việc chỉnh sửa đạo luật theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng. Tính chất công-tư hỗn hợp của hoạt động hiện nay được cho rằng sẽ thay đổi trong thời gian tới, vì vậy, nguyên tắc “không vì mục đích lợi nhuận” mà dự luật quy định không nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu.

“Dịch vụ công chứng hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt, các văn phòng đều được đầu tư và đề cao trách nhiệm nghề nghiệp với khách hàng. Tính phi lợi nhuận chỉ phù hợp với phòng công chứng do Nhà nước thành lập để đảm bảo cung cấp dịch vụ công chứng cho người dân tại những địa bàn khó khăn”, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đánh giá.

Phạm vi công chứng được đề nghị mở rộng hơn nữa so với dự thảo Luật và căn cứ trên các ý kiến này, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc công chứng bản dịch giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại.

Đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản, nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng.

Cùng với việc tạo thẩm quyền có “độ thoáng” hơn cho hoạt động công chứng, Quốc hội cũng tập trung góp ý việc siết chặt hơn nữa nguyên tắc hành nghề ngành khá “nhạy cảm” này.

Theo đó, Luật phải có các quy định theo hướng tổ chức hành nghề công chứng phải chịu sự kiểm soát, hạn chế nhất định từ phía cơ quan Nhà nước, như giới hạn về địa bàn hoạt động, hình thức tổ chức hoạt động và chỉ được thu phí theo quy định của Nhà nước.

Về tiêu chuẩn công chứng viên, nhiều ý kiến ủng hộ quy định mới về việc ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, công chứng viên cũng cần có kinh nghiệm thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và quy định thời gian công tác pháp luật là tiêu chuẩn bắt buộc của công chứng viên nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của công chứng viên vì khi ở một độ tuổi nhất định, có đủ trải nghiệm và kinh nghiệm thực tiễn thì công chứng viên sẽ có khả năng tốt hơn trong việc hành nghề công chứng.

Tương tự, cần có thêm quy định kéo dài thời gian đào tạo nghề công chứng như trong dự thảo Luật nhằm khắc phục khiếm khuyết trong công tác đào tạo thời gian qua, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động công chứng và phù hợp với thời gian đào tạo các chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư mà pháp luật hiện hành đang quy định.

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm của công chứng viên. nhằm bảo đảm quyền lợi của người yêu cầu công chứng, giảm bớt áp lực trách nhiệm cho tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên trong quá trình hành nghề.

Đồng thời, quy định rõ hơn, thậm chí thành một điều khoản riêng về trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng và trách nhiệm bồi hoàn của công chứng viên trong trường hợp công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng gây ra thiệt hại cho người yêu cầu công chứng trong quá trình hành nghề

Trường Sơn
theo Xây Dựng

Từ khóa: