Sự kiện hot
8 năm trước

Gia Lai: Quy hoạch tháo dỡ chợ Đức Cơ, tiểu thương khốn đốn

Đơn kêu cứu của các tiểu thương có ki ôt kinh doanh tại chợ huyện Đức Cơ gửi Báo Công lý cho rằng, Thông báo số 02 TB/TCKH của UBND huyện cần phải xem xét đến quyền lợi của các hộ tiểu thương kinh doanh tại đây hơn 20 năm.


Thông báo lấy lại đất thuê của Phòng Tài chính huyện

 

Tiểu thương kêu trời

Theo nội dung trong đơn kêu cứu những hộ kinh doanh này cho rằng đã thuê đất của UBND huyện xây dựng ki ốt hoạt động kinh doanh ổn định hơn 20 năm qua và hiện tại đã hết hợp đồng. Ngày 26-2-2016, bà con tiểu thương đã được UBND huyện triệu tập cuộc họp và phổ biến về việc yêu cầu các tiểu thương tháo dỡ ki ốt trả lại mặt bằng để quy hoạch lại chợ, sau đó mở phiên đấu giá công khai chứ không cho làm hợp đồng thuê lại ki ốt nữa.

Thông báo trên khiến hàng trăm tiểu thương chợ hoang mang và lo lắng, vì họ đã gắn bó với khu chợ này đã hơn 20 năm và cuộc sống của gia đình họ chỉ trông chờ vào việc kinh doanh buôn bán hàng ngày, trong tình thế hiện tại hàng trăm người nơi đây đang đứng trên bờ vực thẳm không biết đi đâu, về đâu và mưu sinh bằng cách nào khi ngày giải tỏa đã gần kề.

Theo các tiểu thương, việc họ thuê ki ốt của chính quyền địa phương bao nhiêu năm nay đã nghiêm túc chấp hành đầy đủ tất cả mọi nghĩa vụ của mình, chỉ mong công việc kinh doanh ổn định để chăm lo cho gia đình và mong muốn được tiếp tục được ký hợp đồng thuê lại ki-ốt. Họ chấp nhận giá thuê cao hơn và nếu chính quyền yêu cầu họ xây dựng lại ki-ốt theo kiểu mẫu họ vẫn chấp nhận bỏ tiền để xây dựng, miễn là đảm bảo cho họ tiếp tục có cơ hội kinh doanh buôn bán.

 


Các tiểu thương trao đổi với phóng viên

 

Không chỉ vậy, nhiều hộ tiểu thương ở đây vướng món nợ ngân hàng, nếu UBND huyện không cho thuê lại ki-ốt, việc kinh doanh bị ngưng lại thì cuộc sống của các gia đình tiểu thương lâm vào cảnh khốn cùng, các khoản nợ ngân hàng không có khả năng chi trả, nguy cơ mất nhà rất cao vì lãi mẹ đẻ lãi con.

Kêu cứu UBND huyện

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý một số tiểu thương cho biết, đã nhiều lần lên UBND huyện kêu cứu mong sao chính quyền địa phương có cách giải quyết thấu tình đạt lý, thương lấy hàng trăm tiểu thương đang ở trong tình trạng nguy cơ mất đi con đường mưu sinh và phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt.

Họ bày tỏ mong muốn được chính quyền tạo điều kiện quan tâm đến quyền lợi cũng như cuộc sống của người dân. Nếu được quan tâm, các tiểu thương sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương để làm khu chợ khang trang hơn và theo đúng chuẩn của quy hoạch chợ, miễn là được tiếp tục ký hợp đồng thuê lại ki ốt- thậm chí là bỏ tiền gia đình ra để xây dựng lại ki ốt. Trong trường hợp chính quyền cho thu lại mặt bằng rồi cho đấu giá lại mà không có một chế độ ưu tiên gì cho những tiểu thương đã gắn bó gần nửa đời người ở nơi đây, thì cơ hội quay lại chợ để buôn bán của họ sẽ rất ít. Vì trên thực tế nếu đấu thầu lại mặt bằng với giá cao thì rất nhiều tiểu thương không có điều kiện và đồng nghĩa với việc phải chấm dứt việc buôn bán, mưu sinh ở chợ này.

Chủ hộ kinh doanh ki-ốt số 11, ông Ngô Đạm nói trong lo lắng: Gia đình tôi kinh doanh và sinh sống ở đây đã hơn 20 năm, mọi thu nhập đều trông chờ vào việc buôn bán kinh doanh, giờ chính quyền thông báo lấy lại và cho đấu giá, gia đình tôi không biết phải xoay xở như thế nào. Đặc biệt, với khoản vay ngân hàng để kinh doanh giờ không biết sẽ lấy gì mà trả. Mong chính quyền xem xét và có chính sách ưu tiên cho các hộ kinh doanh lâu năm để không bị xáo trộn trong việc kinh doanh.

Chính quyền địa phương nói gì?

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với ông Huỳnh Cân, Chánh Văn phòng UBND huyện Đức Cơ và được ông cho biết: “Quan điểm của địa phương sẽ cố gắng hết sức tạo điều kiện cho bà con tiểu thương. Việc thu hồi lại đất thuê là đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các tiểu thương ở đây chủ yếu mưu sinh và phụ thuộc vào việc kinh doanh ở khu chợ này. Chỉ có một số ít tiểu thương có đất sản xuất bên ngoài, do vậy nếu họ không còn cơ hội buôn bán ở đây nữa thì quả thực họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn…”.

Ông Cân cho biết thêm, biết là vậy nhưng chính quyền địa phương cũng chưa có một phương án giải quyết nào. Việc giải tỏa vẫn phải giải tỏa. Còn vấn đề các tiểu thương lâu năm có được ưu tiên hay không thì ông chưa rõ. Phía chính quyền địa phương sẽ tiếp tục mở cuộc họp lại và xin ý kiến các cơ quan cấp trên một lần nữa để tìm ra phương án tốt nhất, giúp giải quyết theo hướng có lợi nhất cho các hộ kinh doanh.

Thiết nghĩ việc quy hoạch lại chợ là một vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, để triển khai đúng theo định hướng chung thì vẫn cần xem xét, giải quyết đời sống dân sinh cho bà con tiểu thương. Làm được điều đó mới là vấn đề cốt lõi để tiến tới có một khu chợ văn minh, đồng thời bảo đảm sự “an cư lạc nghiệp”, không gây xáo trộn của những hộ tiểu thương gắn bó lâu năm tại khu chợ này.

Nhật Khánh
theo Công lý

Từ khóa: