Sự kiện hot
11 năm trước

D&G ra tòa vì trốn thuế

Tuần tới, hai nhà thiết kế hàng đầu thế giới là Domenico Dolce và Stefano Gabbana của Hãng thời trang xa xỉ Dolce & Gabbana (D&G) sẽ tiếp tục hầu tòa vì cáo buộc trốn khoảng 400 triệu euro tiền thuế.

Tuần tới, hai nhà thiết kế hàng đầu thế giới là Domenico Dolce và Stefano Gabbana của Hãng thời trang xa xỉ Dolce & Gabbana (D&G) sẽ tiếp tục hầu tòa vì cáo buộc trốn khoảng 400 triệu euro tiền thuế.


Bộ đôi lừng lẫy Stefano Gabbana (trái) và Domenico Dolce - Ảnh: AFP

Trong phiên đầu tiên xét xử hai nhà thiết kế danh tiếng hôm 3-12, họ đã không có mặt mà chỉ cử người đại diện tham dự. Phiên tòa tạm hoãn tới lần xét xử tiếp theo vào ngày 14-12 và đang được giới thời trang thế giới “nín thở chờ đợi”. Cả hai bị cáo buộc trốn thuế trong các năm 2004 và 2005.

Các nhà điều tra cáo buộc để tránh phải trả mức thuế cao hơn ở Ý, Dolce và Gabbana đã chuyển phần sở hữu của mình trong các nhãn hiệu Dolce & Gabbana và D&G với mức giá bằng 1/3 giá thị trường cho một công ty bình phong do cả hai thành lập có tên Gado (cũng là chữ viết tắt từ tên hai người) ở Luxembourg. Việc này giúp họ tránh phải nộp khoảng 420 triệu euro (550 triệu USD) tiền thuế ở Ý.

Tuyên chiến với trốn thuế

"Các giải pháp áp dụng để ngăn chặn trốn thuế giống như giải pháp thời chiến"

Thủ tướng Mario Monti

Hai nhà thiết kế Domenico Dolce (53 tuổi) và Stefano Gabbana (50 tuổi) là niềm tự hào lớn của thời trang Ý. D&G nằm trong danh sách các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới.

Nhưng danh tiếng của họ đang sa sút trầm trọng. Cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2007 và kết thúc năm 2010. Các công tố viên Ý cáo buộc hai nhà thiết kế tội trốn thuế và nếu bị kết án, họ sẽ phải ngồi tù tới năm năm.

Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Mario Monti khẳng định chính phủ sẽ tuyên chiến với nạn trốn thuế. “Các giải pháp áp dụng để ngăn chặn trốn thuế giống như giải pháp thời chiến” - ông Monti khẳng định. Người tiền nhiệm là thủ tướng Silvio Berlusconi nổi tiếng là quá nhẹ tay với những người trốn thuế.

Thậm chí ông Berlusconi còn cho rằng trốn thuế cũng “có lý” nếu mức thuế vượt quá một con số nhất định. Mỗi năm nước Ý thiệt hại khoảng 115 tỉ euro vì trốn thuế. Doanh nhân, giới chuyên gia, người có công ty riêng là lực lượng trốn thuế nhiều nhất ở đây.

Theo cơ quan thống kê nhà nước, nền kinh tế đen trong đó có cả những khoản thu nhập không được công bố chiếm tới 17% GDP của Ý. Ý đang tìm cách đưa ra xử những người trốn thuế có danh tiếng để làm gương, tập trung điều tra những người có máu mặt và mô tả những người trốn thuế trên truyền hình giống như những ký sinh trùng hút máu.

Dolce và Gabbana là cặp đôi mới nhất trong danh sách dài những người nổi tiếng bị cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm. Nước Ý từng hầu như không để ý đến các vụ trốn thuế, giải quyết các vụ trốn thuế bằng dàn xếp bên ngoài tòa án.

Năm 2000, giọng ca tenor Luciano Pavarotti (đã qua đời) đã phải chi 9 triệu euro tiền thuế để khỏi ra tòa. Năm 2008, cựu vô địch thế giới đua xe MotoGP Valentino Rossi phải trả lại 39 triệu USD tiền thuế.

Túm người có tóc

Chưa từng có nhà thiết kế thời trang nào bị đi tù vì trốn thuế ở Ý. Nhưng năm 1986, Aldo Gucci, 81 tuổi, người sáng lập công ty đồ da ở Florentine, đã bị tòa án Mỹ tuyên án tù 1 năm 1 ngày vì trốn hơn 7 triệu USD tiền thuế. Ít lâu sau đó, năm 1988, Gucci America, chi nhánh của Gucci tại Mỹ, buộc phải nộp lại 20,5 triệu USD tiền thuế.

Vào thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, Ý đang nhắm vào những đối tượng nghi ngờ trốn thuế để thu hồi tiền thất thoát. Người ta thấy cảnh sát yêu cầu dừng xe Ferrari và Maserati để kiểm tra bảng số xe, hỏi xem đây là xe công ty hay của cá nhân. Và liệu những người lái đã trả thuế khi sở hữu những chiếc xe có giá 200.000-300.000 USD hay chưa?

Cũng nhiều lần nhà chức trách kiếm được bộn tiền nhờ những vụ hú họa như vậy. Hồi tháng 8-2012, họ đã bắt giữ một người 44 tuổi gần Venice khi người này lái chiếc Ferrari F40 giá gần nửa triệu USD. Người này sau đó bị cáo buộc không nộp 10,5 triệu USD tiền thuế từ năm 2006.

Thủ tướng Monti cũng yêu cầu những khoản mua sắm giá dưới 1.000 euro mới được trả bằng tiền mặt, còn lại phải dùng thẻ ngân hàng, giúp nhà nước dễ kiểm soát được đường đi của tiền. Quy định này ảnh hưởng lớn tới thị trường mới nổi như Nga và Trung Quốc của các hãng thời trang lớn (do khách hàng không muốn và cũng không có thói quen dùng thẻ).

Đến nay, Ý chấp thuận dỡ bỏ quy định trên. Tuy nhiên, danh tính khách hàng mua hàng trị giá trên 3.600 euro phải được thông báo với cơ quan thuế vụ nếu có yêu cầu. Điều đó có nghĩa là cơ quan thuế sẽ biết chính xác ai đã mua những mặt hàng đắt giá của D&G, và liệu nhà nước có thu được phần thuế theo luật định hay không.

Hạnh Nguyên
Theo TTO, AFP, Huffington Post, LATimes

Từ khóa: