Sự kiện hot
10 năm trước

Hà Nội: CPI tháng 7 tăng 0,18%

Chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 7/2014 trên địa bàn Hà Nội đã tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 6,39% so với cùng tháng năm trước. Tính từ đầu năm, CPI đã tăng 1,34%.


Ảnh minh hoạ: Internet

Chiều ngày 21/7, Cục Thống kê Hà Nội cho biết, trong tháng 7, có tới 10/11 nhóm hàng chủ yếu tăng giá, còn lại nhóm bưu chính viễn thông giá không đổi so với tháng trước.

Tăng mạnh nhất trong tháng là nhóm đồ uống và thuốc lá với mức tăng 0,55% so với tháng trước. Thời tiết mùa hè nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng các loại nước giải khát như bia hơi tăng đột biến khiến giá mặt hàng này tăng mạnh so với tháng trước.

Mức tăng thứ hai thuộc về nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt ở mức 0,53% so với tháng trước. Nguyên do là thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ điện, nước của người dân tăng đột biến qua đó khiến chi phí cho các mặt hàng này cũng tăng mạnh. Ngoài ra, giá gas bán lẻ của các hãng tăng liên tục trong thời gian qua cũng góp phần khiến chỉ số giá của nhóm hàng này tăng đáng kể so với tháng trước.

Mặt khác, trong tháng, nhóm giao thông tăng với mức 0,51% do do giá xăng dầu điều chỉnh tăng 2 lần vào cuối tháng Sáu và đầu tháng Bảy, giá xăng tăng đã làm chi phí vận tải tăng, ngoài ra, việc siết chặt xe trở quá tải khiến các chủ xe đẩy giá vận chuyển vật liệu lên cao và đã kéo theo một số mặt hàng tăng theo do chi phí vận chuyển tăng.

Bên cạnh đó, do lượng người tăng đột biến vào kỳ thi đại học, cao đẳng nên nhu cầu chỗ ở và ăn uống tăng, giá phòng cho thuê và một số dịch vụ khác cũng tăng trong thời điểm này.

Với hai mặt hàng không được tính vào chỉ số CPI là vàng và đô la Mỹ có diễn biến cùng chiều khi tăng tương ứng ở các mức 1,97% và 0,56% so với tháng trước.

Cũng theo Cục Thống kê Hà Nội, nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 7 đạt 2.612 tỷ đồng, tăng 15,9% so tháng trước và tăng 5,8% cùng kỳ năm trước. Ước tính 7 tháng đạt 12.691 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ và bằng 54,2% kế hoạch năm.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ ước tính đạt 154.833 tỷ đồng, tăng 2,7% so tháng trước, trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 36.287 tỷ đồng, tăng 2,9% so tháng trước.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 938 triệu USD, tăng 1,4% so tháng trước và giảm 5% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 2.067 triệu USD, giảm 2,6% so tháng trước và tăng 16,3% so cùng kỳ.

Tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán đều có xu hướng tăng. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính đạt gần 1.140 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so tháng trước và tăng 8,9% so tháng 12/2013; trong đó, tiền gửi tăng 3,1% và 7,6% (tiền gửi tiết kiệm tăng 0,7% và 2,2%, tiền gửi thanh toán tăng 4,9% và 11,6%), phát hành giấy tờ có giá giảm 5,5% và tăng 48,2%.

Tổng dư nợ cho vay ước tính gần 927 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn giảm 1,3% và giảm 8,3%, dư nợ trung và dài hạn tăng 4,1% và 12,1%.

Đến ngày 15/7, kết thúc phiên giao dịch, số lượng chứng khoán niêm yết được phép giao dịch trên hai sàn giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý đạt 510 mã chứng khoán, với giá trị niêm yết đạt 110.111 tỷ đồng tăng 2% so với đầu năm. Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 154.588 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm.

Thảo Nguyên
theo Thanh tra

Từ khóa: