Sự kiện hot
13 năm trước

FED cân nhắc các phương án thắt chặt tín dụng

Tháng Tư vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhận định "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần cải thiện và ngân hàng này bắt đầu thảo luận về khả năng rút lại các chính sách được áp dụng trong giai đoạn suy thoái.

Tháng Tư vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhận định "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần cải thiện và ngân hàng này bắt đầu thảo luận về khả năng rút lại các chính sách được áp dụng trong giai đoạn suy thoái.

Một số thành viên của FED cho rằng cần bắt đầu nâng lãi suất trong năm nay để đối phó với lạm phát. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thắt chặt tín dụng cũng dẫn đến việc nâng lãi suất đối với một số loại thế chấp, thẻ tín dụng và các hình thức cho vay tiêu dùng khác.
 

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)

 
Theo biên bản cuộc họp hôm 26-27/4, các nhà hoạch định chính sách của FED không đưa ra cam kết nào, nhưng nhất trí rằng nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững, FED cần rút lại các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của mình và áp dụng các biện pháp nhằm tránh để giá tiêu dùng tuột khỏi tầm kiểm soát.

Nhìn chung các quan chức FED thống nhất rằng bước đi đầu tiên đối với ngân hàng này là dừng tái đầu tư tiền thu được được từ việc nắm giữ trái phiếu kho bạc và chứng khoán thế chấp. Phần lớn các thành viên FED cho rằng biện pháp tốt nhất để thắt chặt tín dụng là nâng lãi suất cơ bản - hiện đang ở mức thấp kỷ lục gần 0%. Hầu hết các thành viên của FED đều muốn nâng mức lãi suất này trước khi bán các chứng khoán thế chấp trong danh mục đầu tư "dài dằng dặc" của FED.

Một số thành viên khuyến nghị FED cần đánh đi tín hiệu để nhà đầu tư nhận thấy lãi suất phải được nâng lên. Chuyên gia kinh tế Chris Rupkey tại Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ dự đoán FED sẽ bắt đầu nâng lãi suất vào thời gian gần cuối năm 2011. Tuy nhiên, tỷ thất nghiệp cao (gần 9%) có thể gây sức ép với nền kinh tế và hãm việc thắt chặt tín dụng sang năm 2012.

Con số trong bản quyết toán của FED đã tăng xấp xỉ ba lần trong 3 năm qua lên gần 2.700 tỷ USD. Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và suy thoái, FED đã tung ra các chương tình mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp trị giá nhiều tỷ USD. Các chương trình này đã giúp giảm lãi suất đối với cho vay thế chấp và các hình thức tín dụng khác, đồng thời giúp chứng khoán lên giá. Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ trích rằng chương trình này cũng góp phần đẩy lạm phát lên cao.

Tóm lại, hiện các quan chức FED vẫn chưa nhất trí về thời điểm sẽ đưa ra chiến lược "rút quân". Chủ tịch FED Ben Bernanke và các quan chức khác nhận định giá dầu tăng chỉ là tạm thời và không thúc đẩy lạm phát tăng. Tuy nhiên, FED khẳng định cần phải theo dõi lạm phát một cách chặt chẽ. FED cũng lo ngại về xu hướng giá xăng dầu cao sẽ khiến người tiêu giảm chi tiêu, gây sức ép với nền kinh tế.

FED cũng nhấn mạnh về các rủi ro có thể kìm hãm sức tăng trưởng kinh tế của Mỹ như cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, một số công ty bị gián đoạn nguồn cung do trận động đất hồi tháng Ba ở Nhật Bản, và Quốc hội thất bại trong việc nâng mức trần nợ của chính phủ./.
 

Hương Giang (Vietnam+)

Từ khóa: