Sự kiện hot
10 năm trước

Dự thảo Luật: cấm bán rượu bia sau 22h có khả thi?

Dantin - Ngày 23/7, bàn về dự thảo lần 2 dự luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, tổ biên tập của Bộ Y tế đề nghị 3 phương án cấm bán rượu bia sau 22h.


Bà Trần Thị Trang (Phó vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế) trao đổi với báo chí ngày 23/7.

Chống tác hại rượu bia bằng… cấm bán

Tại Việt Nam, tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng “phi mã” qua các năm. Trong năm 2012 mức tiêu thụ bia của cả nước là từ 2,8 tỉ lít thì đến năm 2013 mức tiêu thụ bia đã là hơn 3 tỉ lít. Con số tiêu thụ rượu cũng ngày càng tăng lên với 63 nghìn lít năm 2012 đã tăng đến gần 68 nghìn lít trong năm 2013.

“Việc Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia trong năm 2013 đẩy nước ta vào những nước hàng đầu tiêu thụ bia. Là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Trong 10 năm qua tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%”, bà Hoàng Anh - Giám đốc Tổ chức phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam cho biết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra hơn 2,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương với khoảng hơn 6.000 người chết mỗi ngày, trong đó những người trẻ chiếm một tỉ lệ đáng kể. Hơn 50% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới gây ra do các bệnh truyền nhiễm có thể gây ra bởi việc lạm dụng đồ uống có cồn. Sau đó, phải kể đến tai nạn giao thông do say xỉn rượu bia, làm bao gia đình lâm vào bị kịch.

Ngày 23/7, bàn về dự thảo lần 2 dự luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, tổ biên tập của Bộ Y tế đề nghị 3 phương án cấm bán rượu bia sau 22h.

Phương án một là cấm bán rượu, bia trong khoảng 22h hôm trước đến 6h hôm sau tại một số địa điểm nhất định và có lộ trình do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện thực tế. Chẳng hạn khu phố Tây nơi khách du lịch đến nhiều thì cho phép bán sau 22h.

Phương án hai, thời gian và địa điểm cấm sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành quy định. Một số địa phương như TP HCM và Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa sẽ triển khai trước. Trên cơ sở đó, quy định sẽ được nhân rộng toàn quốc khi có đủ điều kiện.

Phương án ba, hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác, chưa định thời gian cấm bán trong dự thảo Luật.

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Trang (Phó vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế) cho biết, hiện tổ biên tập có xu hướng ưu tiên phương án một. Đây là phương án tối ưu, sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia nhưng cần nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện.

Cơ sở làm luật

Việc đề xuất quy định này là do tỉ lệ sử dụng rượu, bia ở nước ta đã ở mức báo động và đang gia tăng rất nhanh. Theo điều tra gần đây, tỉ lệ sử dụng rượu/ bia ở nước ta bình quân là 6,6 lít rượu nguyên chất/ người trưởng thành. Mức độ nguy cơ sử dụng rượu bia trong giới trẻ tăng cao. Đáng nói, việc lạm dụng rượu bia còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, bạo lực gia đình, giao thông, kinh tế xã hội. Như với tai nạn giao thông, có 70% vụ tai nạn có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu bia. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhóm tuổi từ 15 - 29 chiếm 59% số ca tai nạn khi lái xe.

“Ngoài ra, các cơ sở khác cho thấy việc uống rượu bia sau 22h ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội, phạm tội, gây thương tích. Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân của 70% số ca bạo lực gia đình. Một nghiên cứu khác cho thấy tai nạn giao thông thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18 đến 24 giờ”, bà Trang dẫn chứng.

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng dẫn chứng, theo báo cáo của Tổ chức Y tê thế giới hiện có 168 quốc gia có quy định về thời gian gian cấm bán rượu bia trong ngày. Nhiều quốc gia thống nhất từ 22 giờ đến 6 giờ sáng (hoặc 8 giờ sáng) ngày hôm sau. Ngay tại ASEAN cũng có Thái Lan quy định chỉ được bán rượu bia từ 17 – 21h. Thời gian cấm bán rượu bia của họ dài hơn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

Cấm - chỉ là biện pháp cứng nhắc?!

Ngoài những ý kiến đồng tình, đã có những ý kiến phản đối và cho rằng, việc cấm uống rượu bia là cần thiết, nhưng cấm thế nào cho có hiệu quả lại là cả một vấn đề.

Ví dụ, trong trường hợp các nhà hàng, tụ điểm ăn uống được cấp phép hoạt động đến 23h, mà luật lại có quy định đến 22h cấm bán rượu bia, như vậy khác nào làm khó người kinh doanh?

Bên cạnh quy định cấm bán rượu bia sau 22h, dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia còn quy định các trường hợp không được uống rượu bia gồm: Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người tham gia giao thông… Vậy ai, lực lượng nào sẽ giám sát và biện pháp giám sát, tiến hành xử phạt ra sao? Ai sẽ thức sau 22h để đi xử phạt?

Nhìn chung, những ý kiến phản đối đều cho rằng, đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h là một đề xuất không thực tế. Không thể chỉ dùng biện pháp hành chính cứng nhắc, mà phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó không thể thiếu biện pháp tuyên truyền giáo dục, làm cho mọi người thấy tác hại của rượu bia.

Quy định hạn chế bán rượu, bia là rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế, đã nhiều quy định cấm, phạt, nhưng việc thực thi nửa vời, thậm chí không thể thực hiện như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cấm nghe điện thoại tại cây xăng, quy định 10 tiêu chí thức ăn đường phố… Hy vọng, Bộ Y tế sẽ sớm tìm ra phương án hạn chế uống bia, rượu khả thi để chính sách có thể đi vào cuộc sống.

Dương Nhung

Từ khóa: