Sự kiện hot
10 năm trước

ĐBSCL phấn đấu nâng giá trị thủy sản nuôi lên 46.000 tỷ đồng

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2014 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu nâng giá trị thủy sản nuôi lên 46.000 tỷ đồng, tăng 4,1% so năm 2013.


Thu hoạch cá. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết để hoàn thành kế hoạch đề ra, năm nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đưa diện tích nuôi thủy sản lên gần 800.000ha, phấn đấu sản lượng đạt trên 2,4 triệu tấn, trong đó có 1,2 triệu tấn cá tra, 380.000 tấn tôm phục vụ chế biến để xuất khẩu hai mặt hàng này đạt giá trị 3,2 tỷ USD.

Năm tháng đầu năm nay, các tỉnh đã đưa gần 400.000ha mặt nước vào nuôi trồng và đã thu hoạch trên 1 triệu tấn tôm cá, đạt 42% kế hoạch năm, giá trị đạt trên 19.000 tỷ đồng, trong đó có 158.000 tấn tôm; 0,5 triệu tấn cá tra và kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này đạt 1,3 tỷ USD.

Thủy sản nuôi tại Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và nhiều loại cá nước ngọt khác. Phương thức nuôi là quảng canh cải tiến đối với tôm sú và nghêu, nuôi thâm canh đối với tôm thẻ chân trắng và cá tra. Các đối tượng còn lại nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh.

Vùng nuôi tập trung là các tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Nuôi nước ngọt tập trung ở các tỉnh ven sông Hậu và sông Tiền như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long.

Các tỉnh đã mở rộng mô hình SQF 1000CM, VietGAP, GlobalGAP; tăng cường đào tạo nhân lực phục vụ cho nuôi trồng, khai thác và chế biến có trình độ chuyên môn cao hơn; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng tốt các đòi hỏi khắt khe của thị trường quốc tế; mở rộng hệ thống thông tin thị trường, quảng bá, tiếp thị đối với từng nhóm sản phẩm.

Cùng với đó, Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu cho vùng nước ngọt, nước lợ, phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu đồng thời bảo đảm cấp, thoát nước tốt tại các vùng nuôi tập trung; đẩy mạnh kiểm dịch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc nhập con giống không đạt chuẩn vào các vùng nuôi, trước hết là giống chủ lực phục vụ xuất khẩu gồm tôm sú, cá tra.

Các tỉnh tăng cường quản lý môi trường nước vùng nuôi, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; tăng cường quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng mở rộng thị trường nội địa, tập trung xây dựng thương hiệu thủy sản gắn với tiêu chuẩn chất lượng của từng sản phẩm chủ lực; vận động các doanh nghiệp mở rộng xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết, ký hợp đồng bao tiêu nguyên liệu của các đơn vị, hộ cá thể. Nhờ đó, kết quả sản xuất, giá trị đạt được đúng theo kế hoạch đề ra.

Thế Đạt
theo Vietnam+

Từ khóa: