Sự kiện hot
13 năm trước

Hà Nội: Lại tiếp tục phân làn

Trước đây, thành phố đã từng nhiều lần thí điểm phân làn đường nhưng đều không thành công.

Trước đây, thành phố đã từng nhiều lần thí điểm phân làn đường nhưng đều không thành công.

Ngày 30/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã thông báo chủ trương, ngay trong tháng 9, Hà Nội sẽ phân làn 5 tuyến phố, tiến tới thực hiện tại 12 tuyến. Trước đây, thành phố đã từng nhiều lần thí điểm phân làn đường nhưng đều không thành công.

"Ôn lại" thất bại

Kim Mã là 1 trong 5 tuyến phố được lựa chọn phân làn đợt này. Ảnh: Chí Cường

Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thành phố đã 3 lần tổ chức phân làn giao thông theo phương tiện nhưng "chưa thành công lắm". Các tuyến đường phố đã được phân làn gồm, tuyến Kim Mã (năm 2003), tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt (năm 2006) và tuyến Giải Phóng (năm 2009). Lý giải việc phân làn các tuyến đường trên "chưa thành công", ông Tân cho rằng, do phương tiện trên các tuyến đường lớn, phức tạp nên việc lưu thông theo làn của các dòng phương tiện (đặc biệt là trong giờ cao điểm) khó thực hiện; hơn nữa cũng do lực lượng kiểm tra hướng dẫn, cưỡng chế và tuyên truyền không đủ để thực hiện thường xuyên...

Là lãnh đạo đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ tại các tuyến đường được phân làn, Chánh Thanh tra Sở GTVT Thạch Như Sỹ cho rằng, lý do quan trọng nhất của thất bại trong các lần phân làn trước đó là do ý thức tham gia giao thông của người dân rất kém. Ông Sỹ nói: "Khi có đủ lực lượng kiểm tra và xử phạt thì đạt hiệu quả tương đối tốt, nhưng chỉ cần vắng bóng các lực lượng lại tái diễn các vi phạm".

Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc công an TP Hà Nội cho rằng việc tổ chức phân làn là không mới. Năm 2009 liên ngành của thành phố cũng đã bàn và dự định phân làn 20 tuyến phô, sau đó rút lại là 12 tuyến như đề xuất hôm nay. Đại tá Trần Thùy đề nghị nên làm điểm tại một số tuyến trước khi triển khai rộng hơn. Phó Giám đốc công an thành phố cũng thẳng thắn đưa ra câu chuyện "nhạy cảm", đó là việc cán bộ, công chức Thủ đô vi phạm giao thông. Ông Thùy thông tin: "Trong đợt ra quân xử lý vi phạm dừng đỗ mà công an thành phố đang tiến hành, có nhiều cán bộ công chức vi phạm lại còn sẵn sàng "cà khịa" lại lực lượng chức năng". Đồng cảm với ông Thùy, ông Nguyễn Xuân Tân minh họa: "Có một biện pháp mà người vi phạm hay sử dụng là gọi điện thoại cầu cứu người thân".

Đường sẽ được... chia 2

Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi tại buổi làm việc. Theo đó các tuyến đường được phân làn sẽ có 2 làn đường gồm: làn xe ô tô, làn xe máy và xe thô sơ. Ông Khôi chỉ đích danh lực lượng chủ trì thực hiện phân làn là công an thành phố, lực lượng phối hợp là Sở GTVT và chính quyền các quận. "Phòng cảnh sát giao thông ra thông báo các tuyến đường đã thống nhất phân làn kèm theo là các quy định và chế tài xử phạt, mức độ hành vi", ông Khôi yêu cầu.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc hạn chế số tuyến phân làn, ông Khôi chỉ đạo, trước mắt sẽ thực hiện phân làn tại 5 tuyến đường, trong đó khôi phục lại 3 tuyến đã phân làn trước đó và 2 tuyến mới (3 tuyến khôi phục lại là Kim Mã, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng và 2 tuyến mới là Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài).

Để việc phân làn sớm được triển khai thực hiện và đạt hiệu quả, ông Khôi cho rằng cần sớm tổ chức chọn tuyến phân làn phương tiện, bố trí sắp xếp điểm đỗ cho các phương tiện trên hè và xử lý đỗ xe không đúng nơi quy định. Bên cạnh đó là hoàn thiện hạ tầng, lắp đặt các biển báo, sơn kẻ, điều chỉnh chu kỳ tín hiệu đèn giao thông theo "làn sóng xanh"... Bãi tạm giữ các phương tiện vi phạm được Phó Chủ tịch UBND thành phố "điểm chỉ" là các khu đất mới được giải tỏa và tổng vệ sinh tại khu Nam Trung Yên.

Cùng với các biện pháp tuyên truyền vận động người dân, ông Nguyễn Văn Khôi đề nghị các lực lượng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với cán bộ công chức của thành phố vi phạm sẽ có thông báo gửi về cơ quan đơn vị, khi bình xét thi đua cuối năm đây sẽ là một tiêu chí để Sở Nội vụ thành phố xem xét.

Trước những băn khoăn về số lượng tuyến phân làn, kinh phí, phương tiện, lực lượng phân làn và thời gian bắt đầu thực hiện... ông Khôi nhấn mạnh: "Chúng ta không cầu toàn, tuần thứ 3 của tháng 9 (tháng an toàn giao thông) phải đưa quân ra thực hiện ngay".

Tiêu chí lựa chọn tuyến phố để phân làn

Tuyến phố có đủ điều kiện về hạ tầng giao thông và ý thức của người dân tương đối cao; Các tuyến đường phố xuyên tâm, vành đai hoặc các tuyến phố phân luồng một chiều; Những tuyến đường phố có mặt cắt ngang mỗi chiều có đủ chiều rộng tối thiểu từ 10m trở lên; Những tuyến đường phố có các khoảng cách giữa các nút giao thông tối thiểu trên 300m; Các tuyến phố có đầy đủ và hoàn thiện cơ sở hạ tầng (hè vỉa, cây xanh, chiếu sáng, hạ ngầm…); Các tuyến đường phố đã và đang được nghiên cứu tổ chức phân làn theo phương tiện trước đây; Tuyến phố có thể bố trí các lực lượng phối hợp điều hành, hướng dẫn giao thông và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đi không đúng làn đường quy định.

Trên cơ sở các tiêu chí trên, Sở GTVT đề xuất phân làn tại 12 tuyến: Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai; Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ; Quang Trung (Hà Đông) - Trần Phú (Hà Đông) - Nguyễn Trãi; Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn; Giải Phóng (đoạn từ Pháp Vân đến Lê Duẩn); Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ Cầu Chui đến qua cầu Chương Dương); Kim Mã (đoạn từ Voi Phục đến bến xe Kim Mã); Hoàng Quốc Việt; Yên Phụ - Trần Nhật Nhuật - Trần Quang Khải - Đê 401; Huế - Hàng Bài; Bà Triệu; Trần Phú (đoạn từ Điện Biên Phủ đến Lê Trực) - Tràng Thi.

Võ Hải
Theo Giadinh

Từ khóa: