Sự kiện hot
11 năm trước

Hiếu “Mường” và bảo tàng Mường trên đỉnh dốc Cun

Dantin - Một buổi sáng vào hè, hàng nghìn người dân vùng sơn cước xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình dậy thật sớm.

Dantin - Một buổi sáng vào hè, hàng nghìn người dân vùng sơn cước xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình dậy thật sớm. Họ dậy sớm để chứng kiến một sự kiện trọng đại: “Bảo tàng không gian văn hoá Mường” được đưa vào hoạt động ngay tại “cái dốc Cun nhỏ như miếng cơm nếp của bà con người Mường ta”.

Trong khi một lãnh đạo tỉnh Hòa Bình long trọng, đánh tiếng cồng khai trương bảo tàng văn hoá đầu tiên của dân tộc Mường thì tại một góc bảo tàng, chàng trai trẻ - hoạ sĩ Vũ Đức Hiếu, chủ nhân của bảo tàng nước mắt rưng rưng...

“Anh là người Mường?”, một vị khách nước ngoài có mặt hỏi Hiếu. “Không, tôi là người Kinh nhưng rất yêu và sợ mất văn hoá Mường”, Hiếu trả lời và người khách nước ngoài không hỏi thêm gì nữa. “Chừng ấy là đủ trả lời cho rất nhiều câu hỏi khác về tôi và bảo tàng “Không gian văn hoá Mường” mà tôi đã mất mười năm tâm huyết, gây dựng đam mê”, Hiếu tâm sự.


Một góc bảo tang không gian văn hoá Mường.

Hãy gọi tôi là Hiếu… “Mường”!

Tìm gặp mãi không được, thì ra anh Hiếu đang lọ mọ trong một nhà dân cách bảo tàng 2km để học cách làm chuồng gà cổ. Buột miệng chào anh là “hoạ sĩ Hiếu” (Hiếu tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp khoá 28), anh gạt tay xua đi : “Hãy gọi tôi là Hiếu… “Mường” như nhiều người khác hay gọi”. Vì sao? “Hơn ba mươi tuổi đầu thì tôi có trên 20 sống và lăn lộn ở xứ Mường, vui cái vui của người Mường, buồn cái buồn của người Mường, say cái say của văn hoá Mường nên thích được mọi người gọi thế ”, anh giải thích.

Sinh năm Bính Thìn (1976) cầm tinh con rồng, anh Hiếu nói mình có tính gàn dở, bướng bỉnh dám sống với đam mê của chính mình như nhiều bạn bè đồng nghiệp giới hoạ sĩ đánh giá. Ra trường, Vũ Đức Hiếu về công tác ở Tạp chí Công nhân. Nhưng có lẽ Hoà Bình là nơi mà Hiếu đi nhiều nhất. Chỗ nào cũng có dấu chân của Hiếu: từ Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng đến Mường Động. Chính những ngày tháng đó đã khiến anh yêu thích văn hóa Mường. Anh cảm nhận người Mường vốn có nét văn hoá rất đặc sắc không bị nhầm lẫn với bản sắc dân tộc nào. Hiếu kể: Nhiều đêm ngủ ở bản, uống rượu cần, ăn cỗ lá làm mình càng ấn tượng với gốc gác của người Việt cổ. Tham dự các lễ hội “Khai hạ”, “Khuống mùa”... lại càng thấy rõ hơn những nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa Mường. Nhưng thật tiếc, trong cuộc sống hiện đại những nét văn hóa đậm đà bản sắc ấy đang dần bị mai một. Bởi vậy thấy càng thấy yêu văn hoá Mường hơn và tìm cách gìn giữ nó một phần. Anh chỉ cho chúng tôi chiếc khung dệt trong căn nhà Lang (nhà cho quan lang người Mường ở - PV) được mua ở Lỗ Sơn nói đó là kỷ niệm nhớ nhất. Hôm đó anh Hiếu cùng anh Thắng là hoạ sĩ đi điền dã vào tận xã Lỗ Sơn –một xã vùng cao của huyện Lạc Sơn. Nhìn thấy bộ khung cửi gia chủ không dùng đến, anh hỏi mua bằng được với giá 400 nghìn đồng. Khi về, trời mưa qua suối nước lên cao hai anh em bị ngã, rồi trở lại đường trơn xe máy không thể đi được hai anh em phải đi bộ dắt xe hơn 10 km mới đem bộ khung cử về được.

“Trong một chuyến đi điền dã ở Sơn La về, tớ mang lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ của người Mường, chất đầy chiếc xe Win. Đi đến Mộc Châu (Sơn La) trời đã xẩm tối, tớ nghĩ cố về đến Mai Châu (Hoà Bình) để nghỉ. Vừa gần đến Mai Châu thì bỗng nhiên cảnh sát giao thông, dân phòng chặn lại kiểm tra đồ. Tớ ngớ ra vì cảnh sát bảo trông tớ giống như kẻ buôn thuốc phiện”, anh Hiếu cười kể.

Hơn 9 năm sưu tầm (từ năm 2004), anh Hiếu đã có trong tay gần 1.000 đồ vật của người Mường: từ những đồ vật nhỏ nhất như chiếc dao, rìu, công cụ săn bắn, đuổi cầy, chân gà rừng khô... đến những chiếc khung cửi, bộ trò ổ (vật dụng của người con gái mang về nhà chồng đựng váy và của hồi môn), mâm hè (mâm để cúng)... Xung quanh nhà anh Hiếu đâu đâu cũng thấy những đồ vật của người Mường. Mỗi đồ vật là một kỷ niệm của những chuyến đi. Mỗi vật mang về anh lại bỏ công tìm đọc sách tìm hiểu xem những đồ vật đó có từ bao giờ và đặc thù của từng đồ vật qua các thời kỳ phát triển.

Bảo tàng của ước mơ

Lấp ló trong những vườn đào, vườn mận trổ hoa trắng xóa, nhà quan lang, nhà Tạo, nhà ậu lấp ló ẩn hiện. Khu nhà trưng bày hiện vật Mường nằm trên vạt đồi đối diện khu nhà lang, được anh Hiếu thiết kế theo kiến trúc tổ tò vò, ăn xuống phía dưới chân đồi. Đâu đó, những bức tường cổ, dấu tích của những lô cốt cũ kiểu Pháp còn sót lại, càng làm cho bảo tàng Không gian văn hoá Mường thêm phần cổ kính.

Bảo tàng nhìn xuống thung lũng - một khoảng đất khá rộng và bằng phẳng do anh dùng máy xúc khoét ruột đồi – được anh làm khu sinh hoạt cộng đồng. Tại đây, anh Hiếu cho đặt những chiếc cầu Kiều, cầu đôi, đặt cây nêu để ném còn… những sinh hoạt dân gian của cộng đồng người Mường trong những dịp lễ hội.

“Khi đã có khu nhà Mường, điều quan trọng khác là cấy rễ vào đó một nếp sống thực sự của người Mường bản địa, biến khu nhà trưng bày đó có hồn, có sức sống chứ không phải chỉ là những xác nhà lạnh lẽo, mang tính chất đại diện cho một vùng văn hoá lạ lẫm với những người đến xem. Muốn làm được điều đó, phải có những người dân Mường đến sinh sống tại đó”, anh Hiếu nói.

Anh đã mời ba gia đình người Mường về ở. Chẳng biết có phải nhờ tài thuyết phục , hay là anh may mắn, ba gia đình người Mường trong Mường Chậm đã đồng ý rời sang khu nhà mới dựng của Hiếu. Một vườn rau nho nhỏ trước nhà. Mấy ổ gà dưới gầm sàn đã bắt đầu cho ra những đàn gà mới. Giàn bầu, giàn bí, giàn su su… cũng bắt đầu vươn ngọn.

“Bảo tàng mà tớ lập, không phải chỉ cho khách đến xem mà là cố gắng lưu lại một chút nhỏ nhoi của văn hóa Mường trong cộng đồng các dân tộc Việt anh em”, anh Hiếu chia sẻ.

Họa sỹ Lư Tuấn Nghĩa

Từ khóa: