Sự kiện hot
8 năm trước

Giải mã Monozukuri - “Đặc sản kinh doanh” của người Nhật

Monozukuri được xây dựng dựa trên đặc tính con người Nhật, kinh nghiệm kinh doanh cùng mức độ cấp thiết đòi hỏi tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp Nhật trong môi trường cạnh tranh khốc liệt

Monozukuri là một từ ghép tiếng Nhật, trong đó “mono” là sản phẩm và “zukuri” là quá trình tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, ý nghĩa của Monozukuri không chỉ đơn giản như vậy. Nó là khái niệm về hình thức sản xuất theo kỹ năng kiểu Nhật, đòi hỏi tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng với niềm tự hào và trân trọng.

Nghệ thuật sản xuất từ đất nước mặt trời mọc

Monozukuri được thể hiện qua 3 yếu tố. Một là, hệ thống sản xuất chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng. Mô hình thực hành 5S (Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng) hay kiểm soát chất lượng QCD là những tiêu chuẩn thường được áp dụng nhằm giúp doanh nghiệp (DN) tự động hóa sắp xếp dòng chảy sản xuất, nâng cao năng suất làm việc, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế sản phẩm lỗi, tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí đồng thời bảo đảm an toàn lao động cho công nhân viên.

Hai là, Monozukuri giúp xây dựng tinh thần sản xuất sáng tạo, liên tục phát triển tích cực. Để hiện thực hóa điều này, nhiều DN Nhật đã áp dụng triết lý kinh điển Kaizen - cải tiến không ngừng. Kaizen không phải là những đột phá lớn lao, nó là một quá trình thay đổi dần dần, từng bước chuyển biến, mang đến thành quả bền vững. Bởi vậy, mỗi cá nhân sẽ được khuyến khích hoàn thiện kỹ năng, nỗ lực vượt qua mọi giới hạn và tham gia đóng góp những ý tưởng hữu ích cho công ty. Từ đó, xây dựng một tập thể “cải tiến không ngừng” - một tập thể vận dụng Monozukuri thành công.

Yếu tố thứ ba cũng là yếu tố làm nên sự khác biệt của Monozukuri so với các triết lý của châu Âu hay Mỹ. Đó là đề cao kỹ năng làm việc của con người hơn những yếu tố khác. Trong một tập thể áp dụng Monozukuri, người lao động cần có tư duy sáng tạo cùng tay nghề khéo léo, không ngừng rèn luyện bản thân. Thậm chí, mỗi lao động phải là một nghệ nhân, chuyên tâm và thành thục tạo ra những sản phẩm tinh hoa nhất.

Monozukuri không phải chuỗi hành động lặp đi lặp lại một cách vô thức. Nó đòi hỏi phải có chuyên môn, tinh thần cẩn trọng, đam mê sáng tạo cùng niềm tự hào khi tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Điều này chỉ có được sau một quá trình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm lâu dài trong thực tiễn, hơn là thông qua những chương trình học hàn lâm truyền thống. Vì vậy, Monozukuri thực sự có tính chất nghệ thuật chứ không chỉ mang tính chất khoa học thuần túy.


Kaizen, 5S, QCD sẽ giúp tối ưu hóa nhân lực, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp

Câu chuyện Monozukuri của các “ông lớn” Nhật Bản

Monozukuri được xây dựng dựa trên đặc tính con người Nhật, kinh nghiệm kinh doanh cùng mức độ cấp thiết đòi hỏi tạo ra lợi thế cho các DN Nhật trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy, Monozukuri vừa dễ dàng vận dụng triệt để vừa là triết lý kinh doanh độc đáo của xứ sở hoa anh đào.

Một trong những đơn vị tiên phong áp dụng thành công Monozukuri là Toyota. Với tâm niệm phải tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, thúc đẩy tính sáng tạo và nỗ lực của con người, Toyota liên tục cải tiến quy trình sản xuất, thực hiện tuyên truyền mô hình quản lý chất lượng cũng như các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động. Bên cạnh Toyota, Nissan cũng nổi bật với cách vận dụng Monozukuri khác biệt. Nissan đưa ra quan điểm để có sản phẩm chất lượng cao với chi phí hợp lý cần đạt được 3 yếu tố: Kỹ năng, kiến thức và bí quyết sản xuất. Phát huy tối đa tiềm lực cá nhân của nhân viên; tối ưu hóa quy trình sản xuất; khuyến khích cải tiến chính là 3 mục tiêu mà Nissan hướng tới nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Một tên tuổi điển hình nữa rất thành công với triết lý Monozukuri là hãng xe máy nổi tiếng thế giới Yamaha. Không chỉ kế thừa những giá trị cơ bản, Yamaha đã vận dụng sáng tạo nhằm phù hợp với mục tiêu và phương châm kinh doanh của công ty. Với Yamaha, Monozukuri được cụ thể hóa vào 3 yếu tố “kỹ thuật” - “sản xuất” - “marketing”.

Ngay từ khi mới thành lập Yamaha Motor, Chủ tịch Genichi Kawakami luôn tâm niệm: “Nếu bạn đã bắt tay làm một việc gì đó, hãy làm tốt nhất có thể”. Vì vậy, công ty sớm áp dụng mô hình 5S, phong trào Kaizen nhằm kiểm soát chất lượng từng khâu, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt đồng thời không ngừng tạo ra những đột phá mới.

Yamaha Motor bắt đầu với mẫu YA-1 động cơ 1 xi-lanh 125 cc vào năm 1953. Ba năm sau, 2 mẫu xe mới được nâng cấp: động cơ 1 xi -lanh 175 cc (YC-1) và động cơ 2 xi-lanh 250 cc (YD-1). Đến những năm 1960, Yamaha tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật cho động cơ 350 cc 2 thì 2 xi-lanh. Tuy nhiên, từ nửa cuối thập niên 1960, các dòng xe 4 thì với công suất mạnh, phân khối lớn chiếm lĩnh thị trường. Thay đổi này thúc đẩy Yamaha sản xuất chiếc XS-1 vào năm 1970 - mẫu xe 4 thì đầu tiên của hãng nhưng được tích hợp động cơ SOHC tiên tiến nhất thế giới lúc bấy giờ. Năm 1985, Yamaha cho ra đời chiếc xe 5 van đầu tiên trên thế giới FZ750 với động cơ siêu mạnh mẽ, tốc độ cực cao như một mũi tên phi trên đường. Hiện tại, động cơ của Yamaha đa dạng từ 50 cc đến 1.900 cc; từ 1 xi-lanh sang 4 xi-lanh. Chủng loại sản phẩm phong phú từ mẫu xe gia đình đến xe thể thao. Thậm chí, hãng còn mở rộng chế tạo xe đạp điện, du thuyền, xe trượt tuyết, trực thăng hay động cơ ô tô. Đó là những minh chứng lịch sử cho tinh thần liên tục sáng tạo và phát triển của Yamaha Motor.

Yamaha đặc biệt thành công trong việc “khơi dậy đam mê” làm việc, sẵn sàng cống hiến và chinh phục khó khăn cho tập thể công ty. Các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng, giới thiệu quy chế liên tục được triển khai; kiểm soát chặt chẽ hoạt động thực hiện 5S; khuyến khích cải tiến thông qua các cuộc thi tay nghề, sáng tạo ý tưởng cho người lao động. Rất nhiều đóng góp hữu ích được vinh danh và trở thành “kim chỉ nam” phát triển của Yamaha.

Điểm đổi mới khác biệt của hãng khi áp dụng Monozukuri là hướng tới sử dụng triết lý này nuôi dưỡng cho thế hệ tương lai. Ý thức con người là mắt xích quan trọng nhất trong tư tưởng Monozukuri, công ty đã tổ chức hơn 50 buổi học lắp ráp động cơ, chế tạo thuyền cho trẻ em mỗi năm tại Bảo tàng Yamaha với hy vọng tạo ra lớp kế cận hoàn hảo về kỹ năng, hứng khởi trong công việc và không ngừng sáng tạo

Với Yamaha, khái niệm Monozukuri là không chỉ dừng lại ở việc cải thiện bộ máy sản xuất và con người trong DN mà còn đề cao tạo ra những giá trị vượt trên sự mong đợi của khách hàng. Bảo đảm chất lượng sản phẩm, trang bị nhiều tiện ích hiện đại nhưng phân phối ở mức giá hợp lý nhất chính là phương hướng kinh doanh của công ty. Không chỉ vậy, Yamaha còn gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng thông qua những dịch vụ bán vượt trội như: tiên phong bảo hành đến 3 năm, cam kết thời gian bảo dưỡng chuẩn, đồng giá phụ tùng thay thế để khuyến khích khách hàng sử dụng đồ chính hãng hay mô hình “bệnh viện xe” Fishop duy nhất tại Yamaha giúp kiểm tra và tư vấn cải thiện tình trạng xe.

Theo Người Lao Động

Từ khóa: