Sự kiện hot
13 năm trước

“Điểm cảnh tỉnh” chữa bệnh bằng thôi miên

Gần đây tại một số khu dân cư ở Hà Nội lại rộ lên phong trào: Đi chữa bệnh bằng thôi miên! Thực hư chuyện này ra sao?

Gần đây tại một số khu dân cư ở Hà Nội lại rộ lên phong trào: Đi chữa bệnh bằng thôi miên! Thực hư chuyện này ra sao?

Trước đây, thuật ngữ “thôi miên” được nhắc đến với những câu chuyện nhuốm màu sắc kỳ bí hoặc được biết đến như một khả năng của những kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên thời gian gần đây tại một số khu dân cư ở Hà Nội lại rộ lên phong trào: Đi chữa bệnh bằng thôi miên! Thực hư chuyện này ra sao?

Một bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Nghiên cứu
phát triển sức khỏe thể - tâm trí. Ảnh: P.V


Chuyện như bịa

Thời gian gần đây, tại khu chung cư Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), cứ chiều đến các bà, các cô tụ tập hóng mát lại xôn xao bàn tán về phương pháp “chữa bệnh bằng thôi miên”.

Chị Nguyễn Thị Yến, Nhà B khu chung cư này kể: Cách đây nửa năm, không biết nghe ai mách mà mẹ chồng tôi, cứ khăng khăng đòi đi chữa bệnh bằng thôi miên. Gia đình tôi đã quá mệt mỏi vì cách sinh hoạt bất bình thường của bà: Đến bữa, bà không ngồi cùng mâm với con cháu mà vắt vẻo trên ghế riêng để ăn chay. Lúc nào bà cũng như “nhập đồng” cười nói, múa may quay cuồng suốt ngày. Nói với ai bà cũng xưng là “cậu”. Những khi tỉnh táo hiếm hoi, bà lại khóc lóc vì “thương ông không được bà chăm sóc, cháu nhỏ không được bà bế ẵm”... Thấy bà cứ một mực đòi đi để “được thôi miên”, cả nhà chiều theo ý bà”.

Lúc đầu đưa bà đi trị liệu theo phương pháp này, tôi cũng không mấy tin tưởng. Tôi nghĩ: Chắc bệnh vẫn hoàn bệnh nhưng vẫn cố chiều bà. Gần một tuần liên tục, tôi đều đặn đưa bà đến “trị liệu tăng cường”- (nói theo ngôn ngữ của các nhà thôi miên). Không ngờ đến ngày thứ 5, khi về nhà, bà đòi ăn tôm chiên, ngồi xuống mâm ăn chung với cả nhà, “tỉnh như sáo sậu”, cứ như chưa hề có chuyện gì xảy ra vậy!!!”.

Từ ngạc nhiên, chị Yến đã tỏ ra thán phục cách chữa bệnh này. “Lúc đầu cả nhà ai cũng nghĩ chắc là có sự trùng hợp nào đó. Có thể là bà chỉ mắc bệnh theo mùa, hết mùa xuân sang mùa hè là bệnh đỡ, nhưng đến năm sau bệnh “lên đồng” của bà vẫn không tái phát. Còn tôi mắc chứng xơ cứng biểu bì toàn thể chưa rõ nguyên nhân, đã đi chữa trị nhưng bệnh vẫn không khỏi. Đến chu kỳ, người tôi cứ như bị đông cứng, máu không lưu thông nên chân tay tê, trắng bệch, mất cảm giác, sau đó thì tím đỏ. Tôi nghĩ bệnh mình đã cùng đường. Mẹ chồng thì liên tục giục đi chữa bằng thôi miên. Cũng muốn chiều bà, tôi đã thư đi xem sao”.

Bác sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe thể - tâm trí (trên đường An Dương – Tây Hồ) yêu cầu chị Yến khai thật chi tiết vào hồ sơ bệnh án: Thích gì nhất, sợ gì nhất, điều gì làm chị hạnh phúc... “Lần đầu tiên vào Phòng trị liệu, tôi được hướng dẫn thư giãn, thả lỏng cơ thể. Tôi nghe rõ tim mình đập mạnh, cảm thấy máu huyết lưu thông trong cơ thể, máu rần rật chảy tới tận các đầu ngón tay, ngón chân, cơ thể tôi cứ như mềm ra vậy (?!). Mỗi buổi trị liệu, tôi đều được tận hưởng cảm giác đó. Tôi thấy mình ăn được nhiều hơn, ngủ ngon hơn. Điều tuyệt diệu nhất là tôi biết cách dùng tư duy để điều khiển sự lưu thông máu huyết đến bàn tay, làm cho các ngón tay ấm lên, đỡ tê, không trắng bệch rồi tím tái nữa” - Chị Yến kể.

Nghe xong câu chuyện của chị Yến, một người lập tức phản bác ngay: “Tôi chả tin! Có lẽ do chị dùng nhiều thuốc nên bay giờ thuốc mới phát huy tác dụng, bệnh đỡ đúng vào lúc chị đi thôi miên. Lừa đảo cả đấy! Khối vụ bọn bất lương làm người khác mê muội đi rồi lấy tiền, lấy của. Chả biết thôi miên chữa bệnh thế nào chứ thôi miên để lừa đảo thì rõ rồi. Bọn đó, cứ thấy người có tiền, có vàng là nhìn vào mắt làm phép “thôi miên” khiến nạn nhân chỉ còn nước đứng như trời trồng, nhìn người khác lấy của cải đi mà toàn thân không nhúc nhích được. Chẳng nói đâu xa, cách đây nửa tháng con bé nhà tôi trông cửa hàng giúp mẹ. Buổi trưa vắng khách, có một thằng mặt mũi cũng sáng sủa đến hỏi mua bia rồi “thôi miên một phát” khiến con bé mở ngay hộp đựng tiền lấy 4 triệu đồng đưa cho nó. Đấy, thôi miên đấy”...

Bà Trần Thị Ninh, cũng sống trong khu B, Chung cư Cầu Diễn thì phản ứng: “Nói lừa đảo thì phải lừa tiền hay lừa tình chứ như tôi đây này, cũng đi chữa chứng đau đầu mãn tính. Bây giờ khỏi rồi mà bác sĩ đã lấy tiền của tôi đâu. Tôi chỉ biết cảm ơn ông ấy bằng cách mua hoa quả đến đó cùng ăn. Với lại lúc thôi miên mình đâu có mê muội, đầu óc tôi vẫn tỉnh như thường. Cứ phải đi mới biết”.

Rất nhiều người tin rằng thôi miên có khả năng chữa bệnh. Ảnh: P.V

Thôi miên là một liệu pháp điều trị tâm lý trực tiếp. Thầy thuốc tác động vào tâm thần người bệnh chủ yếu bằng lời nói, gây cho bệnh nhân một trạng thái ức chế không hoàn toàn của vỏ não, trung gian giữa thức và ngủ. Trong trạng thái thôi miên, nhiều khu vực vỏ não của bệnh nhân bị ức chế, nhưng khu vực liên quan đến phân tích lời nói vẫn tỉnh táo và được gọi là “Điểm cảnh tỉnh”.

Thôi miên có chữa được bệnh?

Theo TS. Trần Viết Nghị, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia: Thôi miên là một liệu pháp điều trị tâm lý trực tiếp. Thầy thuốc tác động vào tâm thần người bệnh chủ yếu bằng lời nói, gây cho bệnh nhân một trạng thái ức chế không hoàn toàn của vỏ não, trung gian giữa thức và ngủ. Trong trạng thái thôi miên, nhiều khu vực vỏ não của bệnh nhân bị ức chế, nhưng khu vực liên quan đến phân tích lời nói vẫn tỉnh táo và được gọi là “Điểm cảnh tỉnh”- Theo đó, bệnh nhân có thể tiếp thu, thực hiện những chỉ thị của thầy thuốc thông qua ám thị (lời nói của nhà thôi miên). Thầy thuốc dùng ám thị để bệnh nhân hiểu rõ thực chất bệnh trạng của mình và giúp cho bệnh nhân cách “thanh toán” bệnh. Ngoài việc điều trị bằng liệu pháp thôi miên còn có các phương pháp phụ trợ là dùng các thuốc kích thích, châm cứu, bấm huyệt, điện châm...”.

Cũng theo Tiến sĩ Nghị, khi được thôi miên bệnh nhân có trạng thái mệt mỏi, nặng nề, buồn ngủ và dần dần bệnh nhân đi vào giấc ngủ thôi miên. Trong giấc ngủ ấy, thầy thuốc dùng lời nói ám thị cho bệnh nhân để làm mất các triệu chứng chức năng như tê, liệt, câm, run... Các lĩnh vực thôi miên có thể can thiệp được rất đa dạng: Chữa, giảm, cắt các cơn đau và đau mãn tính, rối loạn sợ hãi, lo âu, trầm cảm, loại bỏ những thói quen xấu, đau mãn tính, ám ảnh cưỡng chế, cai thuốc... đến làm đẹp tóc da, cải thiện đời sống tình dục.

Ám thị cao

Khi bị thôi miên, tính ám thị tăng cao. Ám thị là sự tiếp nhận một cách thụ động những tác động tâm lý từ bên ngoài, từ đó gây ra những biến đổi nhất định về thể chất và tâm thần. Tính chịu ám thị là một hiện tượng tâm lý bình thường của mọi người và được xem như là đặc tính của nhân cách. Ám thị được sử dụng như một liệu pháp tâm lý trực tiếp trong lâm sàng tâm thần học. Trong đó, ám thị khi thức là chủ yếu dùng lời nói làm cho bệnh nhân hiểu rõ thực chất bệnh trạng của mình và giúp cho bệnh nhân cách “thanh toán” bệnh.

Ngoài ra thầy thuốc còn dùng những liệu pháp phụ trợ để đưa bệnh nhân đến chỗ tin tưởng tuyệt đối vào thầy thuốc, vào kết quả của phương pháp chữa bệnh. Từ đó, lời nói của thầy thuốc có hiệu lực rất lớn đối với bệnh nhân, có khả năng làm mất những triệu chứng chức năng. Các liệu pháp phụ trợ thường dùng là: buồng điều trị nghiêm túc, nhân viên giúp việc ám thị, dùng các thuốc kích thích, châm cứu, bấm huyệt, điện châm...

Ám thị trong thôi miên có hiệu lực lớn hơn rất nhiều và thường được áp dụng cho các trường hợp ít đáp ứng với ám thị khi thức. Tuy nhiên, ám thị trong thôi miên không bền vững, không ổn định về cường độ và mức độ nông, sâu trong mỗi buổi thôi miên và giao động từ buổi này so với buổi khác trên cùng một đối tượng.

Mai Hạnh
Theo giadinh


Từ khóa: