Sự kiện hot
10 năm trước

Đồng bào Công giáo cả nước tưng bừng đón Giáng sinh

Tối 24/12, trong không khí tưng bừng, rộn rã, đồng bào Công giáo, tín hữu Tin lành trong cả nước hân hoan đón mừng lễ Thiên Chúa Giáng sinh năm 2013 với nhiều sinh hoạt, nghi thức tôn giáo và nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc.


Không khí đón Giáng sinh tại Buôn Mê Thuột. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Tại Nam Định - nơi tập trung đông đồng bào Công giáo với gần 700 xứ, họ đạo và trên 400.000 giáo dân (chiếm 21% dân số toàn tỉnh), không khí Giáng sinh tưng bừng trên khắp các xứ họ đạo, các tuyến đường, những điểm vui chơi công cộng...

Ngay từ đầu giờ tối 24/12, khu vực nhà thờ Lớn (Giáo phận Hà Nội), nhà thờ Khoái Đồng (Giáo xứ Khoái Đồng, Giáo phận Bùi Chu), nhà thờ Phong Lộc (Giáo xứ Phong Lộc, giáo phận Bùi Chu)... đã rất náo nhiệt. Đồng bào lương, giáo từ các nơi trong thành phố đổ về đây để tham quan, vui chơi và cầu nguyện những điều tốt lành, may mắn sẽ đến với mình và những người thân. 

Những khu vực nhà thờ được trang trí với ánh sáng rực rỡ và màu sắc lung linh bắt mắt, được nhiều bạn trẻ lựa chọn để chụp cho mình những bức ảnh lưu lại khoảnh khắc Giáng sinh 2013.

Nằm cách thành phố Nam Định khoảng gần 30km, huyện Xuân Trường là một trong những địa phương có đông đồng bào Công giáo nhất của Nam Định, nơi Giáo phận Bùi Chu với nhiều công trình tôn giáo nổi tiếng, trong đó có “Vương cung thánh đường Phú Nhai” (xã Xuân Phương), Tòa giám mục Bùi Chu (xã Xuân Ngọc).

Tại đây, các nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy với đèn điện màu, đèn sao bằng giấy, hoa tươi, cây thông, tượng và hang đá... tạo nên một vẻ đẹp vừa tráng lệ, đem lại cảm giác ấm áp.

Chị Nguyễn Thị Khuyên (Ngõ Chợ, xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường) cho biết tại các gia đình đều dựng phông, bạt dọc con đường của xóm để cùng tụ họp chung vui. Đây là một nếp sinh hoạt truyền thống độc đáo đã có từ nhiều năm của giáo dân tại đây.

Không ồn ào như ở các thành phố lớn Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, người dân Gia Lai đón Giáng sinh theo cách riêng của mình nhưng cũng rất ấm áp và yên bình.

Khu vực thành phố Pleiku, dưới tiết trời se lạnh, những tốp người tấp nập hướng về phía Nhà thờ Thanh Thiên - nơi tổ chức lễ Giáng sinh năm 2013. Hầu như năm nào cũng vậy, khu vực Nhà thờ Thanh Thiên trở nên lung linh hơn bởi ánh đèn màu rực rỡ, náo nhiệt với rất đông giáo dân tới dự lễ.

Anh Nguyễn Quốc Vinh, trú tại số 97 Sư Vạn Hạnh, phường Hội Thương, thành phố Pleiku chia sẻ: Cũng như mọi năm, các giáo dân và các đoàn thể đều chuẩn bị chu đáo cho lễ chúa Giáng sinh. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai, đời sống đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh được nâng cao, đảm bảo tự do tín ngưỡng, vì vậy hầu hết giáo dân đều ý thức được việc sinh hoạt tôn giáo, sống “tốt đời, đẹp đạo."

Không chỉ đồng bào có đạo, nhiều người dân ở Gia Lai cũng mong chờ một đêm Giáng sinh an lành bởi Giáng sinh về là dịp để gia đình đoàn tụ, sum họp sau những ngày đi làm ăn xa nhà, là thời khắc để cả gia đình cùng có những phút giây nghỉ ngơi bên nhau.

Tất bật hoàn thành công việc cuối cùng của ngày, chị Đinh Thị Hường, trú tại tổ 14, phường Thống Nhất, thành phố Pleiku vui vẻ: "Gia đình tôi không theo đạo nhưng cứ Giáng sinh đến là khoảng thời gian gia đình được quây quần bên nhau, cùng đi chơi vui. Năm nay Gia Lai có thêm khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, có chân dung Bác Hồ nên sẽ có nhiều lựa chọn để đưa gia đình đi chơi ngoài các nhà thờ."

Tại các gia đình giáo dân, không khí Giáng sinh rộn ràng hơn, ngay cả trong các làng người đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo. Tiêu biểu là ở Giáo xứ Plei Choét, hiện có hơn 1.500 giáo dân người Jrai sống tại các làng thuộc xã Chư Á và phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku. Đặc biệt, giáo xứ Plei Choét là đơn vị đầu tiên tại Gia Lai đã xây dựng được nhà thờ kiên cố theo kiến trúc nhà rông của đồng bào Tây Nguyên từ năm 2005, tạo điều kiện cho việc tổ chức Giáng sinh và các kỳ lễ hàng năm thêm phần trang trọng.

Còn tại các điểm sinh hoạt tôn giáo khác, tùy vào điều kiện kinh tế, mỗi gia đình lại có một cách trang trí, đón lễ Giáng sinh khác nhau nhưng tất cả đều có chung sự hân hoan, chào đón Giáng sinh an lành, hạnh phúc.

Tại Đắk Lắk, Giáng sinh năm nay trời rét nhiều hơn so với các năm trước nhưng vẫn không ngăn được dòng người, nhất là các chàng trai, cô gái “da nâu, mắt sáng” với những bộ cánh hợp thời trang từ khắp các buôn làng ùn ùn đổ về ngã sáu Buôn Ma Thuột, nơi có Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột, Nhà thờ Chính tòa (Giáo xứ Thánh Tâm) để xem ca nhạc và chuẩn bị dự Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh năm 2013.

Tại Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột, Nhà thờ Chính tòa, nơi diễn ra các hoạt động chính của lễ Giáng sinh 2013 của thành phố Buôn Ma Thuột được trang hoàng lộng lẫy. Một góc sân của Tòa Giám mục, Nhà thờ Chính tòa được đầu tư làm 4 hang đá “hoành tráng” với các bãi cỏ xanh mượt có đàn cừu, tuần lộc, ngựa, lạc đà... như tái hiện lại cảnh “Chúa Giáng sinh” theo như Kinh thánh. Trong sân sân Nhà thờ Chính tòa còn có một sân khấu lớn để biểu diễn văn nghệ, với chủ đề “Đức Kitô - Tâm điểm của niềm tin” nhằm phục vụ đông đảo người xem.

Cùng với đồng bào Công giáo và tín hữu Tin lành trong cả nước, hơn 360.000 đồng bào Công giáo và tín hữu Tin lành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hân hoan đón mừng lễ Thiên Chúa Giáng sinh năm 2013 với nhiều sinh hoạt, nghi thức tôn giáo, hoạt động từ thiện xã hội và nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc.

Tại thành phố Đà Lạt, các nhà thờ, tu viện Công giáo và Tin lành đã đón hàng chục ngàn tín đồ địa phương và tín đồ là khách du lịch trong, ngoài nước đến tham dự các thánh lễ được tổ chức trong ngày.

Các nhà thờ lớn như Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt (Nhà thờ Con Gà), Nhà thờ Don Bosco, Nhà thờ Thánh Tâm, Nhà thờ Tin lành Đà Lạt... được trang hoàng rực rỡ với đèn sao trên những hàng thông, hàng tùng xanh thẫm, hay một màu trắng lấp lánh, cùng các hang đá khổng lồ, những tượng Chúa Hài đồng, thiên thần, ông già tuyết và cỗ xe tuần lộc... và nhiều loại hoa khoe sắc.

Cùng với những lời kinh kính mừng, các bài thánh ca được vang lên khắp nơi khiến đêm mừng đón Giáng sinh thêm vui tươi. Thời tiết đẹp, càng về tối trời càng lạnh hơn, người dân và du khách thêm vui thích để chìm đắm trong không khí Giáng sinh tưng bừng nơi phố núi.

Tại thành phố Bảo Lộc nơi có nhiều khu vực Công giáo toàn tòng, các giáo xứ, nhà thờ nơi đây cũng đón rất đông giáo dân đến dự lễ. Nhiều khu vực trên các tuyến đường chính, các xóm đạo và nhà dân được trang trí đèn sao, hang đá, những hàng thông trong màn tuyết càng làm cho “thủ phủ xứ Trà B’Lao” thêm lung linh, ấm áp.

Không khí vui tươi, phấn khởi cũng được ghi nhận tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh... nơi đồng bào theo đạo thuộc các dân tộc trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động mừng lễ đa dạng, phong phú.

Đêm Giáng sinh 2013 với giáo dân tại Đà Lạt, Lâm Đồng nói riêng và người dân, du khách nói chung càng thêm ý nghĩa khi hòa cùng niềm vui ngày lễ trọng mừng Thiên Chúa giáng sinh còn là niềm hân hoan chào đón Tuần Văn hóa-Du lịch Đà Lạt vài ngày nữa sẽ chính thức khai hội.

Đà Lạt tròn 120 tuổi, vùng đất đa dạng về văn hóa, tôn giáo này đã nhận được sự đóng góp lớn của đồng bào các tôn giáo trong quá trình hình thành và phát triển, trong đó có phần không nhỏ của đồng bào Công giáo và tín hữu Tin lành, đang ngày càng vươn mình phát triển, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được những nét đẹp, bản sắc riêng vốn có để làm đẹp lòng người dân lẫn du khách gần xa.

Tại Đồng Nai, từ 18 giờ, hệ thống đèn màu tại 339 giáo xứ, 64 dòng tu và hầu hết các nẻo đường trên địa bàn tỉnh đồng loạt được bật lên. Đông đảo đồng bào Công giáo tại Đồng Nai nô nức đổ về các nhà thờ và hàng ngàn người dân cùng tấp nập trên các tuyến phố.

Tại giáo xứ Hà Nội (thành phố Biên Hòa), năm nay, giáo dân cùng chung tay trang hoàng nhà thờ, họ tâm niệm rằng nhà thờ được bài trí đẹp sẽ đem lại may mắn, bình an trong năm mới. Từ chập tối, hàng ngàn người đã hội tụ tại đây, người dân hào hứng chụp cho nhau những tấm hình lưu niệm bên hang đá, cây thông Noel.

Linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đồng Nai, Chánh xứ Giáo xứ Hà Nội cho biết Giáo xứ Hà Nội có hơn 16.000 giáo dân, bà con trong xứ đa phần kinh tế khá giả. Trong đêm Giáng sinh, bên cạnh tổ chức lễ, Giáo xứ Hà Nội trao 200 phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt tôn giáo.

Độc đáo và thu hút sự quan tâm nhiều nhất của người dân là những mô hình ông già Noel giã gạo, ông già Noel bổ củi, nhào bột.... được dựng lên tại Giáo xứ Tây Hải (phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa).

Theo linh mục Nguyễn Văn Tịnh, Chánh xứ Giáo xứ này, người dân trong giáo xứ có nghề làm bánh tráng, nghề này đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống khá giả. Hình tượng ông già Noel như trên tạo nên sự gần gũi, thân thiết, qua đó người dân nhắn gửi những lời chúc tốt đẹp nhân mùa Giáng sinh.

theo TTXVN

Từ khóa: