Sự kiện hot
7 năm trước

'Giải cứu giáo viên 100.000 đồng’: Học sinh vùng cao nhịn ăn đi học, tiền đâu đóng?

Đó là nhận định của nhiều người trước đề xuất, học sinh tiểu học nên “góp” mỗi tháng 100.000 đồng để “giải cứu giáo viên” đang gây tranh cãi thời gian qua.

Cách làm như vậy là không ổn

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT. Ảnh: Đức Anh.

Thời gian vừa qua, câu chuyện về “giải cứu thịt lợn” hay “giải cứu dưa hấu” đã khiến dư luận xã hội hết sức quan tâm. Tuy nhiên mới đây, tiếp tục một câu chuyện cũng liên quan đến “giải cứu” đó là đề xuất của TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT.

Vị này nêu quan điểm, nếu có “giải cứu dưa hấu” cho người nông dân là cần thiết thì quan trọng hơn cả là cần "giải cứu giáo viên". Tức là, mỗi học sinh tiểu học phải đóng góp 100.000 đồng/tháng, tạm gọi là vào Quỹ “Giải cứu Giáo viên tiểu học”, hay Quỹ Khuyến dạy để bổ sung cho thu nhập của các giáo viên.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đề xuất này cần phải xem xét lại.

“Từ nhiều năm nay, chúng ta đã đặt ra vấn đề phổ cập giáo dục và học sinh phải đóng tiền. Có người nói rằng, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS thì học sinh không phải đóng tiền vì nhà nước bao cấp.

Ta cần làm rõ vấn đề phổ cập và biện pháp phổ cập. Đóng tiền để giải cứu giáo viên dễ gây hiểu lầm và nhận thức không đúng. Giáo dục là dịch vụ, học sinh từ cấp mầm non trở đi thì đều phải đóng tiền, tức là thực hiện chủ trương xã hội hóa”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Dạ Thảo.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ lý giải: “Có thể ý của thầy Lê Trường Tùng là hiểu sự vất vả của giáo viên còn khó khăn, sợ họ không tận tâm nên muốn ‘giải cứu’ họ. Ta cần phân biệt rõ chủ trương phổ cập và biện pháp phổ cập. Đối với học sinh chúng ta còn lập cả quỹ học bổng".

Bên cạnh đó, vị nguyên Thứ trưởng cũng giải thích, đồng bào dân tộc thiểu số của nước ta là hộ nghèo chiếm tỉ lệ khoảng hơn 20%. Số này được miễn giảm học phí cho con em đi học. Còn lại hơn 70% học sinh không thuộc diện này thì đều có khả năng đóng học phí cho con.

“Việc nâng cao thu nhập và nâng cao đời sống giáo viên là nghĩa vụ của Nhà nước, của ngành giáo dục. Tuy nhiên, tiền đó không phải huy động từ nguồn như thầy Lê Trường Tùng đề xuất, mà chính nằm ở chỗ hơn 70% học sinh không phải hộ nghèo đóng góp cũng có thể dùng vào việc lập quỹ để hỗ trợ giáo viên. Còn việc ‘ép’ các em ai cũng phải đóng 100.000 đồng/tháng như vậy là chưa ổn”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết thêm.

Học sinh cơm chưa có ăn, lấy đâu tiền giải cứu?

Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Bùi Mạnh Cường – Giáo viên Trường THCS Suối Bau (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) cho biết: “Ý kiến đề xuất trên tôi cho là không phù hợp, dù mục đích của người đề xuất là tốt. Đối với phần lớn giáo viên ở vùng cao chúng tôi, đồng lương về cơ bản là đủ sống”.

Đời sống của nhiều em học sinh vùng cao còn rất khó khăn khi lớp học chỉ là nhà nứa lá. Ảnh: Đình Tuệ.

“Ở trên vùng cao mới thấu hiểu nỗi vất vả của các em học sinh cũng như bố mẹ các em khó khăn như thế nào. Bản thân chúng tôi những người thầy giáo cô giáo còn thường xuyên phải đến nhà vận động, tuyên truyền đồng bào cho các cháu được đi học. Nếu giờ huy động bố mẹ các cháu đóng 100.000 đồng/tháng để ‘giải cứu giáo viên’ thì liệu có xứng đáng?”, thầy Cường chia sẻ.

Vẫn theo thầy giáo cấp 2 này, có chăng cần lập quỹ hỗ trợ cho các trường còn khó khăn để chăm lo về công tác học tập, ăn ở cho học sinh sẽ tốt hơn.

“Đề xuất này thiếu khả thi, giáo viên chúng tôi tuy có nhiều người nhiều nơi cũng lương thấp, phải tằn tiện chi tiêu mới đủ sống. Tuy nhiên, đã xác định theo nghề thì chúng tôi luôn tận lực cố gắng vì các em học sinh. Nếu chỉ vì hỗ trợ thầy cô mà các em mỗi tháng phải đóng thêm 100.000 đồng thì thực sự, chúng tôi thấy không nên một chút nào.

Các em học sinh ở một trường tiểu học huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La trên đường đi học về. Ảnh: Đình Tuệ.

Học sinh nhiều điểm trường vùng cao còn phải đi học chỉ có 1 - 2 bộ quần áo đồng phục và mặc thay đổi trong mỗi ngày đến lớp. Một đôi dép mỏng và chân trần vào mùa đông còn không có tất để đi, có em đi học cũng không được ăn sáng… Cứ mỗi đầu năm học, nhà trường, hội cha mẹ học sinh đều nhận được rất nhiều những lá đơn xác nhận gia đình khó khăn,… cơm còn chưa có ăn, lấy đâu đóng tiền để ‘giải cứu cho giáo viên’ bây giờ?”, thầy Bùi Mạnh Cường tâm sự.

Ngoài ra, nhiều độc giả khác cũng nêu quan điểm cho rằng, với đề xuất đóng 100.000 đồng/tháng để “giải cứu giáo viên” đã vô tình hạ thấp giá trị của người thầy cô giáo.

“Chúng tôi rất cảm ơn ý tốt của TS Lê Trường Tùng. Tuy nhiên, bản thân chúng tôi không phải là một ‘món hàng’ mà cần phải giải cứu. Chúng tôi không cần sự thương hại. Có chăng, Nhà nước nên có chính sách tăng lương và phụ cấp hàng tháng thì sẽ hay hơn nhiều là bắt các em học sinh đóng tiền kiểu như thế này”, một giáo viên dạy tiểu học ở Hà Nội chia sẻ.

Đình Tuệ

Theo Đời sống & Pháp lý

Từ khóa: