Sự kiện hot
7 năm trước

Gần 900 container hàng tồn đọng vì… các hướng dẫn

Liên quan đến Quyết định 15/2017/QĐ-TTg (danh mục hàng hóa phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập), trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa về ICD (cửa khẩu xuất nhập khẩu trong nội địa) đã được đồng ý cho làm thủ tục, giải phóng hàng thì các đơn vị nhập kinh doanh sản xuất; sản xuất xuất khẩu và gia công có cơ sở sản xuất tại các tỉnh lại không thể.

Vì điều này, hiện đang có gần 900 container hàng hóa bị tồn đọng tại các cảng. Cục Hải quan TPHCM vừa phải có công văn thứ ba báo cáo Tổng cục Hải quan để xin được giải quyết vướng mắc.

Hàng hóa bị ách tắc do không thể làm thủ tục thông quan chủ yếu nằm ở cảng Cát Lái. Ảnh minh họa: Thành Hoa

Gần 900 container kể trên, theo thống kê của Cục Hải quan TPHCM, đang “nằm” chủ yếu ở cảng Cát Lái, là của gần 30 doanh nghiệp loại hình A12 (nhập kinh doanh sản xuất); loại hình sản xuất xuất khẩu và gia công có cơ sở sản xuất tại các tỉnh không được làm thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa.

Không coi hải quan đầu tư, gia công là hải quan cửa khẩu

Theo ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM trong công văn vừa gửi Tổng cục Hải quan, sở dĩ có tình trạng này là do hướng dẫn mới nhất của cơ quan cấp trên về Quyết định 15. Theo đó, Tổng cục Hải quan tại công văn số 4824/TCHQ-GSQL ngày 20-7 (tiếp sau công văn 4284 ngày 27-6) cho rằng, chi cục hải quan quản lý hàng đầu tư, gia công thuộc Cục Hải quan TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng không phải là chi cục hải quan cửa khẩu nên không được làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa thuộc danh mục quy định tại Quyết định 15.

Vậy nhưng, theo Cục Hải quan TPHCM, quy định như vậy là gây khó khăn, bức xúc và thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp liên quan, không phù hợp với các quy định hiện hành về địa điểm làm thủ tục hải quan, Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa cũng như gây khó cho công tác quản lý của cơ quan thực thi.

Cục Hải quan TPHCM lý giải, trong nhiều năm qua, do đặc thù có lượng lớn doanh nghiệp hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu cho nên đơn vị này đã giao nhiệm vụ cho Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, hàng nhập kinh doanh (phục vụ sản xuất, tiêu dùng) cho các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất hoặc có trụ sở tại địa bàn TPHCM. Các doanh nghiệp đăng ký tờ khai, nộp hồ sơ tại địa điểm làm thủ tục hải quan của hai chi cục kể trên (nằm trong trung tâm thành phố) và kiểm tra thực tế hàng hóa, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, các ICD, địa điểm chuyển phát nhanh, bưu chính; không thực hiện chuyển cửa khẩu như các chi cục hải quan thuộc các tỉnh, thành phố khác.

Việc làm này đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn và các doanh nghiệp có trụ sở, cơ sở sản xuất tại nhiều tỉnh, thành khác nhau; đồng thời cũng đảm bảo công tác quản lý hải quan, giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu. Việc kiểm tra và thông quan hàng hóa ngay tại các cửa khẩu đó không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý hải quan.

Thiếu thực tế, không công bằng

Mặt khác, về mặt quản lý hải quan, việc Tổng cục Hải quan cho phép các chi cục hải quan ngoài cửa khẩu của các tỉnh, thành phố khác được làm thủ tục trong khi lại không cho phép 2 chi cục trên là không phù hợp với thực tế.

Bởi lẽ, hàng hóa làm thủ tục tại 2 chi cục này đều được lưu giữ và thông quan tại cửa khẩu; trong khi hải quan tại các tỉnh lại được chuyển về kho riêng để làm thủ tục và phát sinh thêm thủ tục chuyển cửa khẩu, không phù hợp với quy định hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo chính Quyết định 15.

Không chỉ vậy, theo Cục Hải quan TPHCM, nếu doanh nghiệp sản xuất hàng gia công, sản xuất xuất khẩu (vốn phải thực hiện việc thông báo cơ sở sản xuất; nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và báo cáo quyết toán tại cùng một chi cục hải quan theo quy định hiện hành) không tiếp tục làm thủ tục hải quan tại 2 chi cục trên mà bắt buộc phải làm thủ tục tại chi cục nơi có cơ sở sản xuất hoặc tại cửa khẩu thì việc theo dõi, quản lý hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu theo quy định hiện hành sẽ rất khó khăn, phức tạp, không thể xác định trách nhiệm nếu có sai sót. Công tác quản lý hải quan sẽ bị chồng chéo, bất hợp lý giữa các chi cục hải quan.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhập kinh doanh sản xuất (A12) lâu nay đang làm thủ tục tại Chi cục hải quan quản lý hàng đầu tư, Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công theo hướng dẫn tại công văn 2765/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan. Nay theo hướng dẫn tại công văn 4824/TCHQ-GSQL (cũng của Tổng cục Hải quan) không được làm thủ tục thì câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp phải làm thủ tục hải quan tại đâu và khai báo loại hình như thế nào?

Tương tự, với hàng kinh doanh tiêu dùng, việc đăng ký, kiểm tra hồ sơ được thực hiện tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư nhưng việc kiểm tra thực tế hàng hóa, thông quan hàng hóa được thực hiện tại các cửa khẩu; hàng hóa không chuyển cửa khẩu về địa điểm kiểm tra như các chi cục hải quan ngoài cửa khẩu khác. Nay theo hướng dẫn mới, doanh nghiệp phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu sẽ càng làm tình trạng quá tải tại một số chi cục, chẳng hạn như Cát Lái càng trầm trọng và khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục hải quan (phải đến từng cửa khẩu để làm thủ tục thay vì chỉ làm thủ tục tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư).

Chính vì vậy, Cục Hải quan TPHCM đề xuất, để tạo thuận lợi cho cả hai bên, trước mắt, đề nghị Tổng cục Hải quan chấp thuận cho Cục Hải quan TPHCM giải quyết thủ tục hải quan ngay các lô hàng nhập gia công, sản xuất xuất khẩu và kinh doanh của các doanh nghiệp đang tồn đọng tại các Chi cục để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Về lâu dài, Cục Hải quan TPHCM đề nghị Tổng cục Hải quan cho phép các doanh nghiệp được làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công như trước đây. Đây cũng chính là nguyện vọng mà doanh nghiệp đề đạt với cơ quan hải quan.

Doanh nghiệp chuyển phát nhanh, bưu chính cũng vướng

Theo Quyết định 15, hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính (là quà biếu, quà tặng, hàng mẫu nhỏ lẻ, trị giá thấp và thuộc nhóm hàng phải kiểm dịch động vật, thực vật như trà khô, sữa bột, pate, xúc xích…) thuộc Danh mục phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Vậy nhưng, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh không phải là chi cục hải quan cửa khẩu nên không được làm thủ tục, hàng hóa đang ùn tắc.

Theo Cục Hải quan TPHCM, điều này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa chuyển phát nhanh, hàng bưu chính.

Trên thực tế, địa điểm chuyển phát nhanh (TECS) nằm sát cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hàng hóa chuyển phát nhanh phần lớn là hàng nhỏ lẻ, trị giá thấp. Việc Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh hay Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục hải quan cũng không ảnh hưởng đến mục tiêu quản lý hàng hóa nhập khẩu vì hàng hóa được lưu giữ tại địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa chuyển phát nhanh/hàng bưu chính. Nếu doanh nghiệp thực hiện thủ tục tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc và phát sinh nhiều thủ tục không cần thiết, gây tốn kém chi phí và chậm thông quan hàng hóa; trái với mục tiêu cải cách hành chính theo Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ.

Vì vậy, cơ quan này đề nghị Tổng cục Hải quan cho phép Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh được làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa thuộc danh mục phải làm thủ tục tại cửa khẩu nhập. Trường hợp phải làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì thực hiện thủ tục tương tự như hàng tạm nhập tái xuất.

Minh Tâm
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Từ khóa: