Sự kiện hot
7 năm trước

Grab nói gì khi dịch vụ đi chung xe bị 'tuýt còi'?

Theo đại diện Grab Việt Nam, Grabshare là một tính năng mới của Grabcar và hoàn toàn nằm trong phạm vi của đề án thí điểm xe hợp đồng điện từ Grabcar.

Ảnh minh họa.

“Tuýt còi” dịch vụ chia sẻ của Grab, Uber

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam không triển khai dịch vụ Grabshare và UberPOOL đối với xe hợp đồng.

Phía Bộ Giao thông vận tải cho rằng, với mỗi chuyến xe hợp đồng, hành khách hoặc nhóm hành khách đã ký giao kết trọn gói cả chuyến xe, không phải thuê chỗ ngồi do đó việc đơn vị vận tải có thêm hợp đồng với nhiều người khác sẽ gây bất tiện cho hành khách.

Việc Grabshare và UberPOOL có thêm hợp đồng với nhiều khách hàng theo Bộ Giao Thông vận tải là không đúng quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Grab và Uber Việt Nam không thực hiện dịch vụ Grabshare và UberPOOL đối với xe hợp đồng.

Trước đó, từ ngày 9/5/2017, Công ty TNHH Grab Taxi đang triển khai dịch vụ đi chung xe (GrabShare) kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe tại TP.HCM. Không lâu sau đó, ngày 8/6, Grabshare có mặt tại Hà Nội. Giải pháp tương tự cũng được Uber lên kế hoạch triển khai với tên gọi UberPOOL.

Đến thời điểm hiện tại, dịch vụ Grabshare vẫn được triển khai, mức giá cho mỗi chuyến đi Grabshare so với Grabcar thường thấp hơn khoảng 30%.

Trao đổi với BizLIVE, đại diện Grab Việt Nam cho biết, Grabshare là một tính năng mới của Grabcar và hoàn toàn trong phạm vi của đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử Grabcar. Hiện Grab vẫn đang làm việc với Bộ Giao thông vận tải dể hoàn thiện phương thức thể hiện của hợp đồng vận tải cho phù hợp hơn với các quy định hiện hành.

Cũng theo bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam, công ty đã tham vấn với nhiều bộ, ngành để thống nhất về phương thức giao kết hợp đồng vận tải điện tử cho phù hợp với các quy định.

“Grab hiểu rằng sự có mặt và phát triển của công nghệ đã tạo ra những sự thay đổi lớn trong ngành vận tải và đôi khi gây ra sự bối rối trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên không phải vì vậy mà chúng ta hoàn toàn loại bỏ hay kết luận điều đó là trái pháp luật”, bà An nói.

Người dùng đang được lợi?

Theo anh Nguyễn Quang Huy (Hà Đông, Hà Nội), tài xế của Grab cho biết, thời gian đầu dịch vụ này được triển khai tại Hà Nội, bản thân anh còn khá “bối rối” và chưa có kinh nghiệm, anh từng nhận những chuyến Grabshare mà hành khách lên xe với 2 người lớn thay vì chỉ 1 người như quy định và điều này không đúng quy định của Grabshare.

Cùng thời gian đặt xe, điểm đi, điểm đến giá của Grabshare là 66.000 đồng trong khi giá của Grabcar là 94.000 đồng

“Rút kinh nghiệm từ 1 vài lần nhận khách dùng dịch vụ Grabshare đặc biệt khách hàng trung niên, chưa đọc các điều kiện áp dụng Grabshare, khi nhận chuyến, tôi sẽ gọi hỏi khách hàng về việc có bao nhiêu hành khách sẽ đi chuyến đi này để có thể tránh gây phiền hà cho 1 vị khách tiếp sau đó đi cùng chặng”, anh Huy nói.

Về phía hành khách, chị Hoàng Lan (Cầu Giấy, Hà Nội), người thường xuyên di chuyển bằng Grab, Uber cho biết, khi Grabshare có mặt ở Hà Nội, chị lo lắng việc chia sẻ có thể tiết kiệm 1 phần tài chính nhưng có thể bất tiện vì hành khách đi cùng có thể chờ đợi trong quá trình đón, trả. Tuy nhiên, sau khi dùng dịch vụ này một thời gian chị đã thấy khoản tiền để ra tương đối nhiều ở mỗi chuyến đi chung.

“Thời gian đầu, người dùng chưa quen với ứng dụng này do vậy việc đón khách của tài xế cũng khiến mình phải chờ đợi, tuy nhiện sau thời gian, khách sử dụng dịch vụ này đã biết cách sử dụng hơn và không còn tình trạng nhiều khách hàng cùng lên 1 chiếc xe dù đặt xe dịch vụ Grabshare. Quan trọng hơn, với mỗi chuyến đi tiết kiệm 30% nên tôi nghĩ rằng điều này có lợi cho mình và tôi vẫn sử dụng”, chị Lan nói.

Cũng theo chị Lan, nếu cấm dịch vụ chia sẻ này, cơ quan quản lý nên đưa ra những lý do thuyết phục hơn liên quan đến việc quản lý, thu thuế của các đơn vị cung cấp dịch vụ vì phía người tiêu dùng đang được lợi từ dịch vụ này.

Nguyễn Thảo
Theo BizLIVE

Từ khóa: