Sự kiện hot
12 năm trước

Gặp lại Phạm Quỳnh trong “Hoa đường tùy bút”

Dantin - “Hoa đường tùy bút” – di bút cuối cùng của Thượng Chi Phạm Quỳnh - một con người gây nhiều tranh cãi trong lịch sử đã được xuất bản thành sách: “Hoa đường tùy bút và 51 bản dịch thơ Đỗ Phủ”.

Dantin - “Hoa đường tùy bút” – di bút cuối cùng của Thượng Chi Phạm Quỳnh - một con người gây nhiều tranh cãi trong lịch sử đã được xuất bản thành sách: “Hoa đường tùy bút và 51 bản dịch thơ Đỗ Phủ”.

Tại buổi giới thiệu sách của Nhà xuất bản sách Nhã Nam, cuộc đời cũng như sự nghiệp văn chương của Phạm Quỳnh đã được hé lộ nhiều qua cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên (người con thứ chín của Phạm Quỳnh) và PGS.TS Trần Ngọc Vương.



Buổi hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học giả và các bạn trẻ (Ảnh: Thành Hưng)

Phạm Quỳnh – nhân vật lịch sử đầy tranh cãi

Phạm Quỳnh (1893-1945) là chủ bút tạp chí Nam Phong, một trong những tạp chí có sức ảnh hưởng lớn thời kỳ đầu thế kỉ XX. Ông cũng từng tham gia chính quyền Bảo Đại, giữ nhiều chức vụ khác nhau. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ông lui về ở ẩn tại biệt thự Hoa Đường, thành phố Huế.

Tự gọi mình là “Thiếu hoa đường”, sinh vào thời loạn buổi Á - Âu xung đột, “phận Nho quèn” Phạm Quỳnh không sao đương được với thời cuộc rối, quyết chí ẩn dật để giữ lấy tiết thanh cao, “chỉ biết đem một thái độ ôn hòa nhà Nho mà đối với cái cuồng phong bão táp hỗn hào!” (Nhà văn Nguyên Ngọc).

Nhà nghiên cứu văn học Cao Việt Dũng, PGS. TS Trần Ngọc Vương, GS Trần Đình Sử (từ trái qua phải) tại buổi hội thảo - Ảnh: Thành Hưng

Trước đây từng có nhiều đánh giá chưa khách quan về Phạm Quỳnh, nhiều người coi ông là tay sai đắc lực của thực dân Pháp. Tuy nhiên gần đây, bắt đầu có sự đánh giá công bằng hơn. Từ điển Văn học bộ mới (2004) coi ông là người có tinh thần dân tộc, ôm ấp một chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước. Bên cạnh đó, ông cũng thường được nhắc đến với tư cách là người đi đầu trong công cuộc quảng bá chữ quốc ngữ.

Phạm Quỳnh cũng tự nhận mình là kẻ “cùng hội, cùng thuyền” với Nguyễn Du và Kiều, trong tác phẩm cuối cùng “Cô Kiều với tôi” còn dở dang của mình, Phạm Quỳnh viết: “Tôi với Truyện Kiều không phải là thái độ một nhà văn với một tác phẩm mà là tâm lý một người có cảm giác là một hội một thuyền…Tôi đối với Truyện Kiều, Truyện Kiều đối với tôi – hay là có thể nói, tôi đối với cô Kiều, cô Kiều đối với tôi…”.

“Là chủ bút của tạp chí Nam Phong, Phạm Quỳnh là một con người có bản lĩnh văn hóa và tri thức” (PGS.TS Trần Ngọc Vương)
Sống trong một xã hội loạn lạc, nhiều biến động, Phạm Quỳnh lui về ở ẩn và bắt tay viết “Hoa đường tùy bút”.

“Hoa đường tùy bút” – cuốn sách “cầm lên nhẹ tay đến xót xa”

Cuốn sách "Hoa Đường tùy bút" của Phạm Quỳnh do NXB Nhã Nam ấn hành

“Hoa đường tùy bút” tập hợp 11 bài tạp văn và 51 bản dịch thơ Đỗ Phủ. Đây là những bài viết giản dị, mộc mạc, lưu giữ ký ức cuối đời, đồng thời thể hiện rõ “thái độ ôn hòa, nho nhã” nhưng tiềm ẩn nhiều cảm xúc, rung động của Phạm Quỳnh trước thời buổi “Á Âu xung đột”.

51 bản dịch thơ Đỗ Phủ cho thấy, dường như Phạm Quỳnh có ý làm một phép so sánh ngầm trong sự ám dụ với Đỗ Phủ, ông gián tiếp thể hiện những chiêm nghiệm của mình về cuộc đời và về tình người.

Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, người con trai Phạm Quỳnh, bản thảo Hoa đường tùy bút vốn được Phạm Quỳnh trao cho nhà thơ Đông Hồ, sau này, nhà thơ trao trả lại cho gia đình tác giả.

“Thoạt nhìn, mươi bài tạp văn, không có chủ đề chung, không đường dây dẫn dắt nhất quán, tản mạc, rời rạc, như chợt nhớ đâu viết đấy, chợt nghĩ gì thì nói ra…nhưng mà đọc đi đọc lại, ngẫm kĩ, rất có thể đây là một sự chuẩn bị, chuẩn bị cho một cuộc tổng kết, có thể là một cuộc tổng kết lớn, và sâu, rất sâu nữa, mà tiếc thay ông đã không kịp làm” (Nhà văn Nguyên Ngọc).

Phạm Quỳnh chuyên về khảo cứu và biên soạn sách, “Hoa đường tùy bút” có thể coi là những trang viết thuộc sở đoản của ông, đồng thời cũng là những trang viết đánh dấu sự trở lại văn chương của Phạm Quỳnh sau 13 năm ra làm quan.

“11 bài tùy bút là những nhận xét về nhân tình thế thái, luân lý và đạo đức xã hội trong đó Phạm Quỳnh đặc biệt nhấn mạnh đến đạo Phật, hầu như bài tùy bút nào của ông cũng phảng phất tư tưởng của Phật giáo” (PGS.TS Trần Ngọc Vương).

Thành Hưng

Từ khóa: