Sự kiện hot
13 năm trước

Giấc mơ khó thành cho đề án siêu khủng

Mới đây, trong buổi tọa đàm về cải tạo cầu Long Biên do Hội quy hoạch đô thị Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, đã có ý tưởng biến cây cầu Long Biên lịch sử thành một bảo tàng có chiều dài nhất thế giới với kinh phí "siêu khủng" gần 5 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, trong buổi tọa đàm về cải tạo cầu Long Biên do Hội quy hoạch đô thị Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, đã có ý tưởng biến cây cầu Long Biên lịch sử thành một bảo tàng có chiều dài nhất thế giới với kinh phí "siêu khủng" gần 5 nghìn tỷ đồng.

Đối với bảo tàng Nghệ thuật đương đại có hình dáng của hoa sen, loại hoa mà đang được đề cử là quốc hoa của Việt Nam. KTS Nga đề xuất mở thông để tạo thành một dãy phòng triển lãm của các làng nghề thủ công nghệ thuật truyền thống đối với 131 vòm cầu bằng gạch nằm dọc tuyến đường sắt dẫn lên cầu hiện bị bịt kín. Các vòm còn lại sẽ được dành cho khu nhà hàng, quán cafe, trà, hay dành cho nghệ sĩ và giới trẻ yêu hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, kịch câm, múa...

Nhiều người cho rằng đây là một bước đột phá giúp Hà Nội có thể bảo tồn được cây cầu Long Biên lịch sử. Bên cạnh đó, hầu hết các chuyên gia cũng nhận định, để thực thi được đề án với kinh phí khổng lồ như thời điểm hiện nay không phải là việc khả thi.

Ý tưởng hoành tráng

Theo như phản ánh của Bộ GTVT, trong tương lai, cầu Long Biên mới sẽ được xây dựng để phục vụ giao thông đường sắt, cây cầu già cỗi hiện nay có thể bị phá huỷ. Chính vì vậy, KTS quy hoạch đô thị Paris Nguyễn Nga, một Việt kiều Pháp đã trình bản đề xuất muốn biến cây cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử cận đại dài kỷ lục trên thế giới. Được biết, tổng chi phí để hiện thực hoá bản đề xuất cho cụm đề án của bà Nga là 4.860 tỷ đồng.

Theo KTS Nguyễn Nga, điểm nhấn của dự án chính là việc bãi giữa sông Hồng sẽ được cải tạo, đắp cao để xây dựng Công viên nghệ thuật. Công viên này sẽ có nhiều hạng mục như vườn sinh vật tự nhiên và nhân tạo, vườn hoa đào, hoa hồng; những ki - ốt âm nhạc, khu nghỉ mát có mái che và ghế ngồi, đường đi xe đạp, sân trượt patin, tường leo núi. Phần mũi bãi giữa được quy hoạch thành khu trồng dâu, tạo không gian cho những làng nghề dệt lụa.

 Cầu Long Biên nhìn từ bãi giữa Sông Hồng

Trong đó bản đề án biến cầu Long Biên thành bảo tàng của KTS Nguyễn Nga, các hạng mục cũng như công trình được tính bằng các khoản tiền đầu tư cụ thể như dự án tháp nước Hàng Đậu (50 tỷ đồng) sẽ được hoàn thành trong vòng 2 năm tới (2013); Tháp Sen - Bảo tàng đương đại (100 tỷ đồng) và cầu Long Biên - Bảo tàng Lịch sử (3.900 tỷ đồng)... Dự án này sẽ thực hiện trong vòng 10 năm.

Tính khả thi thấp

Ngay sau khi đề án được công bố, ngay lập tức đã nhận được sự "phản pháo" từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà văn hoá.

Ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết: "Hiện tại, chúng tôi cũng chưa có thông tin chi tiết về bản đề án này. Theo tôi, việc này cần có sự nghiên cứu rất kỹ rồi mới có thể quyết định được. Đây là một dự án đáng hoan nghênh về mặt ý tưởng nhưng rất khó thực thi. Bởi vì, chưa biết kết quả của cái đề án này như thế nào nhưng đã phải xây dựng thêm cây cầu mới tốn kém. Trong khi đó, kinh phí để thực hiện dự án này là rất cao. Tôi tán thành, ủng hộ những nghiên cứu mới, ý tưởng mới, tuy nhiên những ý tưởng đó phải đi vào thực tiễn được. Để một bản dự án đi vào thực tiễn, chúng tôi và các ngành chức năng phải bàn đi tính lại rất kỹ lưỡng rồi mới quyết định được".

T.S Lê Quý Đức, Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển Việt Nam cho biết, gần 5 nghìn tỷ đồng là một số tiền khổng lồ. Với số tiền ấy,  Hà Nội có thể tu sửa, nâng cấp được nhiều di tích khác có mức độ cần phải bảo tồn khẩn cấp hơn cầu Long Biên rất nhiều. Về cơ bản, chúng ta nên so sánh cây cầu này với những di tích lịch sử khác xem nó có cần thiết thực hiện như thế không. Dẫu ai cũng biết cầu Long Biên là một cây cầu rất quý giá, tuy nhiên trong điều kiện kinh tế Việt Nam như hiện nay thì số tiền trên thực sự quá lớn.

Đồng quan điểm, ông Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định: Trước đây, nước bạn Pháp đã có ý định tài trợ cho Việt Nam tu sửa, bảo tồn cây cầu Long Biên. Đây là một ý định tốt, mà chúng ta cần phải hoan nghênh và đáng trân trọng. Tuy nhiên, ý tưởng bảo tồn cầu Long Biên như trên rất khó khả thi. Thứ nhất, thực tế cho thấy, Hà Nội đang rất chật chội. Để thực hiện đề án này, chúng ta phải lấy đất dân sinh của hàng trăm nghìn dân hai bên cầu, ngay lập tức xuất hiện bài toán mới cần giải quyết đó là tìm chỗ ở cho những hộ gia đình bị giải toả. Cuộc sống của họ đã quá quen với cầu Long Biên, với những thước đất phù sa sông Hồng rồi. Ý tưởng thì rất tốt, rất táo bạo tuy nhiên theo tôi sẽ rất khó thực hiện vì sẽ vấp phải sự phản đối của người dân sinh sống hai bên cầu".

Vấn đề khó khăn thứ hai, theo ông Chu Đức Tính, kinh phí để thực hiện đề án này là gần 5 nghìn tỷ đồng một số lượng tiền quá lớn. "Nếu số tiền đó là của nước bạn tài trợ thì là chuyện khác nhưng là số tiền của Việt Nam phải bỏ ra thì là không thể. Chúng ta cần phải nghiên cứu hết hức cẩn trọng rồi hãy đưa ra quyết định hợp lý nhất", ông Tính cho biết.         

 

Còn có nhiều việc khác quan trọng hơn phải làm

"Cầu Long Biên được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Việc Pháp xây cầu Long Biên là muốn chứng tỏ thế lực và văn minh kỹ thuật của phương Tây ở châu Á nói chung trong đó có Việt Nam. Cầu Long Biên cũng thể hiện cho tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Đứng về mặt lịch sử, cây cầu Long Biên có giá trị rất lớn, bây giờ mà khôi phục cây cầu này cũng có tác dụng tích cực. Nó tượng trưng cho tinh thần anh hùng của dân tộc ta trong kháng chiến. Theo tôi, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, chúng ta có nhiều việc quan trọng khác cần phải sử dụng đến kinh phí. Với gần 5 nghìn tỷ mà đề án kia dự trù là quá lớn, rất khó khả thi".

(Nhà giáo nhân dân, GS. sử học Đinh Xuân Lâm)

Văn Chương - Anh Đức
Theo Nguoiduatin

Từ khóa: