Sự kiện hot
13 năm trước

Hy hữu: Chồng cũ đang sống bị vợ khai tử

Trong chuyến về Việt Nam, một Việt kiều được người quen giới thiệu và kết hôn với một phụ nữ đã ly hôn chồng. Trong hồ sơ được làm để hoàn tất thủ tục đưa con riêng ra nước ngoài định cư với người chồng mới, có giấy khai tử người chồng cũ. Chỉ đến khi người chồng Việt kiều khởi kiện vợ đòi chia tài sản trong hôn nhân, mọi người mới ngỡ ngàng biết ra người chồng cũ vẫn còn sống.

Trong chuyến về Việt Nam, một Việt kiều được người quen giới thiệu và kết hôn với một phụ nữ đã ly hôn chồng. Trong hồ sơ được làm để hoàn tất thủ tục đưa con riêng ra nước ngoài định cư với người chồng mới, có giấy khai tử người chồng cũ. Chỉ đến khi người chồng Việt kiều khởi kiện vợ đòi chia tài sản trong hôn nhân, mọi người mới ngỡ ngàng biết ra người chồng cũ vẫn còn sống.

Bản sao giấy chứng tử. Ảnh: Thanh Nhã
Chính quyền địa phương nói không biết vì lãnh đạo phường ký giấy chứng tử đã chuyển công tác.

Đòi tài sản sau hôn nhân

Câu chuyện với nhiều tình huống bi hài trên xảy ra ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Theo hồ sơ khởi kiện gửi tới toà án và các cơ quan chức năng tỉnh này ngày 8.7, vụ việc được xác định như sau: cuối năm 2000, bà Hoàng Thị Kim Chi và ông Bùi Trọng Liêm được TAND thành phố Đà Lạt giải quyết cho ly hôn. Những đứa con chung được bà Chi nuôi và ông Liêm có nghĩa vụ thăm nom, giáo dục. Đồng thời, ông Liêm tự nguyện góp tiền với bà Chi nuôi con.

Ba năm sau, ông T., một Việt kiều Mỹ trong lần về nước được người quen giới thiệu với bà Chi. Hai người có tình cảm với nhau và kết hôn năm 2005 ở bang Florida, Mỹ. Trong thời kỳ hôn nhân, bà Chi không có việc làm và sống bằng thu nhập của ông T. Ngoài ra, người đàn ông gốc Việt này còn rộng lòng bảo lãnh các con riêng của vợ về Mỹ và chu cấp chi phí ăn học.

Tuy lương hưu của ông T. chỉ 2.500 USD/tháng nhưng bù lại, ông tích luỹ được một khoản tiền không nhỏ sau nhiều năm ở Mỹ. Bà Chi trở về Việt Nam và bàn với ông T. đem tiền về Đà Lạt mua đất để sinh lợi. Từ năm 2005 – 2010, ông T. đã nhiều lần chuyển tiền về để vợ mua đất ở Đà Lạt. Theo quy định của pháp luật Việt Nam lúc đó, người có quốc tịch nước ngoài không được đứng tên sở hữu bất động sản, nên ông T. để bà Chi đứng tên.

Đầu năm 2011, bà Chi về lại Việt Nam và ở luôn cho đến nay. Sau nhiều lần liên lạc với vợ để thăm hỏi, ông T. phát hiện ra bà Chi có những việc làm không rõ ràng liên quan đến tài sản chung.

Cụ thể, bà Chi nói sẽ cầm cố đất đai cho ngân hàng để vay tiền rồi về Mỹ cùng ông T. mua ngôi nhà khác khang trang hơn, gần thành phố hơn để tiện cho con đi học. Tuy nhiên, nhiều ngày sau đó, ông T. gọi lại thì vợ ông tỏ vẻ giận hờn rồi tắt máy liên tục. Nhờ người thân tìm hiểu, ông T. phát hiện ra vợ mình đang rao bán toàn bộ đất đai với nhiều tỉ đồng và đang xúc tiến việc mua nhà ở Úc. Cho rằng mình bị lừa, ông T. kiện vợ ra toà án vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đơn khởi kiện, ông T. bày tỏ quan điểm tài sản hình thành sau hôn nhân là của chung vợ chồng, vì vậy yêu cầu toà án giải quyết chia phần tài sản của ông trong khối tài sản chung đó.

Khai tử cho người sống

Bên cạnh những mập mờ về tài sản của bà Chi, ông T. còn tố cáo bà này đã làm giả giấy khai tử của chồng cũ để đưa con sang Mỹ. Luật pháp Mỹ quy định, các con của bà Chi muốn sang Mỹ định cư phải được sự đồng ý của cha chúng, tức là ông Bùi Trọng Liêm. 

Không thuyết phục được chồng cũ đồng ý cho mình đưa con sang Mỹ định cư, bà Chi đã tìm cách khai tử chồng. Ngày 21.1.2008, UBND phường 6, thành phố Đà Lạt làm giấy chứng tử cho ông Bùi Trọng Liêm. Điều làm người khác ngạc nhiên là không có người đi khai tử ký tên như quy định của nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ trong giấy khai tử này. Hơn nữa, nơi thường trú của ông Liêm là phường 9, nhưng phường 6 chứng tử.

Theo tìm hiểu của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, nơi ông Liêm “chết” theo giấy chứng tử là nhà số 38/10 đường Hai Bà Trưng, thành phố Đà Lạt. Nhưng khi chúng tôi tìm đến địa chỉ này thì đây là một khách sạn và hơn mười năm nay không có ai tên Liêm chết ở đây. Ngoài ra, sau thời điểm ông Liêm bị khai tử ở UBND phường 6, thì ngày 20.8.2009, phó trưởng công an phường 9 xác minh ông Liêm đang sống ở địa bàn này. Đặc biệt hơn, trên một tờ báo mạng, ông Liêm còn nói rằng mình rất ngỡ ngàng khi biết tin đã bị “chết trên giấy tờ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Long An, chủ tịch UBND phường 6, thành phố Đà Lạt cho biết: Ông vừa nhậm chức chủ tịch nên không biết. Chữ ký trong giấy chứng tử cho ông Liêm là của nguyên chủ tịch Dương Văn Bình. Ông Bình hiện đã chuyển công tác. Còn người viết giấy chứng tử hiện đang định cư ở Mỹ.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương, phó chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre, cần phải xác định động cơ và hậu quả của hành vi gian dối hành chính của những người liên quan. Bởi lẽ, nếu mục đích của bà Chi chỉ là đưa con ra nước ngoài thì khác với động cơ chiếm đoạt tài sản của chồng sau. Ngoài ra, các cán bộ phường ký giấy chứng tử nhưng không xác minh kỹ thì chịu mức kỷ luật theo quy định của luật Cán bộ công chức. Nếu phát hiện vụ lợi đằng sau hành vi gian dối này thì tuỳ kết quả điều tra sẽ có hình thức xử lý.

Hiện đơn khởi kiện của ông T. đã được chuyển đến toà án và các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng để tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Từ khóa: