Sự kiện hot
6 năm trước

Gian lận thi cử ở Hà Giang: Cần làm rõ đường dây sửa bài thi, mua điểm

Theo ý kiến của các luật sư, vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang là cực kỳ nghiêm trọng. Cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không việc phạm tội có tổ chức, đường dây sửa bài thi, mua điểm... khiến kết quả thi của tỉnh Hà Giang cao bất thường?

Hà Giang có điểm thi bất thường là do khâu chấm thi có sai phạm.

Gần 1h sáng 17.7 tại Hà Giang, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - đã chính thức trả lời báo chí về những điểm bất thường trong điểm thi THPT quốc gia của Hà Giang.

Qua đấu tranh xác minh ban đầu, đã xác định được đối tượng gây ra sai phạm này. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xác minh các chứng cứ để khi nào có kết quả sẽ xử lý đúng theo các quy định hiện hành của quy chế và pháp luật.

Trước diễn biến mới này, thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đã đưa ra những phân tích về vụ việc dưới góc độ pháp lý.

Nhiều dấu hiệu phạm tội nghiêm trọng

Vụ điểm thi bất thường ở Hà Giang trong kỳ thi THPT 2018 cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có thẩm quyền để làm rõ việc có hay không đường dây mua điểm, sửa bài thi của thí sinh có tổ chức, gây nên sự bức xúc trong dư luận, sự không công bằng với hàng triệu thí sinh trên cả nước.

Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25.1.2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.

Đặc biệt, các cán bộ có thể bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có các hành vi sai phạm sau đây: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; Làm lộ số phách bài thi; Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh…

Sau khi rà soát kết quả thi của các học sinh ở cụm thi Hà Giang, cơ quan chức năng đã xác định có sai phạm trong khâu chấm thi. Do đó, sai phạm này sẽ căn cứ vào Quy chế thi THPT quốc gia 2018 và các quy định của pháp luật để xử lý” - luật sư Cường khẳng định.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích về vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang.

Cụ thể, trường hợp có dấu hiệu làm giả bài thi, tài liệu liên quan đến kỳ thi để thay đổi kết quả bài thi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017.

Trường hợp phát hiện cán bộ liên quan đến kỳ thi có chức vụ mà có những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ; vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì có thể bị xử lý hình sự về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Có hay không đường dây mua điểm?

Cũng theo phân tích của luật sư Cường, hiện cơ quan chức năng đã xác nhận có đối tượng sai phạm trong quá trình chấm thi, thì cần làm rõ động cơ sai phạm là gì, phạm tội một mình hay có tổ chức?

Bởi với quy trình chấm bài trắc nghiệm chặt chẽ, với sự giám sát của rất nhiều bên như năm nay, một cá nhân rất khó để “làm nên chuyện”.

“Trường hợp phát hiện có hiện tượng đưa nhận hối lộ để mua điểm, mua chuộc các cán bộ liên quan đến kỳ thi sửa chữa đáp án trong bài thi của thí sinh, thì những cá nhân liên quan có thể bị xử lý hình sự về tội Nhận hối lộ (Điều 354 BLHS) và tội Đưa hối lộ (Điều 364 BLHS), với khung hình phạt cao nhất cho người nhận hối lộ là 15 năm tù giam” - luật sư Cường chia sẻ.

Ngoài ra, trường hợp phát hiện kết quả thi của những thí sinh có điểm cao bất thường vì nhờ sự can thiệp, sửa chữa vào bài thi, kết quả thi của thí sinh này sẽ bị hủy bỏ.

Bởi theo quy chế thi THPT 2018, việc huỷ bỏ kết quả thi đối thí sinh có thể áp dụng trong trường hợp thí sinh để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp…

Luật sư đánh giá, đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến một vài thí sinh, mà hàng triệu thí sinh trên cả nước. Với một kỳ thi cấp quốc gia, sự công bằng là đòi hỏi chính đáng của thí sinh và phụ huynh. Vì vậy, với vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang, cơ quan chức năng phải làm đến cùng, không nể nang, bao che sai phạm.

ĐẶNG CHUNG - HUYÊN NGUYÊN
Theo Lao động

Từ khóa: