Sự kiện hot
12 năm trước

Đệ nhất kép đàn xứ Thanh

Ai đã một lần nghe ông đàn, chắc hẳn đều nghiêng mình thán phục bởi sự điêu luyện của ông. Ông là nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình - kép đàn lão luyện còn sót lại của xứ Thanh.

Ai đã một lần nghe ông đàn, chắc hẳn đều nghiêng mình thán phục bởi sự điêu luyện của ông. Ông là nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình - kép đàn lão luyện còn sót lại của xứ Thanh.

Yêu ca trù từ trong nôi

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là chánh quản ca gánh hát ở Đông Ninh (Đông Sơn), mẹ là đào nương ở Bàn Thạch (Thọ Xuân), ngay từ nhỏ ông Ngô Trọng Bình đã được bố dạy cho biết các ngón đàn.

Sau khi đàn đã “cứng”, ông đã được bố mẹ cho xuống thị xã Thanh Hóa để làm cho các gánh hát. Nhưng rồi nạn đói năm 1945 đã khiến các nhà hát và các gánh hát phải giải tán, sự nghiệp đàn ca của ông đành phải rẽ ngang sang nghề khác kiếm sống. Và phải đợi mãi đến 55 năm sau, ông mới có cơ hội trở lại với "nghề chơi”, với những giọt đàn, nhịp phách.

Nghệ nhân Ngô Trọng Bình có thể vừa đánh đàn, vừa hát nhiều điệu hát cổ như cung bắc, thiên thai, hát ru, đại thạch, bỏ bộ… Ông còn là tác giả của rất nhiều lời mới cho làn điệu ca trù như bài: “Xuân Tân Mão”, “Bà Triệu”, ca cảnh “Duyên nợ ca trù”, “Rừng Lang Chánh”...

Ghi nhận tài năng của ông, năm 2005, Nhà nước đã phong tặng ông là “Nghệ nhân dân gian” và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin.

Ông chia sẻ: “Đã có lúc tôi thầm nghĩ, dù có danh hiệu hay không thì tôi vẫn một lòng gắn bó với ca trù, vẫn sống với lòng yêu truyền thống văn hóa tha thiết”. Và ước mơ cháy lòng của ông là thành lập một một CLB ca trù ở xứ Thanh đã trở thành hiện thực.

Nhớ lại những ngày đầu khó khăn đó, ông chia sẻ: “Nhiều lúc vợ tôi cứ khuyên, ông già rồi nên nghỉ ngơi để lớp trẻ chúng nó làm. Nhưng tôi thấy để lớp trẻ làm cũng tốt, nhưng nếu không am hiểu về ca trù mà cứ truyền dạy bừa là không được. Làm như thế thì là hủy hoại văn hóa chứ đâu phải tuyên truyền văn hóa”.

Và cứ thế ngày qua ngày, nghệ nhân Trọng Bình tất bật với công việc truyền dạy ca trù, với trách nhiệm tự mang của một người phải lo lắng cho tương lai ca trù.

Bàn tay tài hoa

Ấp ủ trong lòng mong ước sẽ truyền thụ bộ môn nghệ thuật ca trù cho thế hệ trẻ, để ca trù không bị mai một theo thời gian... Tháng 8.2007, CLB Ca trù và dân ca Thành Hạc đã chính thức ra đời trong niềm vui khôn tả của nghệ nhân Ngô Trọng Bình và những người “một lòng, một dạ” với ca trù xứ Thanh. Sau nhiều năm cố gắng, đến nay CLB đã có hơn 20 thành viên, đều đặn sinh hoạt, tuần 2-3 buổi để cùng hòa mình vào nhịp phách, lời ca.

Mặc dù CLB hoạt động chưa có một nguồn kinh phí nào, nhưng với lòng yêu nghề và tâm nguyện muốn truyền và lưu giữ lại nghề ca trù. Cả thầy và trò trong lớp học vẫn say mê luyện tay phách, học lời, lấy hơi, chuyển giọng...
Nhiều người khi gặp ông vẫn không tin là trên đời lại có bàn tay tài hoa đến thế. Bàn tay ông múa trên phím đàn lúc nhanh lúc chậm, lúc mềm dẻo như nước chảy hoa trôi trên sóng nhạc.

Bên cạnh đó, CLB cũng tích cực tham gia các liên hoan ca trù toàn quốc và đã đem về nhiều huy chương, bằng khen của Bộ VHTTDL, bằng khen của Viện Âm nhạc... Lớp “đào” của ông Bình tuy có lúc còn “lạc phách”, nhưng thanh sắc đang có nhiều hứa hẹn. Trong đó, một số ca nương tham gia các kỳ liên hoan trong và ngoài tỉnh đã đoạt huy chương vàng, bạc…

Trong Liên hoan tiếng hát Ca trù toàn quốc 2011, Nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình ở tuổi 84 đã vinh dự được nhận được Giải “Ngón đàn giỏi” do Hội Văn nghệ dân gian trao tặng. Ông không nhớ nổi đây là liên hoan lần thứ bao nhiêu kể từ ngày biết ôm cây đàn đáy biểu diễn, chỉ biết rằng với ông, mỗi lần được đứng trên sân khấu, được tấu lên các giai điệu du dương của môn nghệ thuật đã một thời vang bóng, ông thấy lòng mình vừa mừng vừa tủi.

Đối với ông, ca trù bao giờ cũng được xem như một môn nghệ thuật bác học, trầm tư mà các thể loại nghệ thuật khác không thể sánh được.

Vũ Phúc
Theo Dân Việt

Từ khóa: