Sự kiện hot
11 năm trước

Dồn điền, đổi thửa: “Nút thắt” cần gỡ

Công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là việc làm đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ nông dân.

Công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là việc làm đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các hộ nông dân. Hiện nay, một vấn đề được coi là "nút thắt" khiến nhiều địa phương lúng túng trong công tác DĐĐT là giải quyết việc cho thuê thầu đất thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trước khi chia ruộng cho nhân dân.


Đồng ruộng thôn Phương Bản, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ đã hoàn thành đào đắp kênh mương thủy lợi nội đồng.

Xã Phú Cường, huyện Ba Vì có diện tích đất tự nhiên hơn 927ha, trong đó đất nông nghiệp gần 314ha. Nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán, đầu năm 2012, huyện Ba Vì chọn Phú Cường làm điểm triển khai thực hiện DĐĐT với mục tiêu mỗi hộ chỉ còn từ một đến hai thửa ruộng gắn liền với việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, cải tạo hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng. Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện, Phú Cường gặp nhiều vướng mắc do một bộ phận người dân không nhất trí phương án dồn đổi ruộng đất. Trong đó, phức tạp nhất là 59 hộ dân thôn Thanh Chiểu đòi lại ruộng trước đây đã trả cho HTX.

Chủ tịch UBND xã Phú Cường Ngô Văn Loát cho biết, do sản xuất hiệu quả thấp, 54/59 hộ dân thôn Thanh Chiểu được giao ruộng năm 1993 tại khu đồng Mơ đã ký đơn trả lại ruộng với diện tích khoảng 1,8ha. Từ năm 2006, HTX nông nghiệp Thanh Chiểu đã hai lần ký hợp đồng thầu khoán đất với ông Nguyễn Văn Dũng người cùng thôn, đến cuối năm 2015 mới hết thời hạn hợp đồng. Trên thửa đất nhận thầu, ông Dũng đã xây dựng nhà tạm, công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá, trồng 70 cây nhãn, 500 cây táo, 400 cây xoan... Từ năm 2006 đến tháng 9-2012, các hộ trả ruộng đất tại khu đồng Mơ không có ý kiến thắc mắc nhưng khi có chủ trương DĐĐT, họ đã làm đơn đòi lại ruộng, dẫn đến việc thí điểm triển khai thực hiện DĐĐT ở xã chưa thể thực hiện được. Hiện nay, xã Phú Cường vẫn đang lúng túng chưa biết phải giải quyết việc đầu tư trên đất của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng và thực hiện DĐĐT số diện tích này như thế nào để vẹn cả đôi đường.

Tại xã Phụng Châu (Chương Mỹ) cũng có những khó khăn tương tự. Một số người dân thôn Phương Bản cho biết, trước khi bước vào sản xuất vụ xuân 2013, thôn đã hoàn thành đào đắp xây dựng kênh mương nội đồng theo chủ trương DĐĐT nhưng chưa thực hiện được việc giao ruộng vì vướng trong đổi quỹ đất sản xuất và thanh lý các hợp đồng thầu khoán. Cụ thể là năm 2005, cán bộ thôn Phương Bản vận động nhân dân làm đơn đề nghị UBND xã đứng ra đại diện cho 428 hộ dân ký hợp đồng giao thầu đất nông nghiệp cho 4 chủ thầu người cùng thôn với diện tích 439.260m2 trong thời hạn 8 năm (từ ngày 1-1-2006 đến 31-12-2013). Theo các điều khoản thể hiện trong hợp đồng, hằng năm các chủ thầu có trách nhiệm thanh toán trả sản lượng với người dân. Tuy nhiên, do sản xuất thua lỗ, các chủ thầu chỉ thực hiện được cam kết của năm 2006, từ năm 2007-2012 không thực hiện theo quy định. Theo thống kê của UBND xã Phụng Châu, đến ngày 7-3-2013, các chủ thầu còn nợ nhân dân khoảng 3,672 tỷ đồng. Do số nợ quá lớn, đến giữa tháng 8-2012, UBND xã mới thanh lý được hợp đồng đối với ông Nguyễn Xuân Dũng, còn 3 chủ thầu khác vẫn chưa giải quyết xong.

Thực tế, trong quá trình triển khai dồn đổi ruộng, nhiều địa phương đang lúng túng do trước đây một số nơi đã thực hiện giao thầu ruộng cho các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hoặc người dân có ruộng tự cho thuê, chuyển nhượng, chuyển đổi cho nhau. Sau đó, các hộ nhận thầu, thuê lại đã đầu tư khá nhiều công sức, tiền của nên khi thực hiện DĐĐT rất phức tạp. Ông Lê Văn Năng, cán bộ tư pháp xã Phụng Châu cho biết, giải quyết sự việc ở thôn Phương Bản, chính quyền địa phương rất trăn trở nhưng không thể hỗ trợ vì không có chính sách. Thực tế, qua làm việc với lãnh đạo các địa phương cho thấy, giải pháp mang lại hiệu quả nhất là vận động các chủ ruộng tạo điều kiện cho các hộ gia đình đã đầu tư công sức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đỡ bị thiệt thòi. Song một bộ phận người dân địa phương vẫn chưa cảm thông nên công tác DĐĐT trở nên nan giải.

Để bảo đảm quyền lợi của người dân, ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của công tác DĐĐT, chính quyền các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, tìm biện pháp hỗ trợ người dân đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả để các hộ không bị thiệt thòi. Đối với những trường hợp sử dụng đất kém hiệu quả, cần cương quyết thanh lý và giải quyết dứt điểm để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bên cạnh đó xử lý nghiêm các trường hợp gây rối, lợi dụng chủ trương DĐĐT của địa phương để kích động khiếu kiện kéo dài...

Thúy Nga - Diệu Hương
theo Hà Nội mới

Từ khóa: