Sự kiện hot
7 năm trước

Huế: Chưa được đền bù thỏa đáng, người dân bức xúc gửi kiến nghị

Cho rằng công tác đền bù thiệt hại của chính quyền địa phương chưa đúng và gây khó khăn, người dân xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã gửi đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng.

Thực hiện Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ về bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, đến nay, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện phổ biến quy trình kê khai, tập huấn cán bộ tiến hành hướng dẫn cho bà con ngư dân trên địa bàn khá bài bản; đồng thời, thực hiện chi trả hơn 345 tỷ2 đồng cho gần 15 nghìn đối tượng. Tuy nhiên, một số người dân ở thôn Trung Chánh và Lương Qúy Phú, xã Lộc Điền lại cho rằng, họ chưa được đền bù thỏa đáng.

Theo người dân, địa bàn hai thôn này nằm ven đầm Cầu Hai, người dân nơi đây bao đời kiếm sống bằng các nghề đánh bắt thủy sản đơn giản quanh đầm. Sau đợt bão lũ dữ dội vào năm 1985, chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên đã tổ chức định cư cho ngư dân lên bờ sinh sống tránh thiên tai. Hơn 400 hộ dân được cấp đất làm nhà ở quanh vùng đầm Cầu Hai này nhưng cuộc sống của họ vẫn bám lấy sông đầm. Đến khi có sự cố môi trường biển, nhiều hộ gia đình lao đao vì sản phẩn đánh bắt không tiêu thụ được.

Theo bà con, năm 2016, tại huyên Phú Lộc có thời điểm ngư dân không bán được với hàng trăm tấn cá, tôm nuôi trồng và đánh bắt được trên đầm phá này. Nhiều hộ đã xoay sở đủ nghề để lo cho cuộc sống… Đến lúc môi trường biển và đầm phá ổn định họ đã quay lại với nghề cũ sống nhờ vùng sông nước. Thế nhưng, trong kê khai để hưởng chính sách hỗ trợ cho từng đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển nhiều hộ dân ở đây không được xác nhận với lý do là có thời gian bỏ nghề khai thác trên đầm phá .

Anh Mai Trở (thôn Trung Chánh) cho biết: Gia đình chúng tôi vốn sống bằng nghề đánh bắt trên vùng đầm Cầu Hai, khi xảy ra sự cố môi trường biển, sản phẩm đánh bắt không tiêu thụ được nên đành phải đi nơi khác kiếm sống, đến khi tình hình ổn định thì chúng tôi trở lại nghề đánh bắt”.

Cùng cảnh ngộ, bà Huỳnh Thị Trường (thôn Trung Chánh) cho biết: “Tôi quanh năm sống nhờ nghề bủa lưới trên vùng đầm Cầu Hai này vậy mà mấy lần kê khai thôn và xã cứ gây khó khăn không chịu xác nhận”.

Trong khi đó, anh Đặng Ngọc Khánh (thôn Trung Chánh) cũng bức xúc: “Gia đình tôi có thuyền lắp máy sống bằng nghề cào và nuôi cá trên đầm phá. Khi thị trường không tiêu thụ thủy sản do sự cố môi trường biển gia đình đã đi làm thuê kiếm sống vậy mà xã nói đã bỏ nghề... thật thiệt thòi cho chúng tôi”.

Trả lời phóng viên về những kiến nghị của người, lãnh đạo xã Lộc Điền cho biết, nguyên nhân chưa xác nhận cho những hộ dân này là do “họ đã bỏ nghề một thời gian và đã chuyển sang nghề khác”.

Ông Hồ Trọng Cầu - Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Phú Lộc cho biết, trong quá trình thực hiện kê khai đền bù cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển,huyện triển khai rất bài bản, huyện đã tổ chức kê khai,thẩm định, tổ chức chi trả cho trên 1500 đối tượng.

“Hiện nay vẫn còn nhiều đơn khiếu nại, khiếu kiện lên huyện. Chúng tôi đang tiếp tục thẩm tra xác minh nếu còn bỏ sót và những khiếu nại đúng chúng tôi sẽ bổ sung và đề nghị cấp trên giải quyết cho người dân, trường hợp khiếu kiện không đúng chúng tôi sẽ trả lời thoả đáng trên sơ sở văn bản hướng dẫn đền bù của Bộ chủ quản”, ông Cầu khẳng định.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Chiến Hữu - Q.Dũng

Từ khóa: