Sự kiện hot
10 năm trước

Khai tử lò gạch Hoffman: Hàng ngàn công nhân trong tận cùng tuyệt vọng

Dantin - Dù hàng trăm lá đơn kêu cứu đã được gửi đi từ doanh nghiệp và công nhân sản xuất tại lò gạch Hoffman nhưng tỉnh Bình Dương vẫn giữ nguyên quyết định khai tử các lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh.



Công nhân tụ tập phản đối tổ công tác

Đã mất việc lại bị chủ nợ “hỏi thăm”

Trong tận cùng sự bế tắc, bà Lâm Thị Liên, một công nhân cao tuổi ở lò gạch Hồng Phát, huyện Phú Giáo đã khóc trước mặt tổ công tác. Lấy vạt áo lau đi những vệt nước mắt lăn dài trên đôi mắt ầng ậc nước, bà nói: “Hầu hết các công nhân nơi lò gạch tôi đang làm đều không biết chữ. Vì ở quê quá nghèo nên mới phải vào lò gạch để làm mướn. Chúng tôi vừa dốt lại vừa nghèo thử hỏi ngoài làm cái nghề này ra thì còn làm được gì nữa”.

Cũng như bà Liên, chị Trần Thị Hân, tay ôm đứa con 15 tháng tuổi giọt ngắn, giọt dài: “Hai vợ chồng em làm gạch được 7 năm nay. Cũng nhờ cái nghề này mà vợ chồng em cũng nuôi được bọn nhỏ, giờ bị đuổi ra đường, vợ chồng em cũng chẳng biết phải làm nghề gì nữa”.


Bà Phạm Thị Tần đưa ra cuốn sổ ghi nợ gần 2 tỉ của các công nhân. Nếu công nhân bị thất nghiệp, số tiền của bà kể như mất trắng.

Trong ngày 4/7, bà Liên, chị Lan cùng hàng chục công nhân khác và gia đình đã tụ tập trước lò gạch để phản đối quyết định niêm phong các lò gạch. Nhiều người lo sợ trước viễn cảnh không có việc làm đã quỳ lạy van xin tổ công tác. Thậm chí, những công nhân yếu tim như bà Hường đã xỉu ngay tại lò gạch vì chịu không nổi áp lực. “Chịu nổi mới là lạ, một mình bà ấy làm nuôi một đứa con và hai đứa cháu nhỏ. Cả gia đình bốn miệng ăn đều gánh trên vai bà ấy, từ ngày nghe quyết định ngưng hoạt động lò gạch, bà ấy lo sợ đến mất ăn, mất ngủ rồi kiệt sức” - một công nhân làm cùng đã nói về trường hợp của bà Hường như thế khiến ai nghe cũng nghẹn lòng.

Trớ trêu hơn, vì gánh nặng gia đình quá đông nên phần lớn công nhân sản xuất tại các lò gạch trên địa bàn huyện Phú Giáo đều nợ nần khá nhiều. Người ít thì nợ cửa hàng tạp hóa 5-7 triệu, người nợ nhiều thậm chí cả hàng chục triệu đồng.

Biết được thông tin các lò gạch sẽ bị niêm phong, không ít các chủ nợ cũng đã chực chờ trước các lò gạch với hy vọng vát vát được chút nợ. Có mặt từ sáng sớm với cuốn sổ nợ trên tay, bà Ngô Thị Nga bức xúc: “Vì thấy họ quá nghèo nên tôi mới bán đồ ăn thiếu, tổng cộng các công nhân ở các cơ sở ký sổ hơn 700 triệu đồng, giờ họ không có tiền, lại thất nghiệp tôi biết đòi ai đây mà thuê giang hồ đòi họ thì tôi không nỡ”.

Không chỉ bà Nga mà nhiều chủ tạp hóa khác ở khu vực này cũng cho công nhân nợ, thậm chí số tiền lên đến con số hàng tỉ. Tiêu biểu là trường hợp bà Phạm Thị Tần, chủ cửa hàng tổng hợp Minh Châu, với số chứng từ thiếu nợ trên tay, tổng số tiền mà các công nhân nợ bà cũng lên đến gần 2 tỉ đồng. Giờ bà Tần cũng chẳng có cách nào để đòi được nợ khi họ đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Tương lai mịt mù của những người công nhân lò gạch

Cũng như các công nhân ở huyện Phú Giáo, các công nhân ở thị xã Tân Uyên cũng rơi vào hoàn cảnh ngày mai chẳng biết phải về đâu?

Ngồi thẫn thờ bên đống gạch tại cơ sở Lâm Thành Nhung (thị xã Tân Uyên), bà Thạch Thị Thiên bùi ngùi kể: “Gia đình tôi có cả thảy 7 người làm gạch. Con, cháu chắt dắt díu nhau lên đây ở hết. Giờ đóng cửa lò gạch, chúng tôi cũng không biết phải đi đâu và làm gì để mưu sinh nữa”.

Anh Cao Bá Tư (52 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng làm việc tại cơ sở gạch Lâm Thành Nhung được gần 12 năm nay. Anh được chủ lò đưa về trong một hoàn cảnh khá “éo le” khi anh bị đói suốt 2 ngày liền trên quốc lộ 22, đoạn qua tỉnh Bình Dương. Chính vì thế, anh cực kỳ xem trọng nơi đây, xem trọng tình cảm của chủ lò gạch. Anh nói: “Tôi nhất quyết sẽ bảo vệ và làm việc ở đây tới cùng”.


Đằng sau mỗi gia đình công nhân là hàng ngàn đứa trẻ. Khi cha mẹ chúng không có việc làm, tương lai chúng cũng không biết sẽ về đâu.

Ông Nguyễn An Đông, chủ cơ sở gạch Minh Tú chia sẻ: “Công nhân ở đây làm việc chân tay rất vất vả nên chúng tôi không bao giờ để họ thiệt thòi. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, gạch không bán được, cơ sở không có lợi nhuận, cho dù đang phải gồng mình trả lãi ngân hàng nhưng chúng tôi vẫn trợ cấp tiền cho công nhân. Thiếu gạo chúng tôi mua gạo, thiếu nước chúng tôi mua nước, thậm chí còn ứng tiền lương để họ gửi về quê”.

Cái nghĩa cái tình giữa chủ với công nhân ở nơi đây nó như một lẽ thường tình vậy, điều đó khiến cho sự đoàn kết giữa họ rất cao. Tinh thần đoàn kết đó thực sự đã phát huy trong lần bảo vệ cho sự tồn tại của lò gạch, nơi giúp họ được sống và làm việc. Và thực tế, không ít người trong tổ công tác cũng mủi lòng.

Rồi đây, theo như quyết định của UBND tỉnh Bình Dương, các lò gạch Hoffman sẽ đứng trước nguy cơ xóa sổ hoàn toàn. Doanh nghiệp trở về với hai bàn tay trắng cùng đống phế liệu không lồ, còn hàng ngàn công nhân cùng thân nhân của họ sẽ phải tìm những nẻo đường khác để mưu sinh.

Nhưng họ về đâu khi có những người không một mảnh đất cắm dùi, sẽ về đâu khi “chữ bẻ đôi” họ cũng không biết, số ít có trình độ lớp 1, lớp 2, và ai sẽ dám nhận những con người như thế vào doanh nghiệp của mình. Nhìn nụ cười của những đứa trẻ đang đợi chờ một tương lai màu xám, khó ai có đủ dũng cảm để trả lời những câu hỏi nhức nhối được đặt ra.

Loan Nguyễn - Nguyên Vũ

Từ khóa: