Sự kiện hot
12 năm trước

'Khi clip gian lận tung lên mạng, lãnh đạo sợ bị soi'

"Các nhà quản lý đều biết tình trạng gian lận nhưng lại muốn giấu nên nếu không tung lên mạng thì sao dư luận xã hội biết", Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch trao đổi với báo chí.

"Các nhà quản lý đều biết tình trạng gian lận nhưng lại muốn giấu nên nếu không tung lên mạng thì sao dư luận xã hội biết", Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch trao đổi với báo chí.

- Trả lời về vụ gian lận ở Bắc Giang, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, việc tung clip ném phao thi ở THPT Dân lập Đồi Ngô có thể tác động không tốt đến người xem, nhất là học sinh. Ông chia sẻ gì với quan điểm trên?


Ông Trịnh Ngọc Thạch. Ảnh: Tiến Dũng.

- Tôi cũng có nghe Bộ trưởng nói là vấn đề tung clip lên mạng sẽ gây dư luận, tâm lý xấu trong xã hội. Tôi cho rằng, tự phát tung lên như thế làm xã hội hoang mang, nhưng cũng phải nói đến mặt mạnh của clip tung lên mạng là cảnh báo cho xã hội có hiện tượng đó. Các nhà quản lý đều biết tình trạng gian lận nhưng lại muốn giấu nên nếu không tung lên mạng thì sao dư luận xã hội biết.

Khi clip bị tung lên mạng thì đúng là lãnh đạo sợ bị soi, phê bình, kỷ luật nên có thể người ta sẽ dìm vụ việc xuống. Vì thế, chúng ta phải có biện pháp nào đó để công khai, công bố thông tin.

Với cách tổ chức và quan niệm thi cử như hiện nay thì chắc chắn năm nào cũng đều xảy ra sự cố. Các trường đua nhau, các tỉnh đua nhau, cả nước dồn nén vào một kỳ thi, áp lực lớn thì có sự cố là chắc chắn. Kỳ thi THPT có nhiều tiêu cực về thành tích, nhất là đánh giá thành tích, chất lượng giáo dục bằng điểm số.

- Cá nhân ông thấy nên tung clip để đưa ra lời cảnh bảo về tiêu cực hay là xuê xoa xử lý với nhau?

- Cả hai biện pháp đều không tốt lắm. Tung clip cũng có mặt hạn chế, và xuê xoa xử lý càng hạn chế hơn. Theo tôi, khi đã có clip thì các em phải có trách nhiệm thông báo cho chính quyền một cách bí mật. Nếu sau khi phản ánh mà chính quyền không vào cuộc thì có thể công bố.

- Năm 2006, khi tố cáo tiêu cực ở Hà Tây cũ, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng gửi clip quay cảnh vi phạm cho Bộ GD&ĐT và Sở Giáo dục Hà Tây nhưng vụ việc cứ bị ỉm đi, buộc ông phải đưa clip lên báo. Phải chăng lòng tin vào các cơ quan chức năng đã giảm?

- Nếu thầy giáo Đỗ Việt Khoa làm như thế rồi mà cơ quan chức năng bỏ đi, giấu đi thì sẽ khiến người ta hành động bột phát. Khi đó, thầy Khoa có thể kiến nghị cấp cao hơn. Nếu gửi vào Quốc hội thì không đơn từ nào chúng tôi bỏ qua cả. Nhưng điều này cũng cho thấy, chức năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý có vấn đề.

Một trong những khẩu hiệu được treo tại THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang). Ảnh: Tiến Dũng.

- Trong vụ gian lận thi ở Bắc Giang vừa qua, quan điểm của ông về việc xử lý học sinh, cán bộ vi phạm ra sao?

- Phải xử lý nghiêm vì qua clip dấu hiệu đã rõ ràng. Vấn đề gây bức xúc dư luận thì phải xử lý nghiêm. Nhưng phải xử lý ông Chủ tịch hội đồng thi trước, và ông này phải tìm ra ai làm, ai không làm, ai vi phạm.

Còn thí sinh quay clip, chúng ta phải phân biệt công và tội. Em ấy có công phát hiện và đưa clip ra nhưng lại vi phạm quy chế vì đưa phương tiện cấm vào phòng thi. Hình thức xử lý thì chỉ cần nhắc nhở, không nên kỷ luật nặng nề, không nên hủy kết quả thi của em ấy vì như thế sẽ gây ra tác dụng xấu. Cần hết sức cân nhắc trong việc xử lý thí sinh này.

- Nhiều ý kiến cho rằng, không cần thiết tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT rình rang, hình thức, tiêu cực, không phản ánh đúng thực chất như hiện nay. Quan điểm của ông ra sao?

- Quan điểm của tôi là kỳ thi tốt nghiệp THPT có giá trị của nó, nhưng càng ngày càng phản ánh mặt trái như: dồn 12 năm học vào để đánh giá sản phẩm bằng một kỳ thi là không chính xác. Thứ hai, sau 12 năm học, người học tất nhiên muốn có điểm cao dù chất lượng không cao, để ghi nhân quá trình học. Điểm cao đó không nói lên chất lượng mà chỉ là hình thức. Nếu cứ chạy theo điểm thì dứt khoát bệnh thành tích còn nhiều, không chỉ Bắc Giang mà nhiều nơi khác nếu tìm đều có cả.

Nhiều người nói nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bài toán bỏ kỳ thi cần phải được đánh giá nghiêm túc, xem xét tổ chức thi như vậy hiệu quả ra sao, được gì, mất gì. Mất nhiều như thế thì thu được gì? Một số nước thi rất đơn giản, đánh giá từng giai đoạn ngắn để ghi nhận, còn chúng ta thi nặng nề quá nên phải xem xét.

- Trong kỳ họp này ông có định đưa vấn đề thi cử ra chất vấn Bộ trưởng Giáo dục?

- Giáo dục có nhiều vấn đề và năm ngoái Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã trả lời chất vấn. Còn kỳ họp này, trong số 7 người dự kiến được chất vấn lần này lại không có Bộ trưởng Giáo dục. Ngoài hành lang, trên báo chí, đại biểu cũng nêu vấn đề với Bộ trưởng nhưng đưa chắc khó chất vấn tại nghị trường được. Còn chất vấn bằng văn bản thì Bộ trưởng phải trả lời.

theo Vnexpress

Từ khóa: