Sự kiện hot
11 năm trước

Giải mã quan niệm uống huyết động vật tăng cường sinh lý của bạo chúa hoang dâm nhất lịch sử Trung Quốc

Theo sử sách y thuật Trung Hoa thì huyết tươi động vật là một trong những bài thuốc tăng cường khả năng phòng the được các Hoàng đế xưa cực kỳ ưa chuộng.

Theo sử sách y thuật Trung Hoa thì huyết tươi động vật là một trong những bài thuốc tăng cường khả năng phòng the được các Hoàng đế xưa cực kỳ ưa chuộng.

Dựa trên các tài liệu đó, ngày nay, nhiều người vẫn tin rằng uống máu của hươu, nai, rắn, chim sẻ… sẽ giúp ích lớn cho việc cải thiện đời sống tình dục. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của y học hiện đại thì quan niệm này hoàn toàn không có cơ sở.


Nhiều người cho rằng máu hươu là quý nhất trong các loài động vật. Tuy nhiên các bác sĩ cho biết huyết tươi của loài vật nào cũng có chứa vi khuẩn.

Săn thú để uống máu tươi

Những ai yêu thích các bộ phim dã sử Trung Quốc chắc hẳn đều không ít lần thắc mắc tại sao các hoàng đế lại ưa thích săn bắn như vậy.  Hầu như bộ phim nào lấy đề tài về triều đình phong kiến cũng có cảnh vua cùng đám cận thần đeo súng, cung nỏ, phi ngựa vào rừng săn bắn thỏ, hươu, nai… Thật ra, ngoài vai trò là một thú vui tiêu khiển và góp phần gắn bó tình cảm quân thần, săn bắn còn được xem là một phương pháp để hoàng đế tăng cường bản lĩnh phòng the. Những con thú sau khi bị bắt sẽ được cắt tiết ngay tại trận. Các cận thần lấy một chén rượu và hứng những giọt máu từ gạc thú để dâng vua uống trực tiếp. Các ngự y xưa thường khuyên vua uống huyết động vật bởi cho rằng đây là phương pháp cung cấp máu trực tiếp cho cơ thể, đồng thời tận dụng được những khả năng của chúng như sự nhay nhẹn, dẻo dai, khoẻ mạnh… cho chuyện phòng the.

Tương truyền, Lưu Hạ - vị hoàng đế được mệnh danh là “hoang dâm kỷ lục” trong lịch sử Trung Hoa thường sử dụng cách đi săn để bồi bổ cơ thể. Lưu Hạ là vị Hoàng đế thứ 9 của triều Tây Hán (triều đại kéo dài từ năm 206 trước Công Nguyên đến năm 25 Công Nguyên), đồng thời cũng là ông vua có thời gian tại vị ngắn ngủi nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tổng cộng, thời gian ngồi trên ngai vàng của Lưu Hạ chỉ vỏn vẹn có 27 ngày. Lưu Hạ là cháu của Hán Vũ Đế Lưu Triệt, một ông vua được coi là có hùng tài đại lược, nổi tiếng là anh minh của triều đại Tây Hán. Tuy nhiên, những câu chuyện về sự hoang dâm vô độ của Lưu Hạ lại như một bức tranh đối nghịch và mỉa mai đối với bảng thành tích chói lọi gắn liền với người ông hiền minh của mình. Từ trước khi lên ngôi, vị hoàng đế này đã thường tổ chức các cuộc săn bắn để lấy máu thú rừng, chủ yếu là hươu phục vụ cho sở thích hoang dâm cùng gái đẹp. Suốt 27 ngày trị vì đất nước, Lưu Hạ cũng chẳng bao giờ cùng các đại thần bàn luận việc triều chính mà đem toàn bộ thuộc hạ phục vụ việc săn bắn, ăn chơi.  Sách Hán Thư có đoạn chép: “Lưu Hạ chỉ giữ ngọc tỉ 27 ngày nhưng đã làm tổng cộng 1127 chuyện hoang dâm tày đình, bình quân mỗi ngày làm 4 việc bừa bãi”. Nhiều người tin rằng chính nhờ sở thích săn bắn và uống máu thú rừng mà Lưu Hạ mới luôn giữ được bản lĩnh trong các cuộc ăn chơi trác táng như vậy.


Ít ai biết rằng sở thích săn bắn của các Hoàng đế xưa còn xuất phát từ mục đích tăng cường bản lĩnh phòng the.

Hiện nay, người dân Trung Quốc vẫn tin rằng máu hươu có tác dụng tăng cường sức sống, bổ thận, tráng dương. Vì thế, nó trở thành món ăn được nhiều người săn lùng. Ông Dương, một chủ trang trại hươu ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô cho biết, máu hươu là mặt hàng được rất nhiều người ưa chuộng. Vào những dịp như Lễ Quốc khánh (1/10), trang trại của ông thường đón một lượng khách lớn từ các thành phố đổ về. Đàn ông cũng như đàn bà, từ già tới trẻ, đều xếp hàng trước trang trại nhà ông từ sáng sớm, với hy vọng có thể được uống giọt máu tươi đầu tiên của hươu. Thường thì ông Dương dẫn những khách hàng của mình vào một nhà kho với 5 đến 6 con hươu, nơi ông sẽ bắn hạ một con bằng chiếc bơm tiêm có chứa thuốc gây mê. Ngay sau khi chú hươu tội nghiệp bị hạ, các khách hàng của ông Dương sẽ không hề do dự khi nuốt những giọt máu còn đỏ tươi của nó. Đối với họ, máu hươu mang lại lợi ích rất lớn cho đời sống tình dục. Nhiều người còn khẳng định máu hươu là thứ quý giá nhất trong các máu động vật.

Huyết động vật có thể gây ngộ độc

Ở Việt Nam, ngoài hươu thì từ những lời đồn về rượu pha huyết rắn giúp “một người uống, hai người vui”, nhiều người còn “phát minh” ra đủ loại rượu huyết từ ba ba, chim sẻ, dê… Thậm chí, huyết ngựa, mèo cũng được đem lên bàn nhậu. Công dụng đến đâu chưa rõ, nhưng đã có không ít trường hợp ngộ độc, nhiễm bệnh, thậm chí tử vong vì các loại rượu pha huyết này. Nhiều nhà hàng lớn đều có dịch vụ rượu pha huyết. Huyết của những loài động vật lớn như dê, hươu, ngựa, mèo… được trữ sẵn trong tủ lạnh, khách có nhu cầu mới đem ra pha vào rượu trắng. Riêng huyết các loài như rắn, chim sẻ, ba ba… được cắt tiết ngay tại bàn cho… nóng. Nhiều quý ông tin rằng, uống rượu huyết ngựa sẽ có sức lực như... ngựa trong chuyện gối chăn; uống rượu huyết dơi và chim sẻ sẽ có sự bền bỉ của các loài vật này. “Khoa học” hơn, có người lý giải, muốn tăng thời gian lâm trận cần phải tăng cường bơm máu đến dương vật, uống rượu pha thêm huyết chính là tăng cường bơm máu...

Tuy nhiên, theo giải thích của các bác sĩ, thì một số loài động vật như rắn sẽ có một thời kỳ mang hàm lượng độc tố cao trong máu. Chính vì vậy, người uống huyết động vật cũng vô tình đưa độc tố vào cơ thể mình. Những người bị viêm lợi, viêm hầu họng, xuất huyết đường tiêu hóa… độc tố dễ ngấm vào máu hơn. Nếu hàm lượng chất độc nhỏ sẽ gây kích thích tim, hoại tử các vết thương, các điểm bị viêm nhiễm, dẫn đến nhiễm trùng kỵ khí; hàm lượng chất độc lớn có thể gây tử vong. Ngoài ra, trong máu động vật còn có nhiều loại vi khuẩn ký sinh như tụ cầu khuẩn vàng (Staphylococcus Aureus), vi khuẩn salmonella, vi khuẩn shigella và các loại vi-rút gây bệnh mà các loại rượu có nồng độ cồn từ 29 - 400, nhất là khi đã ngâm hoặc pha huyết rắn, không thể diệt được độc tố, vi khuẩn có trong các loại máu. “Về phương diện y học thì chưa có cơ sở nào cho thấy máu động vật có tác dụng trong việc tăng cường sinh lý con người. Thực tế, trong máu tươi một số loài có chứa vi khuẩn gây bệnh rất nguy hiểm. Chính vì vậy, người dân không nên nghe theo những quan niệm được thổi phồng mà làm hại chính sức khoẻ của mình”, bác sĩ Nguyễn Công Doanh, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Theo ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học BV Bình Dân, thì việc uống rượu pha huyết động vật của các ông với mục đích bổ máu, tăng cường bơm máu đến dương vật để dương vật “hoành tráng” và kéo dài thời gian xuất tinh là một quan niệm sai lầm. Khi phân tích một đơn vị máu của bất cứ loài nào thì cũng chỉ có: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và những kháng thể chứ không có một chất nào có thể điều trị rối loạn cương. Chưa kể, việc lạm dụng rượu (dù bất cứ rượu gì) còn làm giảm lượng tinh trùng có trong tinh dịch, giết chết tinh trùng và làm dị tật tinh trùng. Lương y Nguyễn Đăng Thành, học trò của cụ Nguyễn Thiên Tích – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam (Nhà thuốc Đông y Lang Tòng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) thì cho rằng, trong y học cổ truyền, thức ăn và con người đều được chia thành hai loại: “nóng” và “lạnh”. Để có sức khỏe và cơ thể tốt, con người cần phải cân bằng được hai phần này. Máu hươu có tính nhiệt, vì thế sẽ không tốt cho những người có cơ địa nóng. “Uống huyết tươi một số loài động vật như hươu, dê, rắn… có thể có tác dụng tức thì trong việc tăng cường sinh lý. Tuy nhiên, tác dụng cũng không là bao và không hề có hiệu quả lâu dài. Trong Đông y, các sử liệu ghi lại cũng không có bài thuốc nào sử dụng vị huyết động vật cả. Việc nhiều người tin tưởng tác dụng bổ thận, tráng dương của máu động vật có lẽ là do tin vào tin đồn trong dân gian, không hề có cơ sở khoa học”, lương y cho biết.     

Uống máu bò tăng cường sinh lực

Ở phía Tây Nam của đất nước Ethiopia, bên bờ Tây sông Omo, tồn tại một bộ tộc có sở thích kinh hoàng: uống máu bò tươi. Bộ tộc này có tên là Surma hoặc còn gọi là Suri. Họ sống theo lối du mục, dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Truyền thống uống máu tươi, lấy trực tiếp từ cơ thể bò đã có từ lâu đời và đến bây giờ vẫn được duy trì. Uống máu bò không những mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mà nó còn là sở thích, cách tăng cường sinh lực, sức mạnh cho các chiến binh, tăng cường bản lĩnh phòng the cho những người đàn ông trong bộ tộc. Với người Surma, con bò mang ý nghĩa tâm linh quan trọng. Vậy nên, nếu không phải là dịp đặc biệt, chẳng hạn như lễ hiến tế, họ không bao giờ giết bò. Mục đích chính của việc nuôi bò không phải lấy thịt hay lấy sữa, mà để lấy máu.

Y Nhung
theo GĐ&XH

Từ khóa: