Sự kiện hot
11 năm trước

Khi những ông chủ biến thành người làm thuê

Dantin - Phá sản, bán nhà trả nợ, công ty giải thể đã khiến một loạt ông chủ doanh nghiệp đình đám mấy năm về trước đành nhắm mắt đi làm lao động phổ thông kiếm sống qua ngày.

Dantin - Phá sản, bán nhà trả nợ, công ty giải thể đã khiến một loạt ông chủ doanh nghiệp đình đám mấy năm về trước đành nhắm mắt đi làm lao động phổ thông kiếm sống qua ngày. Một tình thế cười ra nước mắt của những người vẫn quen xài sang xế hộp, nhà lầu, cơm bưng nước rót.


Anh Nguyễn Văn Thắng.

1. Giữa trưa hè nắng chang chang, trong xưởng mộc đầy bụi mùn cưa, Nguyễn Văn Thắng, 37 tuổi, mồ hôi nhễ nhại, mặc bộ quần áo bảo hộ dày cộp đang hì hục đục đẽo tấm gỗ cho thành hình. Cứ 15 phút, anh lại lấy tay quệt mồ hôi một lần và bưng âu nước tu ừng ực. Nhìn hình ảnh ấy không ai có thể ngờ Thắng đã 10 năm làm  Giám đốc Cty TNHH T.V, một cty đồ gỗ nội thất có tiếng ở Thanh Xuân Trung (Q. Thanh Xuân, Hà Nội).

Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội năm 2000, sau 3 năm làm việc tại một tập đoàn xây dựng lớn, sẵn có vốn hiểu biết về nghề mộc (quê ở làng mộc Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) Thắng mở cty T.V chuyên thầu các dự án đồ gỗ nội thất. Chỉ sau 4 năm, cty ăn nên làm ra, Thắng mua được căn biệt thự trị giá chục tỷ tại khu đô thị mới Định Công, sắm xe xịn. Tên tuổi của Thắng trong giới xây dựng cũng được khẳng định. Nào ngờ…

“Khó khăn chồng chất khó khăn. Bắt đầu từ năm 2011, bất động sản chững lại. Một loạt các dự án xây dựng đắp chiếu. Hàng chục công trình nhận thi công phần nội thất đều dừng lại. Cty T.V có tới 200 công nhân kỹ thuật và kỹ sư thiết kế đành ngồi chơi hưởng lương. Nhưng cũng chỉ trụ được ít tháng. Đến đầu năm 2012 cty giảm bớt quy mô chỉ còn hơn chục người. Tiền đầu tư phần cơ sở không thể thu hồi khi chủ đầu tư không chịu thanh toán. Đồ gỗ không phải là vật liệu xây dựng bình thường. Hơn 200 tỷ đồng vốn liếng thành vốn chết. Nợ ngân hàng cty cũng không thể gánh được”, anh Thắng kể lại.

Nói xong, anh Thắng lại chăm chú bào một lớp gỗ cho chiếc tủ đang làm dở. “Nhưng chưa hết. Năm 2012 chỉ là năm “ngắc ngoải” thôi. Đến đầu năm nay (2013 – PV) thì cty đành phải tuyên bố phá sản và giải thể. Nợ nhiều quá nên hai vợ chồng bàn nhau bán nhà và thế chấp xe trả nợ rồi về quê. Bí quá, vợ ở nhà trông con còn tớ thì thế này đây…”, anh Thắng vừa liên tay bào rồi ngậm ngùi.

Anh Thắng cũng bảo như anh vẫn còn…may! “May vì tiền nợ đã trả gần hết chứ không thì tình hình kinh tế khó khăn như năm nay đến bạc đầu cũng không trả hết nợ. May mà còn biết được cái nghề “đục đẽo” (nghề mộc- NV) để làm thuê kiếm miếng ăn nuôi vợ con không thì chết đói”.

2. Cũng trong trưa nắng, đi hơn 40 km về thôn Cơ Giáo, xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội mới tìm gặp Phan Trần Bảo Minh, một Giám đốc cty thép tư nhân một thời lừng lẫy ở, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh. Nào ai ngờ, giám đốc một cty thép lại đang tỉa cành cho cây cảnh. “Không phải cây cảnh của mình đâu. Ông chủ vườn về nghỉ trưa rồi. Mình chỉ làm thuê ở đây thôi”, anh Minh phân trần. Khách nói muốn gặp anh thì anh Minh dáo dác: “Có việc gì thế? Mình không còn làm bên thép nữa rồi cơ mà”. Sau đó anh mới thú thật: “Cứ tưởng ai đó đến đòi nợ nên cũng thấy lo”.

Anh Minh nói cty thép của anh có quy mô cũng không hề nhỏ. Gần 100 thợ cán thép, phôi thép xuất khẩu trong những năm 2000 cũng đủ làm anh trở nên giàu có. “Kinh tế khủng hoảng, xây dựng ì ạch và đắp chiếu nên cty không thể bù lỗ được đành giải thể. Đã quá 40 tuổi, cái tuổi “trì” rồi cũng khó làm lại cơ đồ. Huống chi còn một đống nợ mà chưa thể thanh toán hết”, anh Minh tâm sự. Bây giờ, anh Minh về quê, làm thuê cho một ông chủ vườn cảnh. Công việc cắt tỉa cành và chăm sóc cây đem lại cho anh thu nhập 200.000 đồng/ngày. “Đấy là ông chủ quen biết ưu ái. Chứ công nhật ở vườn chỉ có 150.000 đồng/ngày thôi”, anh Minh nói có chút đắn đó. Trước kia, khi còn là “ông chủ thép”, có bao giờ anh phải so đo đồng tiền công ít ỏi ấy?

3.  Từ đầu năm 2013, trong các bài viết của tôi trên báo Đời sống & Tiêu dùng đã đưa những con số doanh nghiệp phá sản, giải thể, số lao động thất nghiệp khiến cho nhiều người giật mình. Nhiều doanh nghiệp đang tồn tại đã tự đặt câu hỏi: Bao giờ đến lượt mình? Sẽ có bao nhiêu ông chủ bỗng chốc trở thành thợ thuyền hay trắng tay như giám đốc Thắng, giám đốc Minh kia?

Tại hội thảo “CEO và đa dạng hóa trong chiến lược kinh doanh” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp nhận định, trước sức mạnh của nhà đầu tư nước ngoài hay các tập đoàn lớn trong nước, những doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) không thể cạnh tranh trong cuộc đua giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Ông Phạm Đình Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Thái, cho rằng, có 2 nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phá sản của nhiều DN Việt Nam là: Đầu tư cho nghiên cứu, tư vấn chiến lược phát triển còn thấp, sơ sài và DN còn mắc bệnh thích sĩ diện, hoành tráng.

Do vậy, muốn vươn lên, các DN phải biết lượng sức mình. Theo ông Đoàn, nếu DN không chữa bệnh sĩ diện, thích hoành tráng trước, thì còn “chết”. Bởi hiện nay, căn bệnh này biểu hiện là năng lực quản lý, điều hành, tài chính... có hạn nhưng thích làm lớn, với những dự án to cho oai, nhưng vượt sức của mình. Điều này khiến phân tán nguồn lực, lãng phí, tốn kém... và dẫn đến thua lỗ, thậm chí phá sản.

Bằng kinh nghiệm bản thân, ông Đoàn đưa ra lời khuyên các doanh nghiệp VN đặt ra chiến lược phát triển thông qua việc tăng quy mô và tăng doanh số trên cơ sở của 4 yếu tố chính là: Tìm cách tăng doanh thu; Tăng số lượng nhân viên; Đầu tư PR và tăng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần luôn đổi mới trong hoạt động kinh doanh. Sự đổi mới này, đơn cử, nếu cứ mãi giữ một mẫu mã sản phẩm là không nên. Tư duy người quản lý cũng phải đổi mới hợp thời, hợp xu thế.

50% số người thất nghiệp là thanh niên


Anh Phan Trần Bảo Minh.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo “Xu hướng Việc làm Toàn cầu cho Thanh niên 2013”. Theo đó, tại Việt Nam, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao gấp 3 lần người trưởng thành.

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế đã tác động mạnh tới thế hệ người lao động năng động nhất, đó là thanh niên. Bốn triệu (tức 53%) thanh niên đang làm những công việc dễ bị tổn thương. Họ làm những công việc tự tạo hoặc giúp việc cho gia đình mình, vốn dĩ là những công việc năng suất thấp, thu nhập kém, điều kiện lao động không đảm bảo và không được bảo hiểm.Theo ILO, Việt Nam cần có một loạt các biện pháp cụ thể về việc làm cho thanh niên. Các biện pháp này bao gồm những can thiệp để thanh niên có được kỹ năng mà người sử dụng lao động cần.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận với vốn vay, cho phép họ thuê thêm nhiều lao động trẻ hơn. Thanh niên có quyền, điều kiện làm việc và bảo trợ xã hội bình đẳng như những lao động trưởng thành.

TS. Võ Huy Thành

Từ khóa: