Sự kiện hot
7 năm trước

Jimmii Nguyễn: 'Ca sĩ nước ngoài không bao giờ dám làm tổn thương nhạc sĩ hoặc nền âm nhạc!'

Xung quanh chuyện lùm xùm giữa phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương về dòng nhạc Bolero, ca nhạc sĩ Jimmii Nguyễn cho biết ở nước ngoài, ca sĩ không bao giờ dám làm tổn thương nhạc sĩ hoặc nền âm nhạc.

Sau phát biểu của ca sĩ Tùng Dương về nhạc Bolero, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng trước phát ngôn của nam ca sĩ này. Ca - nhạc sĩ Jimmii Nguyễn cũng có những chia sẻ xung quanh phát ngôn của Tùng Dương trên trang cá nhân:

"Thụt lùi.

Khi nghe một ca sỹ phát biểu rằng nếu như chúng ta yêu chuộng thể nhạc Bolero thì là nền âm nhạc nói riêng và người Việt Nam chúng ta nói chung đi thụt lùi. Ý chàng ca sỹ này là như vậy.

Xin hãy tha thứ cho sự lộng ngôn thường thấy ở những ca sỹ được khán giả yêu mến cho lên chỗ đứng cao gọi là ngôi sao dạng này.

Thật ra chính người dân chúng ta đã không rạch ròi vị trí của ca sỹ, nhạc sỹ, của nghệ thuật ngay từ đầu. Chúng ta dễ bị nhầm lẫn giữa nhạc sỹ và ca sỹ. Giữa công lao đóng góp cho nền âm nhạc của nhạc sỹ và giữa sự quảng bá sáng tác từ ca sỹ.

Rất nhiều người cho rằng không có ca sỹ thì nhạc sỹ không ai biết đến. Và, không có nhạc sỹ thì ca sỹ không thể trở thành ca sỹ hoặc ngôi sao vì lấy nhạc đâu ra để mà hát, mà trình diễn để trở thành nổi tiếng.

Thật ra cả hai điều này đều đúng ở một góc độ nào đấy thôi.

Nhưng để phân biệt đẳng cấp, và để tránh nhùng nhằng vì vấn đề con gà đi trước hay quả trứng đi trước này, thì từ thập niên 1930, người Mỹ nói riêng và ở những quốc gia văn minh tiến bộ nói chung, họ thường khuyến khích, ủng hộ, phát huy và tôn vinh thành phần thứ 3. Đấy là “ca nhạc sỹ”. Vâng, người nghệ sỹ có khả năng vừa sáng tác, vừa hát nhạc hay lời nhạc của mình để khỏi phải tranh luận, khỏi phải ai trước ai sau, nhờ ai ai mới được nổi tiếng.

Jimmii Nguyễn có một góc nhìn khác xung quanh câu chuyện tranh cãi về nhạc Bolero là văn minh hay thụt lùi. (Ảnh: Thanh niên)

Hát hay, giọng hát đẹp, sáng tác có ý nghĩa, đóng góp tốt cho nền văn hóa nghệ thuật, người ca nhạc sỹ luôn có một chỗ đứng rất cao trong lòng khán giả ở mọi từng lớp.

Cho nên các ca sỹ nếu muốn phát biểu về âm nhạc, sáng tác hay bất cứ thể loại sáng tác, âm nhạc nào cũng phải hết sức dè dặt và thận trọng nếu không bị xã hội đánh giá thấp. Vì xã hội - nơi mà người ca sỹ, ngôi sao được cho sự tồn tại - là sự sống còn của người nghệ sỹ; là sự tồn tại của âm nhạc. Sự đánh giá rất thực tế này xuất phát tự nhiều ta thành xã hội và trong đó có “một ta là xã hội” nữa. Nên người ca sỹ nước ngoài khi phát biểu về nghệ thuật thường rất khiêm tốn vì họ biết họ là ai, đứng đâu và làm gì. Họ không bao giờ dám tổn thương đến nhạc sỹ hoặc nền âm nhạc.

Gần 90 năm, từ khi người ca nhạc sỹ người Pháp đầu tiên của thế giới được biết đến Charles Trénet từ thập niên 1930s, thế giới ở mỗi quốc gia đều có rất nhiều ca nhạc sỹ, vừa sáng tác, vừa hát nhạc của chính mình. Điều này đã trở thành một “phải là như thế” trong lĩnh vực ca nhạc.

Riêng ở Việt Nam, ca nhạc sỹ đếm đầu ngón tay. Muốn có được nhiều ca nhạc sỹ như những quốc gia văn minh trên thế giới đòi hỏi “trình độ” nâng đỡ, khuyến khích, phát huy và đào tạo thêm ca nhạc sỹ từ những người có trách nhiệm giữ gìn văn hóa nghệ thuật.

Đương nhiên khán giả họ vẫn yêu ca sỹ. Họ có quyền yêu ca sỹ. Và ca sỹ vẫn có quyền được yêu thương. Khán giả là sự sống còn của nghệ thuật mà. Nhưng yêu là yêu, thích là thích, vẫn phải rạch ròi, phải có tầm nhìn đứng đắn về nghệ thuật, phải tự ái và tự hào đúng chỗ. Vì chính khán giả sẽ là người đưa nghệ thuật lên vị trí cao hơn một khi họ đòi hỏi người nghệ sỹ phải có trình độ cao hơn. Người ca sỹ không được phép phát biểu linh tinh. Đừng tự cho rằng mình là ca sỹ hát thành ngôi sao tức đã là nhạc sỹ để có thể phân tích “chiều sâu của cảm xúc”.

Chiều sâu của cảm xúc là nơi người nhạc sỹ đã đến và đã hỉ nộ ái ố ở đấy. Người ca sỹ chỉ là người biết hát, có giọng trời phú, diễn tả cái cảm xúc hỉ nộ ái ố đấy của người nhạc sỹ mà thôi. Những cảm xúc thật để thốt ra lời, phát ra nốt nhạc không phải từ người ca sĩ. Cho nên rất là ấu trĩ nếu như ca sỹ khi hát những tác phẩm sáng tác nào đấy của những người nhạc sỹ, cho rằng đấy là dòng nhạc của anh hay của cô ta. Và cũng rất buồn cười khi nghe khán giả trao đổi, phản biện với nhau mở đầu bằng: “Tôi thích/ghét nhạc của ca sỹ XYZ, v,v…”

Đã là ca sỹ thì sáng tác nhạc ở đâu ra và hồi nào mà dám cho là “dòng nhạc” của mình? Họ có dám tranh đấu để giữ một ban nhạc cho ra chất, cho riêng “dòng nhạc của mình” hay không?

Họ có cảm được sự rên xiết của những kẻ khốn cùng không? Với một thân cây bị đốn ngã mà tuổi thơ vụn dại ta đã từng hẹn hò ở đấy? Đừng quên từ những rên xiết này, từ những nỗi đau dằn vặt khôn nguôi này, tình yêu đôi lứa mới đẹp, không trừu tượng, mới là hiện thực. Nhưng không có cảm xúc với nhân gian thì làm sao sáng tác? Không có sáng tác thì làm sao hát?

Tôi không thấy làm lạ hầu hết ca sỹ “không hề có cảm xúc” với những bài hát đã đưa tên tuổi của họ lên cao. Bằng chứng cá nhân họ không mấy khi tôn trọng người nhạc sỹ. Vẫn có những người nhạc sỹ nghèo khổ sống trong bệnh tật trong khi các ngôi sao thừa hưởng tất cả những vinh quang lấy từ khán giả.

Ca sỹ, họ chỉ bày tỏ thể hiện trước đám đông, báo chí như thể họ ăn trái nhớ kẻ trồng cây với nhạc sỹ thế thôi chứ sau lưng trên thực tế gặp một người nhạc sỹ đàn anh nổi tiếng, không mấy khi ca sỹ ngôi sao đến bắt tay chào trân trọng.

Cũng có vài ca sỹ đồng cảm với vài bài hát vì người nhạc sỹ viết giống như cuộc đời họ đã trải qua, hoặc ca sỹ có mối quan hệ mật thiết với người nhạc sỹ, nhưng hiếm lắm. Bài hát đâu phải xuất phát từ nỗi đau của họ đâu mà họ có cảm xúc? Như diễn viên điện ảnh, họ có tài thể hiện thôi. Câu chuyện trong phim đâu phải là câu chyện thật của người diễn viên ngoài đời đâu. Họ chỉ “diễn” cho ra nhân vật thôi ạ.

ss

Người ca sỹ cũng vậy, chỉ diễn cho ra bài hát. Họ trình bày bài hát hay vì hợp giọng và hợp với giai điệu, thể loại của bài hát và được khán giả đón nhận. Nên khi thành ngôi sao, họ không biết chính khán giả mới đúng là “thần tượng” của họ vì khán giả cảm được giọng hát và bài hát, đã cho người ca sỹ chỗ đứng cao và sự tồn tại. Và một khi ta được trọng dụng thì trách nhiệm phải đi đôi. Người ca sỹ phải biết mình là ai, đứng đâu và làm gì. Trách nhiệm là phải biết tôn trọng khán giả. Khán giả họ có trình độ mà.

Và cho dù là một người ca nhạc sỹ đi nữa thì anh hay cô ca nhạc sỹ nào đấy cũng chỉ có thể bày tỏ trong giới hạn của thể loại sáng tác mà anh hay cô ta sáng tác và trình bày mà thôi. Cũng còn phải hết sức thận trọng khi phát biểu về “thể loại âm nhạc khác nói riêng và nền âm nhạc nói chung”.

Cho nên tôi thấy phải tha thứ người ca sỹ khi họ phát biểu gây sốc về nền âm nhạc hay một thể loại âm nhạc nào đấy. Xin tha thứ cho họ vì họ rất không biết mình đang nói cái gì. Và tha thứ đồng nghĩa với việc đừng quan trọng hóa họ quá. Vì một khi họ xem thường nghệ thuật thì họ cũng chỉ là con múa rối của tác phẩm. Nhưng tha thứ không đồng nghĩa với việc cổ súy hay cho phép họ tiếp tục thể hiện những gì họ đang thể hiện: “xem thường văn hóa nghệ thuật”.

Tôi chia sẻ nghe có vẻ hơi nặng lời, tôi thành thật rất tiếc. Tôi xót cho những gì cha ông tiên phong đi trước đã có công gầy dựng để rồi bị những người ca sỹ dạng này đã xem thường. Xin thưa đấy là sự thật của một nền văn hóa nghệ thuật những mấy nghìn năm. Có thể chúng ta nhưng vì thì mà tại chiến tranh, tại vì bị đô hộ vân vân và vân vân để tránh đối diện với sự thật, để có một tự ái hay tự hào đúng chỗ. Sự thật là khán giả vẫn còn quá dễ dãi cho phép người ca sỹ tùy tiện ra khỏi vị trí. Sự thật là qua mấy nghìn năm đến giờ ca nhạc sỹ vẫn còn nhỏ giọt để ta có thể tự hào với thế giới.

Ngày nào khán giả rộng lượng còn cho phép ca sỹ có quyền đánh giá nghệ thuật, vô cảm trên sự đau khổ của cha ông nhạc sỹ đã hi sinh lót gạch cho thế hệ chúng ta, đã sáng tạo ra nghệ thuật, là cha đẻ của những bài hát đã giúp đưa tên tuổi ca sỹ lên cao, thì ngày đấy, nghệ thuật qua sự cô cảm vô tri lý này mới thực sự là vẫn còn đi thụt lùi.

Một cách vô lối."

PV
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: