Sự kiện hot
9 năm trước

Italy kiến nghị EU tăng hỗ trợ giải quyết khủng hoảng di cư

Ngày 12/6, Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni tuyên bố Chính phủ Italy sẽ thúc đẩy trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU) để có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc kiềm chế nguy cơ khủng hoảng đến từ làn sóng người di cư qua Địa Trung Hải.


Người di cư Afghanistan tới ngoài khơi đảo Kos, Hy Lạp khi vượt qua vùng biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại Diễn đàn Italy-Mỹ Latinh và vùng Caribe diễn ra ở thành phố Milan, Ngoại trưởng Gentiloni cho rằng "điều cần thiết là phải có giải pháp để ổn định tình hình... Chính phủ Italy đã nỗ lực và tình hình có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sẽ cần đấu tranh trong phạm vi châu Âu để có thêm nhiều kết quả hơn nữa."

Nguồn tin từ Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các quốc gia thành viên EU đang tích cực xây dựng "kế hoạch B" sau khi không thể đi đến thống nhất trong nhiều ngày qua về vấn đề phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư.

Theo EC, về quan điểm chung, tất cả các quốc gia thành viên đều nhất trí "cần làm gì đó cho những người tị nạn." Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc ở chỗ một số quốc gia EU phản đối biện pháp áp đặt chỉ tiêu tiếp nhận người tị nạn do EC đề xuất. Mặt khác, cũng không có quốc gia nào tự nguyện tiếp nhận một số lượng nhất định người tị nạn.

Anh, Iceland và Đan Mạch là ba quốc gia được miễn trừ tham gia tiếp nhận người tị nạn, 12 nước khác phản đối trong khi ba nước chưa bày tỏ thái độ về vấn đề này, trong đó có Latvia, nước đảm nhiệm cương vị Chủ tịch EU đến hết tháng Sáu này.

Việc không khai thông được bế tắc nói trên nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của Hội nghị các Bộ trưởng Nội vụ EU dự kiến diễn ra vào ngày 16/6. Vì vậy, "kế hoạch B" được cho sẽ là xây dựng trên nguyên tắc "không bắt buộc, không tự nguyện" dù cho đến nay vẫn chưa định hình được một cơ chế cụ thể.

Trước đó, EC đề xuất các quốc gia thành viên cùng nhau tiếp nhận 40.000 người tị nạn hiện tập trung tại Italy và Hy Lạp. Theo đó, mức phân bổ dựa trên số dân và tổng thu nhập quốc dân của từng nước thành viên, cũng như tỷ lệ thất nghiệp và số lượng người nhập cư đã được tiếp nhận.

Liên quan vấn đề người nhập cư, Cục lao động liên bang Đức (BA) cho biết sẽ có khoảng 350.000 người tị nạn gia nhập thị trường lao động Đức năm 2015, trong đó khoảng 200.000 người có thể tìm được việc làm qua các trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm.

Theo Giám đốc BA ông Frank-Juergen Weise, Đức được lợi từ lực lượng lao động nhập cư. Hiện thị trường lao động Đức đang thiếu hụt nhân lực ở nhiều ngành nghề và cần những lao động có chuyên môn từ nước ngoài.

Ông Weise đánh giá những người tị nạn từ Syria hay các nước đang gặp bất ổn chính trị ở Trung Đông được đào tạo cơ bản tốt trước khi tới Đức và họ hoàn toàn được chào đón tại đây. Nếu những người này học được tiếng Đức, khả năng hòa nhập vào thị trường lao động sở tại là rất cao.

theo Vietnam+

Từ khóa: