Sự kiện hot
10 năm trước

Độc đáo kiến trúc nghệ thuật bằng đá cổ: Đền thờ Bùi Đăng Châu

Lăng mộ và đền thờ cụ Bùi Đăng Châu (Phù Cừ, Hưng Yên) được xây dựng từ thế kỷ 18, là một kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá, được vua Lê ban đặc ân xây dinh thự, lăng mộ và những kỷ vật bằng đá (Bát bộ kim cương) theo kiến trúc thời Lê dành cho vua chúa và bậc đại thần.

Ngày 8/7/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2098/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích kiến trúc nghệ thuật mộ và đền thờ Bùi Đăng Châu (xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Trên cơ sở đó, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ di tích.

Nguồn gốc khu lăng mộ

Theo phả hệ, cụ Bùi Đăng Châu là đời thứ tư của dòng họ Bùi Đăng ở xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Cụ thi đỗ tiến sỹ võ dưới triều Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786). Cụ được giao các chức vụ quan trọng, cao quý trong triều như: Chánh thư hiệu Cung Thị Nam, Thị nội Giám, Tư Lễ Giám, Tổng Thái giám, Đô Đốc Phủ, Tả Đô Đốc Sán trung hầu. Khi đương nhiệm, cụ là bậc đại thần lập công lớn giữ gìn an ninh quốc gia và đương triều, được triều đình phong thưởng tước "Hầu". Lúc trí sỹ, cụ lại được phong thưởng tước "Công". Như vậy trong chặng đường quan nghiệp với hiển tích của một võ quan huân lao, cụ được triều đình ân vinh ở hai trật cao nhất nhì hàng ngũ bá "Công-Hầu-Bá-Tử-Nam" và còn được triều đình cấp thái ấp, lộc điền, vàng bạc được Vua Lê ban đặc ân xây dinh thự, lăng mộ và những kỷ vật bằng đá (Bát bộ kim cương) theo kiến trúc thời Lê dành cho vua chúa và bậc đại thần.

Cụ không chỉ là bậc đại thần trong triều, cụ còn có cống hiến cho quê hương. Khi làng xóm gặp buổi loạn lạc đói kém, dân phiêu bạt khắp nơi, cụ đã dồn tài lực chiêu mộ dân trở về tập trung khai khẩn đất hoang, tái thiết thôn, ấp, chỉnh đốn thuần phong mỹ tục. Làng Đoàn Đầu (Đoàn Đào) được tái lập, mở rộng và dòng họ Bùi được tồn tại và phát triển. Cụ để lại hơn 1.000 mẫu ruộng, đất các loại cho dân; trong đó có ruộng công, ruộng thờ thần, thờ Phật, ruộng học, ruộng binh, ruộng hậu, ruộng thưởng... Cụ xây dựng đền, chùa, miếu thờ thần có công với nước, với dân. Cụ làm nhiều điều thiện, tích phúc cho dân, cho con cháu, cụ truyền lại hậu thế hãy gắng noi theo làm điều nhân nghĩa. Cụ chính là người khai cơ, tiên cơ, được sắc phong Thành Hoàng làng.

Quan Thái tế đại vương, Trung quận công Bùi Sán (Bùi Đăng Châu) mất ngày 10 tháng 5 âm lịch, phần mộ an táng tại Từ Vũ trong dinh "Liên Hoa kết nhụy". Sau khi cụ mất, dân làng Đoàn Đào đã tôn thờ Cụ là "Đệ nhị hậu thần" thờ cụ tại đình làng (Đệ nhất hậu thần là cụ Bùi Đăng Sỹ - cha cụ Bùi Đăng Châu). Tiên công Bùi Sán được triều đình Nguyễn ban tặng thêm bậc nữa là: Đoan túc tôn thần. Từ đó ở đình làng có 3 bức đại tự: "Dực bảo trung hưng", "Đoan túc linh phù tôn thần" và "Đoan túc tôn thần".

Kiến trúc nghệ thuật độc đáo bằng đá cổ

Lăng mộ và đền thờ cụ Bùi Đăng Châu được xây dựng từ thế kỷ 18. Đây là nơi lưu giữ thi hài quan Thái tế Đại vương, Trung quận công Bùi Sán và thờ cúng tổ tiên họ Bùi.

Trong hành trình giúp vua dẹp giặc “bình định” đất nước, cụ được triều đình ân vinh ở trật cao nhất hàng ngũ bá "Công - Hầu – Bá - Tử - Nam". Khi từ quan về quê, cụ được cấp thái ấp, lộc điền, vàng bạc, được vua Lê ban đặc ân xây dinh thự, lăng mộ và những kỷ vật bằng đá (Bát bộ kim cương) dành cho vua chúa và bậc đại thần. Tiên công Bùi Sán còn được triều đình Nguyễn ban tặng thêm bậc là Đoan túc tôn thần.

Trải qua hàng trăm năm, cùng những biến cố lịch sử của đất nước, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lăng mộ cụ Bùi Đăng Châu đã bị quân giặc tàn phá làm hư hỏng nhiều hiện vật. Theo lời kể của ông Bùi Đăng Sức, một hôm giặc quần đảo trên bầu trời tưởng rằng Voi đá sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng ai cũng ngạc nhiên là sau cái cái lớp khói đen xì của bom đạn bao quanh toàn khu mộ, Voi thần và các bức tượng khác vẫn bình yên và vẫn uy nghiêm, vững vàng.

Khi hòa bình lập lại, con cháu dòng họ đã cùng nhau góp công góp của sưu tầm các tư liệu về cha ông tại Viện Hán Nôm quốc gia, tìm kiếm các sắc phong đã mất, khắc lên bia đá lưu lại cho hậu thế và phục dựng bảo tồn di tích trên nền đất cũ.

Hiện nay lăng mộ và đền thờ cụ Bùi Đăng Châu còn gìn giữ nguyên vẹn nhiều đồ thờ tự, tế khí và tư liệu có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, văn hóa như: sắc phong, đại tự, câu đối, các hiện vật bằng đá theo kiến trúc thời Lê như: ngai đá, nhang án đá, 3 án thư đá, voi đá, ngựa đá, bia trụ đá và đặc biệt là bộ bát tượng thần tướng đá, …

Cũng tại khu lăng mộ của Bùi Đăng Châu, ông Bùi Đăng Tạc cho biết, bên phía Tả, nơi có giếng Ngọc đã lưu truyền rất nhiều câu chuyện ý nghĩa. Ấy là câu chuyện người phụ nữ đến giếng Ngọc lấy nước tắm trước khi thụ thai sẽ sinh được con đẹp, dĩnh ngộ, khôi ngô. Ông kể, nhiều người trong làng và từ nơi xa đến đây thăm quan khu lăng mộ và không quên lấy nước tắm ở giếng Ngọc để mong sinh đứa con “quý tử”.

Câu chuyện giới thiệu về khu lăng mộ của cụ Bùi Đăng Châu với các bác đại diện của họ Bùi diễn ra trong một chiều mưa thật cảm động. Ánh mắt bác Tiếp, bác Nhiệm, bác Sức đều rạng ngời, hân hoan... say sưa kể về chiến công oai hùng của dòng họ, về cụ Bùi Đăng Châu. Niềm vui lớn nhất của các bác cũng như của dòng họ đã được thỏa nguyện. Bác Bùi Đăng Tiếp hào hứng chia sẻ như một lời kết: “Toàn bộ khu lăng mộ cụ đã 300 – 400 trăm năm mà chúng tôi vẫn gìn giữ được đến như thế. Đó là một niềm tự hào, và hơn thế, ngày 25-26/10/2014 (tính theo lịch dương) khu lăng mộ sẽ được UBND tỉnh Hưng Yên tôn vinh và làm lễ công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Chúng tôi chỉ mong danh giá thực của cụ được tôn vinh để con cháu xa gần được biết về niềm tự hào của dòng tộc và về chung vui với dòng họ, quê hương”.

Dưới đây là một số hình ảnh về các hiện vật bằng đá có giá trị còn được lưu giữ và bảo tồn tại cụm di tích lăng mộ và đền thờ quan Thái tế Đại vương Trung quận công Bùi Sán:


Bàn thờ đá và ngai được nhà vua sắc phong khi xưa vẫn còn nguyên vẹn với những khắc chạm nghệ thuật tinh xảo


Độc đáo kiến trúc nghệ thuật đá cổ


Khu thờ Quan Thái Tế Đại Vương, Trung quận công Bùi Sán


Phần lăng mộ  Quan Thái Tế Đại Vương, Trung quận công Bùi Sán (Bùi Đăng Châu) tọa lạc trên thế đất hình hoa sen tuyệt đẹp


Giếng Ngọc, tương truyền giếng ngọc rất rộng, được bao quanh bởi đá ong với nguồn nước trong vắt. Tuy nhiên trong quá trình tu tạo, giếng đã bị thu hẹp rất nhiều


Voi đá trong khu vực sân


Vũ Thần tướng, một trong 8 tượng đá cổ thuộc " bát bộ thần tướng"

Thanh Thúy

Từ khóa: