Sự kiện hot
10 năm trước

Giải quyết nhập nhằng trong tính giá điện: Ai dám mạo hiểm vì mấy số điện?

Tháng đầu tiên thu tiền điện theo cách tính mới, không chỉ Hà Nội mà nhiều nơi khắp cả nước rộ lên tình trạng tiền điện tăng vọt bất thường. Có địa phương do nhân viên đọc sai số công-tơ, có nơi áp dụng cách tính sai, có nơi lại cho rằng… do thời tiết. Ngành điện kêu gọi người dân “tham gia giám sát” nhưng nhiều người lo ngại: Ai dám mạo hiểm vì… mấy số điện?


Với việc công-tơ điện treo cao thế này, ai dám mạo hiểm để giám sát? Ảnh: H.Phương

Nhiều nơi hứa sửa sai


Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) mới đây cho biết sẽ tăng cường kiểm tra việc ghi chỉ số điện ở một số điểm bất thường và kiểm tra hóa đơn của toàn bộ khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng cao hơn 130% so với tháng trước. EVN Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị khi có ý kiến của khách hàng về việc hóa đơn tiền điện gia tăng thì Công ty Điện lực phải chủ động xác minh và Giám đốc công ty điện lực tại khu vực đó phải trực tiếp giải quyết và trả lời khách hàng trong thời gian sớm nhất. Những trường hợp sai sót chỉ số công-tơ, sai trong việc tính hóa đơn tiền điện dẫn tới hóa đơn của khách hàng không đúng với thực tế phải được xử lý nghiêm và công khai.


Ngoài ra, các đơn vị phải thông báo thời gian ghi chỉ số công-tơ đến tổ dân phố và mời đại diện tổ dân phố cùng tham gia chứng kiến việc ghi chỉ số công-tơ điện.


Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội Nguyễn Quang Trung, để minh bạch hóa việc ghi và chốt chỉ số công-tơ của khách hàng, ngành điện đã tăng cường các biện pháp quản lý ghi chỉ số công tơ và tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng giám sát việc ghi chỉ số công-tơ.


EVN Hà Nội cho biết thêm, hiện nay đơn vị đang có kế hoạch dần từng bước thay bằng công-tơ điện tử và đang thí điểm 3.500 khách hàng lớn lắp công tơ điện tử; Tiếp tục mở rộng hình thức gửi thông báo qua email; Thực hiện nhắn tin thông báo sản lượng điện tiêu thụ và tiền điện trong tháng để khách hàng biết và kiểm tra (từ kỳ hóa đơn tháng 7/2014, Tổng công ty sẽ thực hiện nhắn tin thông báo tiền điện cho khách hàng các thông tin: chỉ số cuối kỳ, sản lượng điện tiêu thụ, tiền điện phải thanh toán để khách hàng có đầy đủ thông tin về ghi chỉ số công tơ).


Tương tự Hà Nội, Điện lực Nghệ An gây ra sai sót bằng cách tính giá điện không chính xác của rất nhiều hộ dân xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Có những hộ dân bị tính sai đến 1,4 triệu đồng. Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Điện lực Nghệ An đã về từng hộ gia đình xin lỗi và đền bù lại số tiền tính sai. Tuy nhiên, chỉ những hộ biết cách tính, thấy hóa đơn giá điện mình “có vấn đề” thì mới được giải quyết. Thực tế Điện lực Nghệ An vẫn chưa đưa ra một cuộc rà soát toàn diện trên toàn địa bàn. Ông Hồ Xuân Hòa ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, không bằng lòng với cách làm này của bên bán điện: “Chỉ những ai phản ánh mới giải quyết, vậy những người không biết cách tính hoặc không để ý thì sao đây?”.

 

Khó cho dân


Sau thông tin về việc cán bộ ghi sai chỉ số công-tơ điện tại Sóc Sơn (Hà Nội), và cách tính điện không theo một công thức nào ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) và một số địa phương ở miền Trung và miền Nam, người dân bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu có nên tin tưởng vào số điện mà nhân viên điện lực ghi và tính tiền hàng tháng cho mình hay không?


Bộ Công Thương mới đây kêu gọi người dân theo dõi dám sát công tơ điện nhưng thực tế ở cả đô thị lẫn nông thôn, công-tơ điện được treo cao trên cột điện, sát ngay đường dây. “Vì mấy số điện, bắc thang trèo lên để theo dõi công tơ có khi mất mạng. Ai dám làm điều đó?”, ông Nguyễn Văn Toàn ở Quỳnh Lưu bức xúc. Quả thật, với những công-tơ điện được treo sát đường dây như vậy, chỉ đến tháng, EVN cử người đi chốt số rồi về nhập dữ liệu để tính tiền. Toàn bộ quá trình này không hề có sự tham gia chứng kiến của người mua hàng. Đa số người dùng chỉ đến khi nhận hóa đơn mới biết mình dùng bao nhiêu số điện, mất bao nhiêu tiền. Chẳng ai “liều mình” trèo lên cột cả.


Một trong những điều làm khó người dân trong việc quản lý giá điện nữa là cách tính mới của EVN không phải ai cũng biết. Anh Nguyễn Văn Tuấn (Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi nhìn hóa đơn, thấy có 4 hay 5 mức tính gì đó, tôi cũng không biết cách tính như thế nào. Khi có người đến thu tiền điện tôi chỉ nhìn bao nhiêu tiền thì trả bấy nhiêu. Có lẽ, không chỉ mình tôi mà khá nhiều hộ cũng không nắm được cách tính của bên bán điện”.


Trước đây, công-tơ điện được đặt riêng tại mỗi gia đình. Tuy nhiên, sau đó, bên bán điện nghi ngờ sự trung thực của người mua điện nên công-tơ đã được chuyển lên cột điện. Đến bây giờ, khi công tơ đã được treo lơ lửng trên cột cao, không thể biết số điện cụ thể thế nào, người mua điện cũng chỉ còn một cách là phụ thuộc hoàn toàn vào người bán. Bộ Công Thương có kêu gọi giám sát e cũng là khó cho người dân. Cùng với việc lằng nhằng cách tính giá điện mới và chuẩn bị có hóa đơn điện tháng 7 thì sự hoài nghi là tâm trạng khó tránh khỏi của người dân.

Hà Phương
theo GĐ&XH

Từ khóa: