Sự kiện hot
10 năm trước

Hành trình hơn 3.600 ngày vợ đi kêu oan cho chồng: “Lặn lội thân cò tìm lại bến nước trong”

Dantin - 10 năm hay nói cách khác là hơn 3.600 ngày, người dân Bắc Giang quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ trạc tuổi tứ tuần oằn lưng trên một chiếc xe đạp cọc cạch, phía sau đèo một chồng đơn thư vượt qua quãng đường hàng chục cây số gõ cửa khắp các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang để kêu oan cho chồng.

Dantin - 10 năm hay nói cách khác là hơn 3.600 ngày, người dân Bắc Giang quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ trạc tuổi tứ tuần oằn lưng trên một chiếc xe đạp cọc cạch, phía sau đèo một chồng đơn thư vượt qua quãng đường hàng chục cây số gõ cửa khắp các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang để kêu oan cho chồng.


Nhiều người đến chia vui với gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn.

Khi hành trình gian khổ ấy đi đến một kết cục có hậu cũng là lúc bà gục ngã vì kiệt sức và bệnh tật. Đón nhận niềm vui trong ngày người chồng đoàn tụ với gia đình trên giường bệnh, đôi mắt mệt mỏi trên khuôn mặt thẫn thờ như không còn sức sống của bà cứ sáng lên, trào tuôn hai dòng lệ vì niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Người phụ nữ có nghị lực “thép” và niềm tin “sắt đá” ấy là bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Bà là vợ của ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú cùng địa chỉ) – người vừa được trả tự do sau 10 năm ngồi tù vì bị kết an oan với tội danh “giết người, hiếp dâm, cướp tài sản”.

Ngày 15/8/2003, dư luận cả thôn Me bàng hoàng vì một vụ án mạng xảy ra tại địa phương. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan tử vong bởi nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp. Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án để tiến hành điều tra. Ngày 29/9/2003, Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người. Ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân Đến ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm. Ông Chấn bắt đầu thi hành án tại Trại giam Vĩnh Quang (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Từ đây, hành trình kêu oan cho chồng kéo dài suốt hơn 3.600 ngày của bà Nguyễn Thị Chiến cũng chính thức bắt đầu.

Lời kêu oan nức nở trong hai phiên xử

Gần nửa tháng kể từ ngày “gia chủ” được trả tự do, con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà người đàn ông “nổi tiếng” Nguyễn Thanh Chấn vẫn chưa hết đông vui, nhộn nhịp. Từng đoàn người nối đuôi nhau đến thăm hỏi và chia vui với gia đình ông. Ngôi nhà cấp 4 xập xệ, căn buồng cũng xập xệ sau nhà, nằm bẹp trên chiếc giường gỗ ọp ẹp, bà Chiến gần như bất động. Đôi tay người phụ nữ ấy cứ run lên bần bật vì xúc động mỗi khi có ai đó hỏi về chuyện của gia đình.

Mọi người bảo bà đã trải qua một trận ốm “thập tử nhất sinh”, sau khi vắt kiệt sức vào hành trình đi kêu oan cho chồng mình.

Bà Chiến kể, lúc chồng mình mới bị bắt, tâm trạng bà hết sức hoang mang, không hiểu thực hư như thế nào. Trong phiên xử sơ thẩm, nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đọc cáo trạng luận tội danh của ông Chấn, tai bà như ù đi. Nhất là khi nạn nhân lại chính là chị Hoan, một người hàng xóm “tắt lửa tối đèn có nhau”. “Ban đầu tôi mơ hồ lắm. Vụ án được cơ quan Công an điều tra cẩn thận, có bằng chứng luận tội đàng hoàng. Hơn nữa là tội danh liên quan đến tính mạng của một con người, họ đâu thể tự bịa ra rồi gán ghép một cách bừa bãi được. Hơn nữa, công an cũng công bố chồng tôi đã nhận mình là người gây ra tội rồi. Tôi phải nghĩ thế nào đây?”, bà Chiến nhớ lại.

Giữa lúc tất cả mọi người đều thừa nhận ông Chấn là kẻ sát nhân thì bất ngờ ông Chấn lên tiếng kêu oan cho rằng mình không phải là người gây ra cái chết cho chị. Thậm chí, trong những lời nức nở của mình, người đàn ông đứng trước vành móng ngựa ấy còn dõng dạc vạch mặt những điều tra viên tham gia thẩm vấn mình đã dùng cực hình bắt ông phải nhận tội. Cay đắng hơn, ông Chấn còn “tố” bị những điều tra viên ép buộc “nhập vai” diễn viên, tự mình diễn đi diễn lại cảnh giết người theo kịch bản của họ cho đến khi thuần thục. Trong phiên phúc thẩm sau đó, ông Chấn cũng lặp lại điều này và khẩn thiết. Mặc dù lời kêu oan trong tuyệt vọng của ông Chấn dù không được Hội đồng xét xử chấp nhận nhưng vô tình khơi dậy niềm tin của nhiều người thân có mặt trong phiên tòa, trong đó có bà Chiến. Từng lời, từng câu nói của ông Chấn như những mạch nước ngầm rỉ thấm vào tận sâu cõi lòng khô hạn vì đau đớn, tủi hờn và hoài nghi của người vợ tội nghiệp, làm sống dậy niềm tin và tình yêu thương trong trái tim bà Chiến.

“Chỉ có một người không quay lưng”


Bà Nguyễn Thị Chiến kiệt sức sau hành trình hơn 3.600 ngày đi kêu oan cho chồng.

“Khi về đến nhà, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Nhớ lại quãng thời gian vợ chồng tôi sống cùng nhau, nhớ lại cách ông ấy đối xử với vợ con, với anh em, hàng xóm trong bao nhiêu năm qua, không có bất cứ điều gì khiến tôi phải oán trách. Tôi là người hiểu tính ông ấy hơn ai hết. Xưa nay ông ấy quyết đoán và ngay thẳng lắm. Ông ấy đã bảo không làm là tuyệt đối không phải ông ấy làm. Nhìn vào cách ông ấy kêu oan ở tòa, ánh mắt ông ấy nhìn mẹ con tôi khi đứng trước vành móng ngựa, tôi hiểu ông ấy không phải kẻ sát nhân như người ta buộc tội”, bà Chiến nói mà giọng như lạc đi vì xúc động.

Bà bắt tay ngay vào công tác đi tìm sự thật của vụ án nhằm minh oan cho chồng. Việc đầu tiên bà Chiến phải làm là nghiên cứu thật kĩ hồ sơ vụ án. Bà tìm gặp luật sư Nguyễn Đức Biền – người tham gia bào chữa cho ông Chấn – để xin tư vấn và toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ án. Quá trình làm việc với luật sư càng khiến bà củng cố thêm niềm tin và cơ sở về sự vô can của chồng. “Luật sư Biền đã chỉ cho tôi những tình tiết quan trọng có thể chứng minh chồng tôi không phải là hung thủ giết người. Đây đều là những tình tiết được luật sư Biền cũng trình bày trong hai phiên tòa nhưng tất cả đều không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Nhưng điều đó đặt ra cho tôi một giả thuyết, nếu chồng tôi không phải kẻ giết người thì chắc chắn hung thủ thực sự đã bị bỏ lọt và đang lẩn trốn ở đâu đó. Việc đầu tiên tôi phải làm là tìm cho ra hắn”, bà Chiến phân tích.

Ngay từ khi bắt đầu hành trình kêu oan cho chồng, bà Chiến đã vấp phải vô vàn khó khăn, trở ngại. Điều khiến bà khổ tâm nhất là hầu như tất cả mọi người xung quanh đều quay lưng lại với gia đình bà. Suốt một thời gian dài, mẹ con bà phải chịu những lời dè bỉu, bàn tán của thiên hạ. Bốn người con của bà đều phải sớm rời trường học vì không chịu được những lời dị nghị và thái độ khinh rẻ của bạn bè.

Cũng may, vẫn còn có người bênh vực gia đình bà Chiến. Một trong những người đó là ông Thân Ngọc Hoạt (SN 1958, trú tại thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung, là anh rể của bà Chiến). Dưới sự giúp đỡ của ông Hoạt, bà Chiến từng bước lần tìm ra đầu mối và danh tính của kẻ thực sự gây ra cái chết cho chị Hoan. Để vạch mặt kẻ sát nhân, bà Chiến và ông Hoạt đã phải “tương kế tựu kế” suốt một thời gian dài. Một mặt âm thầm thu thập chứng cứ, mặt khác sử dụng “đòn tâm lý” đánh vào lòng trắc ẩn và nỗi sợ hãi của hung thủ cũng như người nhà của hắn, buộc hắn phải xuất đầu lộ diện.

Hồ Giám

Từ khóa: