Sự kiện hot
10 năm trước

Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần I/2013: Hơn 50 vạn người tham dự

Dantin - Theo thống kê chính thức của Ban tổ chức Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Sóc Trăng lần thứ nhất, 2013 diễn ra từ ngày 14-17/11/2013 đã thu hút hơn 500.000 du khách trong nước và quốc tế tham dự.

Dantin - Theo thống kê chính thức của Ban tổ chức Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Sóc Trăng lần thứ nhất, 2013 diễn ra từ ngày 14-17/11/2013 đã thu hút hơn 500.000 du khách trong nước và quốc tế tham dự.

“Đây chính là thành công lớn nhất tại Festival lần này bởi số người tham dự nói lên sự lôi cuốn của một sự kiện văn hóa độc đáo”, ông Mai Khương, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban tổ chức Festival nhấn mạnh. Trong khi đó, “ấn tượng và phong phú” là hai cảm nhận chính của đông đảo khách thập phương có mặt tại Festival này.

Theo ông Mai Khương, mặc dù Lễ hội Óc om bóc - Đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer được tổ chức theo quy mô lớn theo dạng Festival nhưng Ban tổ chức đã có cách sắp xếp điều chỉnh hợp lý để đón tiếp hơn nửa triệu người tham dự “Festival đua ghe Ngo là một lễ hội lớn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó cộng đồng của đồng bào Khmer Nam bộ và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa anh em trong khu vực ĐBSCL”, ông Khương nói.

Tại Festival đã diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện ấn tượng, thu hút đông đảo người dân tham quan, theo dõi như: Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ lần thứ nhất; Hội thi trình diễn trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa; Triển lãm ảnh “Ký ức Sóc Trăng”; Hội thao dân tộc; Liên hoan ẩm thực 3 dân tộc; Hội chợ thương mại và triển lãm... ; Hội thi Lôi Prôtip (thả đèn nước); Phục dựng Lễ cúng trăng truyền thống của đồng bào Khmer.

Điểm nhấn chính của Festival được chờ đợi nhất là giải Đua ghe Ngo có quy mô lớn thu hút đông đảo đồng bào quan tâm, cổ vũ với sự tranh tài quyết liệt của 62 đội ghe nam và nữ đến từ 8 tỉnh, thành trong khu ĐBSCL thi tài trong 2 ngày 16 và 17/11/2013. Sau 83 trận tranh tài quyết liệt của 47 ghe nam, vượt qua 8 vòng chiến thắng, đội ghe Ngo chùa Càng Long đến từ tỉnh Trà Vinh đã khẳng định vị trí số một của mình trên đường đua. Đội ghe Ngo chùa Pô thi Prức đứng ở vị trí thứ hai. Giải ba thuộc về đội ghe Ngo chùa Pông Tức Chăs (huyện Thạnh trị, Sóc Trăng).

Ở giải Đua ghe Ngo nữ có 15 đội ghe từ 4 tỉnh là Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng. Qua 21 trận tranh tài không kém quyết liệt so với các đội ghe Ngo nam, kết quả: Chức vô địch thuộc về đội ghe Ngo chùa Ngan Dừa (Bạc Liêu), thứ hai là đội ghe chùa Ngo Kỳ Sơn (Vĩnh Long). Ghe Ngo chùa Lương Nghĩa (Hậu Giang) giành thứ 3 và đội ghe Ngo chùa Kostung (Sóc Trăng) về thứ 4. Giải thưởng đối với các ghe đạt giải cao năm nay cho ghe nam và ghe nữ bằng nhau và được trao ở mức 200 triệu đồng cho chức vô địch, 150 triệu đồng cho chức á quân, 100 triệu và 50 triệu cho đội ghe hạng 3 và hạng tư. Theo thống kê của Ban tổ chức, chỉ riêng hoạt động đua ghe Ngo đã thu hút hơn 300.000 người theo dõi và cổ vũ.

Liên kết vùng để phát triển du lịch

Tại Festival, ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định: Từ lâu đời, Lễ hội Óc om bóc - Đua ghe Ngo là hoạt động văn hóa truyền thống hàng năm của đồng bào Khmer ĐBSCL, được Thủ Tướng Chính phủ chấp thuận nâng cấp thành Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL. Đây là sự kiện văn hóa lớn, mang tầm khu vực và quốc gia, thể hiện đậm nét loại hình văn hóa dân gian, đời sống tâm linh và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng ba dân tộc Kinh – Khmer - Hoa ở Nam bộ, cần được tôn vinh, bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

“ Festival được tổ chức thường xuyên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Sóc Trăng giới thiệu, quảng bá, mời gọi các đầu tư về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, thể thao và nhất là du lịch cho địa phương theo hướng liên kết vùng tạo tiền đề để Sóc Trăng tiếp tục cùng với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL nâng cao chất lượng và quy mô tổ chức sự kiện Festival đua ghe Ngo những lần sau theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, tạo điểm nhấn, điểm đến hấp dẫn thân thiện cho các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước”, ông Hoàng Tuấn Anh nói.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Sóc Trăng, Sóc Trăng có một loạt các danh lam thắng cảnh và lễ hội – một tiềm năng lớn để phát triển du lịch như Vườn cò Tân Long, Chợ nổi Ngã Năm, Cồn Mỹ Phước, Chùa Kh’leang…

Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2013, Sóc Trăng đón gần 1 triệu khách du lịch trong nước và quốc tế. Gần đây, một số cty du lịch của Sóc Trăng cũng đã liên kết với các cty du lịch của Bạc Liêu để mở tour du lịch sinh thái, danh lam thắng cảnh kết hợp với văn hóa – tâm linh.

Nguyễn Quân

Từ khóa: