Sự kiện hot
11 năm trước

Gắn tem để phân biệt xe 'chính chủ'

Gắn tem "quyền sở hữu phương tiện" lên biển kiểm soát hoặc lên tem "lưu hành" trên kính chắn gió phía trước. Màu nào là chính chủ, màu nào là chuyển quyền sở hữu lần thứ nhất, thứ hai là một trong những đề xuất của độc giả Nguyễn Phúc Tâm.

Gắn tem "quyền sở hữu phương tiện" lên biển kiểm soát hoặc lên tem "lưu hành" trên kính chắn gió phía trước. Màu nào là chính chủ, màu nào là chuyển quyền sở hữu lần thứ nhất, thứ hai là một trong những đề xuất của độc giả Nguyễn Phúc Tâm.

Các Quốc gia tiên tiến trên thế giới đều quản lý rất hiệu quả phương tiện tham giao thông trong đó có việc quản lý chủ sở hữu phương tiện. Ít có quốc gia nào để việc mất kiểm soát tới 40% số phương tiện lưu thông không đăng ký quyền sở hữu hay còn gọi là chính chủ phương tiện.

Với Việt Nam, việc "Chuyển quyền sở hữu phương tiện" không phải là quy định mới. Nó đã được quy định từ năm 1995 (đến nay 17 năm) mà vẫn như thủa mới bắt đầu giống như ngành công nghiệp ôtô!

1/ Nguyên nhân?

Thứ nhất, do thủ tục mua bán chuyển nhượng vẫn còn rườm rà, tốn nhiều thời gian đi lại, "đỏ mắt" ở nhiều khâu.

Thứ hai, mức phí "chuyển quyền sở hữu theo qui định", phí trước bạ theo thông tư TT 124/2011/TT-BTC vẫn còn cao, với ôtô dưới 10 chỗ từ 10 - 20%, tuỳ địa phương, được cơ quan chức năng định giá theo giá trị thực tế. Đối với xe gắn máy lần đầu là 2%, lần tiếp theo là 1%. Đấy là chi phí rất lớn với đa số người dân coi ôtô, xe máy vừa là phương tiện, vừa là tài sản. Thời điểm này người dân lao động còn khó khăn hơn rất nhiều.

Thứ hai, các cơ quan chức năng chưa phối hợp chặt chẽ, chưa đưa ra biện pháp kiểm soát hữu hiệu nhưng phù hợp với thu nhập chung của người dân trong xã hội.

Thứ ba, về phía người dân: Ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Không muốn mất thêm chi phí khi lợi ích của "quyền sở hữu phương tiện" chưa/không đem lại thêm lợi lộc gì. Không ở quốc gia nào mà xe không có biển kiểm soát chạy vô tư ở ngoài đường như Việt Nam. Xe biển kiểm soát tạm thời đã hết hạn, xe biển số ngoại giao, nước ngoài tạm nhập tái xuất và các tổ chức, cũng như biển số giả cũng vậy, thường xuyên lưu thông xuyên quốc gia mà không phải lúc nào cũng bị phát hiện xử lý.

2/ Thế, giải pháp như thế nào?

Đầu tiên, rà soát lại thủ tục. Những rườm rà, nhiêu khê cần loại bỏ, tạo thủ tục và môi trường thuận lợi để người dân bớt ngại ngần khi tới giao dịch tại các cơ quan công quyền.

Thứ hai, giảm chi phí phát sinh và thuế trước bạ xuống 1 hoặc dưới 1% như đề xuất của cục trường CSGT đường bộ-đường sắt, thiếu tướng Phạm Văn Tuyên. Thà rằng giảm thuế phí để thu tất hoặc sấp xỉ 40% lượng xe không "chuyển nhượng quyền sở hữu" để thu thêm ngân sách (ít hoá nhiều) và quản lý phương tiện, quản lý xã hội tốt hơn. Còn hơn là thuế phí cao, cuối cùng không thu được, không quản lý được phương tiện và xã hội nói chung.

Những người thường xuyên theo dõi thông tin đã thấy hàng loạt biện pháp quản lý xã hội được cơ quan chức năng tiến hành trong thời gian qua. Đăng ký chính chủ với sim thẻ điện thoại và các dịch vụ viễn thông; Chứng minh thư nhân dân mới có thêm thông tin cha mẹ; siết chặt đăng ký phương tiện; Biểu mẫu thống kê về dân số, nhóm ngành nghề, quan hệ các thành viên ruột thịt trong gia đình được tổ trưởng dân phố triển khai đến từng hộ;...Tất cả đều nhằm mục đích "số hoá" trong quản lý xã hội.

Thứ ba, các nước tiên tiến gắn tem "quyền sở hữu phương tiện" lên biển kiểm soát hoặc lên tem "lưu hành" gắn trên kính chắn gió phía trước. Màu nào là chính chủ, màu nào là chuyển quyền sở hữu lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba...đều dễ nhận diện. Tất nhiên tem có mã vạch, được "số hoá". Khi dùng dụng cụ "đọc" thì nguồn gốc xuất xứ của người và xe hiện lên tất tần tật. Và đương nhiên tem đã bóc ra là hỏng, không thể dán từ xe này sang xe khác được. Hỏng do va quẹt, tai nạn, thời tiết thì đổi..

Như vậy, việc gì phải công chứng hộ khẩu, CMND, đăng ký kết hôn, giấy mượn xe, hợp đồng lái thuê; quyết định giao xe...cho rách việc, tạo điều kiện lách luật và tiêu cực. Người nào muốn mượn thoải mái, chỉ cần bằng lái phù hợp với xe đang lái. Kể cả đăng kiểm lẫn bảo hiểm cũng cất vào con tem...! Nó là "hộp đen" về người và xe.

Vi phạm giao thông à, tai nạn bỏ trốn à, phạm pháp hình sự à, ăn cắp xe để đặt bom khủng bố à...Camera lắp khắp thành phố và tai mắt của nhân dân ghi lại rồi. Gọi bác chủ xe lên Phường! Bác ngoại phạm, nhưng bác cho ai mượn xe, đừng nói là thằng nào gắn biển đểu lên xe bác nhé. Bác mất cắp thì phải báo ngay công an theo luật định, một tuần rồi mới báo.. Là sao? Mời bác lên Quận!

Nguyễn Phúc Tâm
Theo Vnexpress

Từ khóa: