Sự kiện hot
10 năm trước

Hít phải sương mù có thể gây nhức đầu, đột qụy

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng mưa phùn, sương mù ở miền Bắc dự báo sẽ kéo dài ít nhất tới tuần sau. Sương mù gây cản trở giao thông và còn là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe.


Ngày có sương mù, khi lưu thông trên đường, người tham gia giao thông cần bật đèn cốt, lái xe chậm. Ảnh: T.G

Sương mù nào độc hại?

Sương mù là hơi nước trong khí quyển ngưng kết lại thành những hạt nước li ti lơ lửng trong không khí, làm giảm tầm nhìn. Việt Nam phổ biến có hai loại sương mù là sương mù bức xạ và sương mù bình lưu. Sương mù bức xạ xuất hiện tháng 10, 11, 12 vào nửa đêm hoặc sáng sớm, hình thành khi mặt đất lạnh đi do bức xạ vào ban đêm trời quang mây, lặng gió. Tính chất loại sương này nhẹ, nên sẽ tan khi có ánh sáng mặt trời.

Loại sương mù bình lưu nguy hiểm hơn, thường xảy ra vào các tháng 3 – 4 hàng năm, hình thành khi không khí ẩm di chuyển ngang qua nơi có bề mặt lạnh với mật độ đậm đặc, nhiều hôm kéo dài tới trưa, làm giảm tầm nhìn, ảnh hưởng lớn tới giao thông, khiến máy bay, tàu thuyền… phải tạm ngừng hoạt động để tránh va chạm.

Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, độc hại nhất là sương mù màu nâu đỏ, xuất hiện ở những thành phố ô nhiễm không khí trầm trọng, khiến con người phải sử dụng bình ôxy để thở. Nhưng ở Việt Nam chưa có loại sương mù này.

Theo bà Xuân Lan, Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, sương mù trở nên độc và nguy hiểm với con người khi chúng cản quá trình khuếch tán của bụi, khói trong không khí và "lưu giữ" các chất này ở tầng thấp lâu hơn. Những năm gần đây, môi trường không khí ngày càng ô nhiễm thì sương mù xảy ra nhiều hơn, cường độ mạnh hơn.

Ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện loại sương mù hỗn hợp (gồm cả sương mù bức xạ và sương mù bình lưu). Do mật độ phương tiện giao thông dày đặc, hơi nước khói xe, bụi lơ lửng trộn lẫn trong những hạt sương li ti đã tạo thành những "hạt nhân ngưng kết" (còn gọi là sương mù thành phố).

BS Quang Tùng (Bệnh viện E) cho biết, loại sương mù thành phố này chứa nhiều chất nguy hại như axit, kali, muối, phenol… Nếu hít phải sẽ gây viêm phế quản, viêm kết mạc, viêm mũi dị ứng, các bệnh dị ứng khác; Nặng hơn có thể gây nhức đầu, tăng huyết áp đột ngột dẫn đến đột quỵ.

Theo các nhà khoa học vệ sinh môi trường của ĐH Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc), loại sương mù độc hại với những hạt bụi nhỏ hơn 2,5micromet (PM2,5) và việc dùng thuốc phòng ngừa PM2,5 sẽ làm tăng nguy cơ lớn mắc bệnh phổi, gây viêm nhiễm nặng, làm tổn thương phổi, xơ hóa… thậm chí ung thư phổi, khi đã hình thành “phổi đen” thì không chữa khỏi.

Làm gì khi có sương mù

Theo BS Quang Tùng, những ngày có sương mù người dân nên tránh ra đường vào lúc sáng sớm. Nếu phải ra đường thì tốt nhất nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi, khói, các chất độc có trong không khí nhưng không thoát được do bị sương mù cản lại. 

Nếu buộc phải ra đường khi sương mù dày đặc cần mặc ấm, đeo khẩu trang, hạn chế không để da tiếp xúc trực tiếp với sương mù tránh nhiễm lạnh. Với học sinh mầm non, tiểu học cha mẹ nên cho con ăn đồ nóng, uống nóng rồi bịt kín khăn, khẩu trang và mặc áo ấm trước khi đưa con tới trường buổi sáng.

Các cụ già, những ngày sương mù dày đặc nên hạn chế tập thể dục ngoài trời buổi sáng để tránh hít phải lượng không khí ẩm. Cần mặc quần áo ấm để tránh bị nhiễm lạnh khi sương bám vào.

Nếu đã tiếp xúc trực tiếp với sương mù, sau khi về nhà cần nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, mũi (để rửa) và súc miệng bằng nước muối nhạt để phòng các bệnh về đường hô hấp.

Ngày có sương mù, khi lưu thông trên đường, người tham gia giao thông cần bật đèn cốt, lái xe chậm. Hạn chế phanh gấp, giữ khoảng cách tối đa với xe đằng trước (nhiều gấp đôi so với bình thường) để đề phòng xe trước phanh đột ngột.

Khi lưu thông người tham gia giao thông cần di chuyển cẩn trọng (chú ý kiểm tra đèn, đèn cảnh báo, phanh và lốp) trước khi ra đường. Nên bật tất cả các loại đèn chiếu sáng của xe. Đèn pha giữ nguyên vị trí chiếu gần (cốt). Nếu xe có đèn chống sương mù, nên tắt đèn pha để tăng hiệu quả ánh sáng vàng.

Trà Giang
theo GĐ&XH

Từ khóa: