Sự kiện hot
8 năm trước

Đội lốt hồng Việt Nam, hồng giòn Trung Quốc bủa vây người dùng

Nhiều tiểu thương ở chợ đầu mối phía Nam cho biết, tại đây, hồng giòn được bày bán tuy gắn mác “hồng Việt Nam” nhưng thực chất, xuất xứ từ Trung Quốc.

“Nhập nhèm” nguồn gốc xuất xứ từ chợ đầu mối đến gánh hàng rong

Cuối tháng 9, đầu tháng 10 là thời điểm hồng giòn của Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu thu hoạch chính vụ. Trên thị trường những trái hồng đầu tiên đã được bày bán. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn hồng được bán tại các chợ đầu mối rồi đổ về các chợ nhỏ, lẻ hay các gánh hàng rong trên phố Hà Nội là hồng Trung Quốc và đội lốt, gắn mác hồng Việt Nam.

Theo chị Nguyễn Thị Cúc, một tiểu thương chuyên bán buôn hoa quả tại chơ đầu mối phía Nam (Đền Lừ - Hoàng Mai) thì hầu hết hồng giòn cửa hàng chị đang bày bán là hồng được nhập về từ Trung Quốc. Bởi vì, hiện giờ hồng giòn trong nước tại một số tỉnh như Lâm  Đồng, Lạng Sơn, Sơn La… đều chưa chín rộ. Hay kể cả như hồng Mộc Châu, Bắc Giang mọi năm đều được chuyển về bán nhiều tại Hà Nội nhưng năm nay có thể do thời tiết nên chưa thực sự vào mùa. Hơn hết, bên Trung Quốc hồng giòn đang chính vụ. Mỗi ngày, tại cơ sở kinh doanh của chị Cúc tiêu thụ vài tấn hồng, chủ yếu bán cho các tiểu thương đổ buôn tại các chợ nhỏ lẻ hoặc các gánh hàng rong trên phố.

Còn chị Phạm Thanh Tâm, một chủ cơ sở hoa quả khác cũng tiêt lộ: Do giá cả thị trường, hồng Việt Nam đầu mùa thường đắt hơn so với hồng Trung Quốc. Hơn hết, hồng giòn Trung mẫu mã đẹp, quả bóng vàng chứ không có những vết rám nắng như hồng Việt Nam nên hồng Trung Quốc bán chạy hàng và được cửa hàng chị nhập số lượng lớn. Cửa hàng chị mỗi ngày vẫn đổ buôn cho những gánh hàng rong khoảng hơn 1 tấn hồng, sau đó những gánh hàng rong lại chở đi bán cho người dân tại khu vực chợ mình hay bán.

Với những người bán rong khẳng định rằng hồng giòn của mình có nguồn gốc xuất xứ 100% từ Việt Nam. Tuy nhiên, với những người kinh doanh hoa quả tại chợ đầu mỗi phía Nam cho biết hồng trên thị trường chủ yếu là hồng nhập từ Trung Quốc

Tuy nhiên, đóng vai là một người mua hồng trên phố Giáp Bát, phóng viên được những người bán hàng rong giới thiệu hồng mà những người này bán là hồng Việt Nam 100%. Theo lời những người bán hàng này, hồng đỏ là hồng có xuất xứ Đà Lạt, hồng giòn, hồng ngâm thì tại Mộc Châu, Sơn La. 

Tuy nhiên, khi được phóng viên hỏi: “Các chị có chắc chắn nguồn gốc xuất xứ hồng giòn 100% là của Việt Nam không?” thì chị Na - một người bán hàng rong nói: “Chúng tôi nhập hàng từ chợ đầu mối phía Nam, các chủ hàng đều nói là hồng Việt Nam. Với lại, Việt Nam mình nhiều nơi trồng hồng cần gì nhập từ Trung Quốc, chúng tôi khẳng định, hồng mình bán là Việt Nam”.

Như vậy, mỗi một kênh thông tin phóng viên đã nhận được những câu trả lời khác nhau về xuất xứ của nguồn gốc quả hồng giòn? Phải chăng, những người bán hàng rong vẫn cố tình mặc định những trái hồng mình đang bày bán là hồng Việt Nam để thu hút khách hàng? Và hồng Trung Quốc đang được gán mác và bày bán bủa vây thị trường?

Người dân chia sẻ về cách nhận biết hồng giòn "made in Viet Nam"

Mặc dù vậy, nhiều người dân sống lâu năm vẫn có cho riêng mình những dấu hiệu nhận biết để mua được những trái hồng giòn “made in” Việt Nam thực sự.

Bà Nguyễn Thị Bình ở Giáp Bát – Hoàng Mai – Hà Nội khi được hỏi về cách nhận biết hồng giòn Trung Quốc và hồng Việt Nam bà chia sẻ: Để phân biệt hồng Trung Quốc và hồng Việt Nam không khó chút nào. Theo đó, hồng giòn Trung Quốc quả thường to hơn hồng Việt Nam, có hình vuông hơi dẹt chứ quả không tròn. Khi cho nên cân một quả thường nặng khoảng 300gr. Loại hồng này có hình dáng gần tương tự hồng Mộc Châu nên người mua rất dễ nhầm.

Theo bà Nguyễn Thị Bình - Giáp Bát (Hoàng Mai - Hà Nội), cách phân biệt bằng mắt thường hồng Việt Nam và Trung Quốc khá đơn giản, chỉ cần thông qua tình trạng vỏ ngoài của quả hồng là người tiêu dùng cũng dễ dàng nhận biết và phân biệt để không phải mua nhầm hồng nhập từ Trung Quốc

Một cách nữa để phân biệt hồng Mộc Châu và hồng Trung Quốc là phần thịt của hồng Trung Quốc thường có màu hơi vàng, ăn chỉ hơi giòn và mềm còn hồng Mộc Châu vỏ có màu vàng đỏ, thịt hồng cứng, ăn giòn và thơm. Riêng đối với hồng ngâm thì hồng Trung Quốc bao giờ cũng chát và không được ngọt như hồng Việt Nam. Khi bổ đôi trái hồng chín thường không có màu vàng tươi mà vẫn còn chút rớt xanh kèm theo những vết nhựa đen.

Để phân biệt hồng tròn thì chỉ cần bằng mắt thường cũng dễ dàng phân biệt được đó là, hồng Trung Quốc thường quả dài, tròn, vỏ mỏng so với hồng Đà Lạt hay Bắc Giang.

“Ngoài ra, cách nhận biết đơn giản nhất là hầu như tất cả các loại hồng của Việt Nam vỏ đều dày hơn hồng Trung Quốc” – Bà Bình chia sẻ thêm.

Để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình và gia đình, người  tiêu dùng cần trang bị cho mình những dấu hiệu nhận biết hồng Việt Nam và hồng Trung Quốc để đảm bảo rõ ràng nguồn gốc xuất xứ

Theo VietQ

Từ khóa: