Sự kiện hot
7 năm trước

Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Tay chơi vs họa sĩ

Hình như, Trần Nhật Thăng trước khi là họa sĩ – anh đã là một “tay chơi”. Hoặc cũng có thể, khi ngưng là họa sĩ, thì anh “tiến hành” vụ “tay chơi”. Chơi, thì dễ. Nhưng biết chơi, lại khó.

Trần Nhật Thăng trong triển lãm mới nhất của mình. Anh sẽ liên tục triển lãm trong thời gian sắp tới.

Cũng như người ta nói: Chơi thì dễ, làm mới là khó hơn. 9 năm ngưng, nói là “bế tắc” thì chắc chưa hẳn, “chán”, lại càng không. Thế là thế nào? Chẳng biết nữa. Chỉ biết sau 9 năm, tự dưng có một ngày, Thăng vẽ như xả cơn chứa chất trong lòng. Triển lãm Miền Thanh Thản gồm 12 tác phẩm: “Miền tôi, Miền chọn, Miền xa lắm, Miền xanh lá, Miền hoang hoải, Miền thiền…” là minh chứng cho các cung bậc cảm xúc, lúc dữ dội mạnh mẽ, lúc cuồn cuộn sóng trào, lúc nhẹ nhàng an tĩnh…

-Trong cuốn sách giới thiệu triển lãm của anh có ghi:”Dừng sáng tác 9 năm”. Có lẽ, ít ai là người ghi rõ ràng, đích danh cái sự không làm gì của mình trong 9 năm, còn anh, điều này có ý gì đây?

Tôi nghĩ, đã có rất nhiều người, thậm chí, là bạn thân, nhưng họ cũng không hiểu tôi. Họ nghĩ, tôi đã là người vứt đi, hoặc có làm, cũng chẳng ra gì. Có lẽ, là quãng thời gian 9 năm dừng không sáng tác của tôi, mà họ nghĩ như vậy. 9 năm ấy, tức nhiên, buồn nhiều hơn là vui, nhưng tôi có thói quen là cho nó trôi qua nhanh những thứ bàng bạc ấy. Tôi làm nhiều thứ để kiếm sống, đôi khi cũng bị tổn thương nặng nề, và đôi khi, bức bối. Nhưng tôi nghĩ, đây là tâm trạng chung. Có khá nhiều bạn bè, cũng qua một quãng thời gian không còn muốn sáng tác giống như tôi. Có người đi buôn rượu, tiền lãi là rượu-để uống!

- Anh có ông bố quá nổi tiếng- đạo diễn Trần Văn Thủy- với bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”…Nhưng hình như, anh và bố là hai thể trạng đối lập nhau?

Bố tôi là người khắc kỷ. Ông chỉ biết tới công việc, tư tưởng, dành sức khỏe, và cả tính mạng cho công việc của mình. Gia đình, có lẽ chỉ xếp thứ 2 trong cuộc đời ông. Tôi nghĩ, con cái cũng thiếu tình cảm và sự quan tâm của ông. Hồi xưa, bạn bè tôi đâu có dám tới nhà vì bố tôi khó tính.

Tới giờ, cả nhà tôi vẫn chưa cùng nhau đi chơi chung một lần nào. Bởi có lẽ, đối với bố tôi, như thế là xa xỉ. Lần chiêu đãi “hậu hĩnh” nhất, có lẽ là cả nhà đi ăn phở ở một cửa hàng phở. Tôi rất hiểu, có lẽ vì do những năm tháng chiến tranh, vì sự cần mẫn trong lao động đã khiến cho ông luôn có thói quen giản dị ấy. Đến giờ, ông vẫn có thể đi giày rách, còn đôi giày xịn, được tặng, ông cũng không thiết tha đâu, ông mang đi tặng người nghèo luôn!

Một tác phẩm trong triển lãm "Miền" của họa sĩ Trần Nhật Thăng.

- Thế nhưng, chính bố lại là người hướng anh vào thế giới hội họa?

Đúng thế. Bố hiểu tôi, và cho rằng, công việc của bố vất vả, khó khăn, bị phụ thuộc sự kiểm duyệt nhiều khâu, mất tự do, thế nên thôi con cứ làm một người họa sĩ cho được tự do, hẳn là ông cũng hiểu tôi một người ít có thế mạnh về ngành nghề kinh tế! Thời bé, tôi cũng như nhiều cậu bé khác, chẳng hiểu bố, cứ cho là bố ít quan tâm tới mình, nhưng đến tuổi này rồi, bạn biết không, đôi khi tôi cũng giật mình, vì thấy mình có những tính giống bố, ví dụ như tính cương quyết, không sống hèn.

9 năm tôi không vẽ, là không vẽ, tôi có thể nghèo, nhưng tôi không xấu hổ vì cái nghèo của mình. Sự khó khăn không bằng phẳng, như một con đường tu nhẫn mà tôi phải trải qua, được trải qua. Hội họa cũng là một quá trình tu thân của tôi.

- Nhạc sỹ Quốc Bảo dường như đã rất hiểu anh, và tác phẩm của anh?

Anh ấy hiểu tôi, mà cũng dường như chẳng phải. Anh ấy mượn tôi, để nói chuyện về anh ấy, chuyện của anh ấy, mà như là về tôi. Đọc tới đâu, tôi giật mình tới đấy. Nhiều lúc thấy cảm động, bởi sự sâu sắc, phóng khoáng mà thâm sâu trong cách cảm nhận tác phẩm của anh Bảo.

- Đặt tên cho triển lãm là Miền Thanh thản, vậy thì hình như 9 năm qua anh cũng đã trải nghiệm nhiều để nhận ra được sự thanh thản của mình?

Mọi thứ chỉ là tương đối. Cơ bản, vẫn là thẳm sâu bên trong mình. Sự bế tắc 9 năm cho tới một ngày tôi vẽ như điên cuồng. Đó là đêm sinh nhật. Tự nhiên muốn cầm bút, và khó cưỡng lại sự ham muốn ấy, phải cầm bút ngay lập tức, và tôi vẽ như một thằng điên. Một đêm, 6 bức. Tôi sẽ không dừng lại, nếu như không bị hết toan. Có lẽ đây cũng là một dấu ấn của sự dồn nén đã bùng nổ. Tôi sống, tôi dừng, tôi vẽ, và tôi đã hiểu sự chiều chuộng, thả lỏng bản thân, không quá khắc nghiệt, cái gì tới, nó đã tới!

- Phải chăng Miền Thiền cũng là một sự tĩnh tâm? Tôi nhớ không lầm thì anh cũng khá là… nghịch ngợm, chẳng giống ai, nào để tóc dài, tay đeo đầy vòng bạc, lại là dân chơi sidercar cũng kha khá có tiếng. Giờ thì tay không vòng bạc, tóc ngắn, xe hình như chẳng còn cái nào?

Bạn biết không, cuộc sống thay đổi từng ngày. Dừng lại để không lặp lại mình. Để có khoảng thời gian tự mình tôi mình đến tận cùng. Cuộc chơi nào chả có lúc dừng. Khi tôi tắm cho đứa con gái mới sinh, những chiếc vòng bạc trên tay tôi dễ chạm vào làn da mong manh của cháu, nên tôi thấy vướng víu, cần phải bỏ chúng đi. Cũng đến lúc con người không cần quá nhiều sự trang trí hoa mỹ. Đó cũng đã là một sự khác biệt mà chính tôi thay đổi lúc nào cũng không biết nữa.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng hồi còn là "tay chơi".

- Sau những dồn ứ, nghe nói, anh còn một số lượng kha khá tác phẩm, và sẽ triển lãm liên tục trong thời gian sớm nhất? Phải chăng bế tắc quá rồi cũng đến ngày “thoát” ra?

Đúng thế. Tôi thấy thanh thản thực sự khi những ngày qua, được vẽ như một sự hồi sinh. À mà này, làm người có tiền cũng mệt phết đấy nhỉ. Tôi lại phải suy nghĩ, sẽ tiêu khoản tiền đó thế nào. Điều này cũng là một cái khổ trong vô vàn cái khổ. Đưa cho vợ chi tiêu, hay là lại hứng lên, mua một con xe cũ, cả gia đình lại lông bông trên đường tới miền thanh thản nào đó!

- Xem ra, cơn chơi vẫn là “bất tận” đấy chứ?

Đúng thế. Tuy nhiên, những cuộc chơi có ý nghĩa hơn, khi tôi cùng đi với gia đình! Tôi nhớ có cha của người bạn, có lần nhắn cho tôi khi thấy hình ảnh tôi đi cùng gia đình: “Thăng ơi, sao cứ bìu ríu mãi thế. Làm cái gì đi chứ!”. Tôi lặng người đi. Thầm cảm ơn ông đã quan tâm tới tôi. Và câu nói của ông, như một điều thúc bách tôi, làm gì đi chứ!

Trần Nhật Thăng tương tác với các mẫu thời trang của nhà thiết kế Devon Nguyễn bằng các sắc màu.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng sinh năm 1972, anh làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Vốn theo trường phái tranh trừu tượng phương Đông, Trần Nhật Thăng vẫn luôn trên con đường tìm tòi nghệ thuật của riêng mình.

Cách đây 9 năm, Trần Nhật Thăng vẽ không màu, và anh như húc vào bức tường tự làm khó mình. Cho tới khi anh thả lỏng, thì dường như sự thôi thúc phải vẽ ra, xả ra, nó tấn công ồ ạt, khiến cho Thăng “khó chống đỡ”, và khi không chống đỡ, thả lỏng, thì mọi thứ như một dòng suối chảy mãnh liệt.

Nhạc sỹ Quốc Bảo đã viết về anh: “Như thể Thăng đã vẽ lại thế giới trùng trùng hệ lụy mà tôi đã trải. Hay Thăng đã trải? Hay chúng ta đang trải. Thế giới đan lồng vô vàn mắt lưới Hoa Nghiêm. Thăng vẽ đường đi hỗn độn của nhân sinh trong chiếc lưới đó. Đường nào cũng là rời xa thực tại, mà đường nào cũng dẫn về thực tại trầm luân mà thôi!”

Bài: Codet Hanoi
Ảnh: Giang Huy
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: