Sự kiện hot
10 năm trước

Hỗ trợ người có công: Vẫn khó do còn "lệch pha"

Có một thực tế, mặc dù các địa phương, ban ngành thường hay kêu thiếu văn bản hướng dẫn nên khó triển khai các chính sách, tuy nhiên, ngay cả khi đã có văn bản hướng dẫn, việc thực hiện cũng không hẳn đã diễn ra suôn sẻ.


Chăm sóc sức khỏe cho người có công. (Ảnh: TTXVN)

“Mặc dù đã có văn bản hướng dẫn nhưng việc giám định xác nhận đối tượng người có công vẫn bị chậm trễ. Đây là một trong những khó khăn trong việc thực hiện chính sách người có công hiện nay,” ông Khuất Văn Thành, Giám đốc sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội nhận định.

Vì sao vẫn chậm xác nhận người có công?

Minh chứng cho khó khăn trong việc giám định xác nhận đối tượng người có công tại Hà Nội, ông Khuất Văn Thành cho biết, mặc dù Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ 1/6/2013, nhưng đến nay Hội đồng giám định y khoa vẫn chưa tiếp nhận giám định các đối tượng theo quy định mà vẫn chỉ tiếp nhận hồ sơ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam.

Không chỉ riêng Hà Nội gặp khó khăn trong việc giám định cho các đối tượng người có công, theo phản ánh của nhiều địa phương, các đơn vị y tế vẫn chưa mặn mà với công việc này.

Tại Hải Phòng, việc giải quyết chế độ cho người có công cũng đang vướng mắc ở khâu xác nhận giám định sức khỏe. Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Phòng ông Nguyễn Bách Phái đánh giá, việc thực hiện chính sách người có công hiện còn thiếu đồng bộ; trong đó nổi lên là khó khăn ở khâu xác nhận, công nhận người có công. 

“Khám giám định bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ do y tế chịu trách nhiệm. Nhưng quá trình khảo sát kiểm tra cứ trung bình cứ 10 đối tượng thì chỉ hai người đạt. Việc giám định, kiểm tra bệnh tật hiện nay rất cần phải xem xét lại các quy chuẩn,” ông Nguyễn Bách Phái thẳng thắn nói.

Đại điện các địa phương cũng phản ánh, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 41/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ cũng còn nhiều sai sót.

Trong khi quy định nêu rõ phải có xác nhận của giám đốc hoặc phó giám đốc bệnh viện mới được coi là hợp lệ thì rất nhiều trường hợp chỉ có sự xác nhận của trưởng khoa, cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải gửi lại hồ sơ xác nhận lại. Quá trình chờ rất lâu nên thường dẫn tới chậm giải quyết chế độ hỗ trợ.

Theo các chuyên gia, những sai phạm trong việc giải quyết các chính sách của người có công tại địa phương thường chủ yếu là ở khâu giám định, xác nhận đối tượng. Vì vây, thời gian tới cần phải xác định rõ rạch ròi nhiệm vụ của từng ban ngành để tìm ra nguyên nhân, bất cập, sai phạm ở khâu nào để có các giải pháp phù hợp, không để xảy ra tình trạng ‘trục lợi’ từ chính sách.

“Nóng” vấn đề hỗ trợ nhà ở

Những vướng mắc trong hướng dẫn thực hiện chính sách người có công không chỉ tồn tại trong việc phối hợp thực hiện chính sách, việc không thống nhất giải quyết nhà ở cho người có công tại các địa phương cũng đang rất “nóng”.


Trao tặng nhà tình nghĩa cho người có công. (Ảnh: TTXVN)


Theo kết quả Giám sát thực hiện chính sách người có công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, còn có 7.100 người có công phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Ước tính kinh phí thực hiện khoảng 2.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo các địa phương báo cáo, thực tế khi triển khai việc xét đối tượng nhận hỗ trợ nhà ở đang gặp nhiều khó khăn do hướng dẫn thực hiện chưa thống nhất. 

Tại tỉnh Tuyên Quang, khi sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh góp ý xây dựng đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công, số lượng người có công cần hỗ trợ nhà ở theo quyết định 22 của Bộ Xây dựng quá lớn, dẫn tới kinh phí không đáp ứng được. Trong khi đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có chỉ đạo giới hạn đối tượng nhận hỗ trợ, nhưng lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể khiến địa phương không biết thực hiện theo hướng nào.

“Khi chúng tôi tham mưu cho tỉnh xây dựng đề án, chúng tôi cần có văn bản hướng dẫn của Bộ để có cơ sở báo cáo lại. Nếu các tỉnh khác đều triển khai áp dụng tất cả các đối tượng theo quyết định 22, trong khi tỉnh tôi lại chỉ xem xét các đối tượng ưu tiên theo Bộ sẽ khó thực hiện. Vì vậy, đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn xác nhận đối tượng để triển khai thống nhất,” bà Lê Thị Dung đề xuất.

Trước những khó khăn này địa phương, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền lý giải, việc cân đối ngân sách 2.800 tỷ đồng giải quyết nhà ở cho 7.100 đối tượng người có công là do kết quả các địa phương báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trong quá trình giám sát thực hiện chính sách người có công ở địa phương.

Khi báo cáo, địa phương chỉ đề cập đến người có công đang ở nhà tạm, nhà dột nát nên việc xây dựng đề án hỗ trợ chỉ trong phạm vi phục vụ các đối tượng này. Tuy nhiên, khi có đề án triển khai thì việc báo cáo số lượng đối tượng của địa phương lại tại tăng vọt.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: “Các địa phương cần xem xét lại đối tượng hỗ trợ, đối tượng là người có công đang ở nhà tạm, nhà dột nát chứ không phải là chưa có nhà cấp 3, cấp 2.”

Về vấn đề lo lắng không đủ kinh phí thực hiện, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chỉ đạo, nếu ngân sách trung ương không đáp ứng được, đề nghị các sở lao động-thương binh và xã hội tham mưu cho tỉnh cân đối bổ sung ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho người có công.

“Không thể để người có công sống trong nhà tạm, nhà dột nát, vấn đề này phải giải quyết xong trong năm 2014,” Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Hồng Kiều
theo Vietnam+

Từ khóa: