Sự kiện hot
10 năm trước

Hãi hùng "công nghệ" tăng trọng lượng thịt trâu, bò

Vì lợi nhuận, hiện nay một số lò mổ đã dùng bằng phương pháp bơm nước vào trâu, bò chết nhằm tăng trọng lượng thịt. Tuy nhiên, cách thức này khiến người tiêu dùng đối diện với việc nhiễm khuẩn lớn từ thịt trâu bò.

Sau khi bị buộc chặt mũi, tứ chi trâu bò bị còng số 8 kẹp chặt đâu vào đấy, người ta tống vào cổ họng trâu, bò một ống tuýp nước bằng sắt. Ống tuýp sắt này được nối với một chiếc máy bơm nước. Khi công tắc máy bơm được bật lên thì hàng khối nước sẽ ào ạt tống vào bụng trâu, bò cho đến khi bụng trâu bò phình ra.

Lúc này trâu, bò vẫn chưa chết mà chỉ ở trong tình trạng “nửa tỉnh nửa mê” làm cho phân, nước tiểu ồ ạt tống ra ngoài trông rất dã man và đáng sợ. Tra tấn con vật khoảng 30 phút như vậy, tay đao phủ từ từ cầm một con dao nhỏ chọc mạnh vào động mạch trên cổ trâu, bò. Khi lượng tiết chảy ra được chừng 50% thì một người lại cầm ống tuýp nước thọc sâu vào động mạch trâu, bò chỗ cắt tiết và máy bơm nước lại được bật lên để bơm một lượng nước không nhỏ vào động mạch trâu bò. Máy bơm hoạt động hết công suất chừng 10 phút thì dừng lại và khâu mổ bụng, lọc da, phân loại xương thịt mới được tiến hành.


Cần loại bỏ cảnh giết mổ trâu, bò mất vệ sinh như trên.

Theo lý giải của một chủ lò mổ khi trâu, bò bị “say” nước khoảng 30 phút thì lúc này lục phủ ngũ tạng bên trong con vật bị “tấn công” đột ngột cũng như bị ức chế, chèn ép bởi nước nên phải hoạt động hết công suất. Do đó, một lượng nước không nhỏ được hấp thu một cách bất thường để bài tiết qua đường tiết niệu, qua da… lúc này các mao mạch cũng căng lên vì nước. Còn khi chọc tiết đến khi lượng tiết chảy ra khoảng 50% thì con vật chưa chết hẳn, quá trình hấp thu trao đổi chất vẫn diễn ra, do đó 50% máu còn lại trong con vật lúc này sẽ được hòa với nước, tràn trực tiếp vào động mạch, tĩnh mạch, mao mạch rồi từ đây cơ thể con vật lại thêm lần nữa phải tiếp tục chứa đựng và hấp thu thêm một lượng nước nữa.

Ước tính, mỗi một con trâu, bò làm thịt theo kiểu này sẽ được tăng lượng thịt khoảng từ 8 đến 12% trọng lượng. Điều này đã càng làm tăng lợi nhuận cho chủ lò mổ.

Tuy nhiên, cách thức bơm nước làm tăng trọng lượng trâu bò này lại đe dọa đến vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng, nhất là khi lượng nước mà các chủ lò mổ dùng để bơm vào trâu, bò phần lớn đều là nước ao hồ đã nhiễm khuẩn nặng. Hãi hùng hơn, khi trâu, bò đã được làm thịt xong, người ta vứt cả đống xương, thịt lên một cái bàn nhỏ, tiết lẫn nước trong từng thớ thịt chảy xuống những chiếc chậu hứng bên dưới Thứ nước này sau đó lại được người ta đóng can rồi bán cho các quán ăn nhậu, thậm chí là nhà hàng lớn.

Qua khảo sát thì việc các chủ lò mổ gia súc làm thịt trâu, bò bằng phương pháp siêu bẩn, mất vệ sinh an toàn thực phẩm như trên đang diễn ra ở nhiều địa phương. Do đó, mỗi địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa, tăng cường công tác thanh kiểm tra, cũng như phổ biến giáo dục an toàn vệ sinh thực phẩm và có biện pháp xử lý mạnh tay đối với các chủ lò mổ này. Có như vậy, chúng ta mới có thể phòng ngừa và hạn chế được sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, nhất là đối với thịt gia súc, gia cầm.

Khoa Nguyên
theo BVPL

Từ khóa: