Sự kiện hot
13 năm trước

Giá xăng lờ Nghị định?

Nghị định 84/2009 của Chính phủ quy định, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng.

Nghị định 84/2009 của Chính phủ quy định, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng.

Tuy nhiên, sau gần 2 tháng giá xăng dầu thế giới giảm, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn giữ nguyên trong sự thờ ơ của cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý(?!).

Thiếu minh bạch về thông tin giá xăng dầu hậu thuẫn cho độc quyền. (Ảnh: Đ.K)

Chế tài "cho vui"?

Điều 27, Nghị định 84 của Chính phủ quy định rõ rằng: Chỉ trường hợp các yếu tố cấu thành làm giá cơ sở giảm trên 12% so với giá bán hiện hành, các thương nhân đầu mối mới phải xin phép các cơ quan thẩm quyền để áp dụng các biện pháp điều tiết như: Điều chỉnh thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá... Trường hợp giá giảm dưới 12% doanh nghiệp phải giảm giá dưới sự giám sát của cơ quan quản lý.

Cũng trong bản tin giá xăng dầu phát hành ngày 4/7, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, tại thị trường Singapore, trừ dầu Mazut FO 180cst tăng 1,49% so với tháng 5/2011 còn lại tất cả các nhóm xăng dầu đều giảm giá so với mức trung bình tháng 5. Đặc biệt, mặt hàng xăng RON 92, giá trung bình tháng 6 là 117,86 USD/thùng, giảm 6,63% so với giá trung bình tháng 5. Nếu cộng tích luỹ cả mức giảm của tháng 5, thì giá xăng dầu tại thị trường Singapore (thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam) còn giảm sâu hơn nữa so với mức giá tại thời điểm tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 29/3. Chưa kể, giá tất cả các mặt hàng xăng dầu tại thị trường Singapore trong tháng 5 đều giảm so với mức trung bình tháng 4: Xăng RON 92, giảm 1,27%; giảm sâu nhất là dầu diesel 0,05S với mức 8,32%.

Thế nhưng gần 2 tháng nay, khi giá xăng dầu đã giảm và giữ mức ổn định thấp hơn nhiều so với thời điểm tăng giá xăng dầu trong nước gần đây nhất (29/3), các doanh nghiệp đầu mối vẫn không có động tĩnh gì về giá bán lẻ. Câu hỏi đặt ra là, với những quy định hiện hành, liệu đã có thể xem xét hành vi vi phạm về giá? Tại Nghị định 84/2009, Điều 31, Khoản 1 quy định các "Hành vi vi phạm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu", trong đó có mục k: "Tăng, giảm giá bán không đúng quy định tại Điều 27 Nghị định này hoặc có hành vi liên kết độc quyền về giá". Chế tài xử lý quy định tại Điều 32 của Nghị định này là: "Thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm các quy định tại Nghị định này, tuỳ theo mức độ vi phạm, bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành". Như vậy rõ ràng là không thiếu quy định và chế tài xử lý các hành vi vi phạm về giá.

Giám sát "cho có"?!

Cũng ngay tại Nghị định 84, Điều 29 về trách nhiệm của các bộ, tại Khoản 2 quy định: "Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định tại Điều 26 (quy định về Quỹ Bình ổn giá - PV) và Điều 27 (quy định về điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu - PV) Nghị định này". Như vậy Nghị định 84 đã quy định rất rõ ràng, chế tài xử lý và cơ chế giám sát, đơn vị giám sát các vi phạm về giá. Nếu thừa nhận doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm Nghị định thì liệu có phải xem xét trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát của mình?!

Nhiều chuyên gia đã cho rằng, Nghị định 84 đã đạt bước tiến quan trọng trong việc minh bạch hoá giá xăng dầu với việc công bố cách tính giá cơ sở. Tuy nhiên, bất cứ Nghị định hay một quy định pháp luật nào khác đều phụ thuộc vào yếu tố con người khi đưa vào thực thi. Với 11 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối và một tổ điều hành giá xăng dầu, những đòi hỏi về tính minh bạch trong cơ cấu giá thành đầu vào cũng như cơ chế điều hành giá là hoàn toàn có thể đáp ứng. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn chưa thấy điều đó. Sự thiếu minh bạch về thông tin sẽ hậu thuẫn cho sự độc quyền về giá.

Còn nữa, trong các bản tin giá xăng dầu phát đi, Petrolimex luôn có mục so sánh giá xăng dầu trên thị trường Việt Nam và một số nước lân cận như Campuchia, Trung Quốc... để cho thấy giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn vài nghìn đồng/lít. Thế nhưng, có một điểm mà bản tin này không công bố là thuế nhập khẩu xăng dầu tại các quốc gia này(?!). Tại Việt Nam, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu chỉ 0-5%, trong khi tại các nước nói trên, mức thuế nhập khẩu xăng dầu đều ở mức hàng chục phần trăm.

PV đã liên hệ với ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) để tìm hiểu về việc vì sao giá xăng không giảm, ông Thoả cho biết đang đi công tác và đề nghị hỏi bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng. Tuy nhiên, bà Hương cũng không hẹn gặp trực tiếp vì “chuẩn bị đi công tác". Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Đức Chi, Chánh văn phòng Bộ Tài chính và được hứa rằng "sẽ sắp xếp" để có một cuộc phỏng vấn về vấn đề giá xăng dầu.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, những biến động của mặt hàng này tác động lớn đến đời sống của đại đa số người dân nên những phát ngôn chính thức từ cơ quan quản lý về mặt hàng là hết sức cần thiết. Nhưng rõ ràng, để có được một câu trả lời từ các cơ quan này lại quá khó!

Đắc Kiên
Theo Giadinh

Từ khóa: