Sự kiện hot
7 năm trước

Ghe tàu cào sò cài người theo dõi, chống trả lực lượng thanh tra

Để đối phó lực lượng chức năng, các chủ ghe cào sò cài người theo dõi các tàu, ca nô tuần tra và sẵn sàng vứt bỏ vật dụng đánh bắt xuống biển, thậm chí là chống trả lực lượng tuần tra khi bị bắt.

Do lợi nhuận cao nên nhiều ghe tàu đánh bắt thủy sản chuyển sang cào sò. Ảnh minh họa: Khải An

Nghề giã cào, cào sò đã xuất hiện từ lâu nhưng phát triển mạnh tại Khánh Hòa vào khoảng năm 2013. Tuy không nằm trong danh mục nghề cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng tại Khánh Hòa nghề này gây xung đột với các nghề khác trên biển.

Ngoài việc kéo mất rớ, bóng, lưới của các ngư dân khác, nghề cào sò còn khuấy động tầng đáy ảnh hưởng một phần đến các nghề nuôi trồng thủy sản và môi trường, du lịch biển tại Khánh Hòa.

Do đó, năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 05/QĐ-UBND về việc, quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, tỉnh nghiêm cấm các hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc; cấm tất cả các nghề giã cào, cào sò khai thác thủy sản tại các vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và hai đầm Nha Phu, Thủy Triều.

Thời gian gần đây, trước sự ra quân quyết liệt của lực lượng thanh tra pháp chế thuộc Chi cục Thủy Sản Khánh Hòa tình trạng cào sò có giảm nhưng các ghe tàu hành nghề hoạt động tinh vi và manh động hơn.

“Theo báo cáo của các chi cục trong tỉnh, để tránh lực lượng tuần tra, các ghe tàu cài người theo dõi các tàu, ca nô của đoàn thanh tra. Hễ thấy chúng tôi rời cảng là có người báo cho các ghe tàu đang cào sò để thu ngư cụ tránh bị phát hiện.

Ngoài ra, khi chúng tôi phát hiện các ghe đang cào sò họ cắt bỏ lồng cào để tránh bị phạt. Nhiều trường hợp họ dùng đá chống trả và đưa tàu khác đến giải cứu”, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục Trưởng chi cục Thủy Sản tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Để đối phó với lực lượng chức năng, các ghe tàu cào sò cài người theo dõi. Ảnh minh họa: Khải An

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do mức chi phí đầu tư cho nghề cào sò khá thấp, ngoài ghe thuyền, ngư dân chỉ cần mua lồng cào khoảng 3-4 triệu đồng nhưng mỗi đêm đánh bắt có thể thu về 4-5 triệu đồng.

Vì nguồn lợi quá lớn nên dù lực lượng thanh tra của Chi cục Thủy Sản kiểm tra, xử phạt thường xuyên nhưng tình trạng cào sò, giã cào vẫn tồn tại tại vùng biển Khánh Hòa đặc biệt là vịnh Cam Ranh và đầm Nha Phu nơi có trữ lượng sò vô cùng lớn.

Từ tháng 4 đến cuối tháng 8.2017, Chi cục Thủy Sản đã thu giữ 78 lồng cào sò, 7 lưới giã cào, xử phạt hơn 53 triệu đồng. Trong số đó, gần một nửa các lồng cào sò bị thu giữ vô chủ do ngư dân cắt bỏ để tránh phạt.

“Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc kiểm tra và xử phạt các ghe thuyền cào sò nhưng do lực lượng mỏng, thiếu kinh phí xăng dầu để tuần tra thường xuyên và các ghe thuyền cào sò hoạt động ngày càng tinh vi và manh động nên công tác kiểm tra xử phạt còn nhiều hạn chế.

Để công việc hiệu quả hơn, cần có sự liên kết với phòng Kinh tế, công an, biên phòng. Đặc biệt, ủy ban xã phường phải vào cuộc tiến hành thống kê từng hộ gia đình có người đi cào sò nhằm tuyên truyền, bắt viết cam kết. Đồng thời thành lập tổ kiểm tra liên ngành tại địa phương mới mong giảm tình trạng cào sò tại Khánh Hòa”, vị Chi cục trưởng nhận định.

Tuy nhiên, ông Chánh cũng cho rằng ngư dân mưu sinh trên biển là chính đáng nhưng do đây là nghề gây xung đột với nhiều nghề khác trên biển và ảnh hưởng môi trường, du lịch nên bị cấm tại một số nơi tại Khánh Hòa.

“Tôi đã đề xuất với Phòng nghiên cứu Thủy sản, nghiên cứu, đánh giá trữ lượng sò tại Khánh Hòa rồi tìm giải pháp khai thác hiệu quả hơn giúp ngư dân sống được với nghề mà không xung đột với các nghề khác.

Vì việc chuyển đổi nghề cho ngư dân là vô cùng khó khăn nên chuyển đổi phương thức đánh bắt là điều cần thiết”, ông Chánh chia sẻ.

Khải An
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: