Sự kiện hot
10 năm trước

EU cam kết tiếp tục viện trợ cho Cộng hòa Trung Phi

Ngày 31/1, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề phát triển Andris Piebalgs thông báo Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cung cấp một khoản viện trợ mới trị giá 25 triệu euro cho Phái bộ quốc tế hỗ trợ Cộng hòa Trung Phi (MISCA).


Những người Hồi giáo Trung Phi, Chad và một số nước khác tại sân bay quốc tế Bangui ngày 30/1 để chạy khỏi các cuộc tấn công ở CH Trung Phi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuyên bố trên được đưa ra tại cuộc họp các nhà tài trợ MISCA diễn ra trong hai ngày 30-31/1 tại Addis Abeba (Ethiopia).

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) cũng sẵn sàng trợ giúp quá trình bầu cử tại Cộng hòa Trung Phi với mức hỗ trợ khoảng 20 triệu euro. Khoản viện trợ này sẽ giúp Cộng hòa Trung Phi xây dựng hệ thống đăng ký cử tri, in phiếu bầu, đào tạo nhân viên, cung cấp thiết bị, hỗ trợ nhân sự, tuyên truyền thông tin về bầu cử.

Ông Piebalgs cho biết khoản viện trợ mới trên sẽ nâng tổng số tiền cam kết của EU dành cho Cộng hòa Trung Phi lên 200 triệu euro kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này bùng phát hồi tháng 3 năm ngoái. Nhiệm vụ của MISCA là hỗ trợ ổn định an ninh, bảo vệ người dân và tạo điều kiện cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo tại Cộng hòa Trung Phi.

Theo bà Catherine Ashton - Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, cùng với các đối tác, EU cam kết sẽ hỗ trợ mạnh mẽ quá trình tái bình ổn Cộng hòa Trung Phi, đồng thời hỗ trợ chính quyền mới của nước này triển khai các thỏa thuận chuyển tiếp. Với việc cung cấp 76 triệu euro trong năm 2013, EU là nhà tài trợ hàng đầu về viện trợ nhân đạo cho Trung Phi.

Trong khi đó, giao tranh tại Cộng hòa Trung Phi vẫn tiếp diễn khi ngày 30/1, quân đội Pháp và quân đội chính phủ Cộng hòa Trung Phi với sự yểm trợ của máy bay chiến đấu đã tấn công thị trấn chiến lược Sibut, cách thủ đô Bangui 180km về phía Bắc và hiện do lực lượng nổi dậy Seleka chiếm giữ.

Riêng tại thủ đô Bangui, trong 3 ngày qua, đã có ít nhất 30 người thiệt mạng và 60 người bị thương trong các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy.

Cộng hòa Trung Phi rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ hồi tháng 3/2013 và ông Michel Djotodia, một cựu thủ lĩnh Seleka, lên làm Tổng thống lâm thời.

Mặc dù đã chính thức giải tán quân nổi dậy, song ông Djotodia vẫn không thể ngăn chặn các vụ bạo loạn do nhóm này gây ra. Gần 1 triệu người, tương đương 1/5 dân số của Cộng hòa Trung Phi, đã phải đi lánh nạn. Chỉ tính riêng trong tháng 12 vừa qua, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người.

theo TTXVN

Từ khóa: